Tuesday, 30 July 2013

Bàn về nỗi chán (Leszek Kołakowski)

(Charles Baudelaire)

Thái Linh dịch


Ta hãy thử viết về nỗi chán một cách không chán. Không chán - ngoài những đặc điểm khác - có nghĩa là ngắn thôi. Bản thân chuyện về nỗi chán không chán cũng không vô nghĩa, bởi nó bàn đến một trải nghiệm được biết đến rộng rãi, cụ thể là trải nghiệm nói chung bị xem là tiêu cực nhưng lại không thể gọi là đau khổ (ngoại trừ những trường hợp cực đoan như việc tước bỏ nhân tạo mọi xung động ham muốn của con người một thời gian dài trong các thử nghiệm tâm lý học).

Tương tự như các phẩm chất thẩm mỹ, nỗi chán là một hiện tượng xuất hiện khi được trải nghiệm, song đồng thời có thể gán cho khách thể được tri giác chứ không riêng cho kẻ tri giác („tiểu thuyết này khiến tôi phát chán”, „tiểu thuyết này chán”); bởi vậy, nói cho sang, nó thích hợp với một xem xét mang tính hiện tượng luận.

Khi dừng lại ở cách dùng thông thường của từ này, ta sẽ nhận thấy ngay, thứ nhất, ta chỉ gán sự chán cho những gì kéo dài trong thời gian: vở kịch chán, bản nhạc chán, bài lịch sử chán, công việc chán, nói chung ta không nói tác phẩm hội họa chán, thứ thường là ta nắm bắt được ngay trong một cái nhìn. Phong cảnh chán, nghĩa là đơn điệu, không có sự tương phản, nếu ta ngắm nhìn nó trong khoảng thời gian dài, ví dụ khi đi tàu qua bình nguyên phủ đầy tuyết. Từ góc độ khách thể, chán là sự lặp lại chính một điều, hoặc là sự hỗn độn, thiếu vắng sự khớp nối và ý nghĩa (song tiểu thuyết hay bi kịch diễn tả thế giới trong hỗn loạn hoàn toàn không nhất thiết phải chán: thí dụ Ulisses của Joyce, kịch của Beckett và nhiều thứ khác). Từ góc độ người tri giác, chán nghĩa là không có khả năng mong đợi điều gì đó mới mẻ, là cảm giác hiện hữu (dẫu chỉ trong chốc lát) trong một thế giới nơi sẽ không có gì xảy ra, tức là nơi hoặc sẽ mãi như thế, hoặc nếu có gì đó xảy ra thì người tri giác cũng thấy như nhau, nghĩa là như chẳng có gì xảy ra.

Có thể khẳng định rằng chẳng có gì tự thân nó là chán, bởi con người khác nhau trong cách tiếp nhận những mảnh thế giới khác nhau, và cảm giác chán của họ phụ thuộc vào từng trường hợp, nhất là phụ thuộc vào kinh nghiệm từng trải qua. Một bộ phim hoàn toàn thú vị có thể trở thành chán nếu ta xem lại ngay sau khi xem lần đầu, bởi những gì sẽ xảy ra ở đó đối với ta là đã xảy ra. Ngay cả một người rất kém giáo dục về âm nhạc cũng không cho một bản concerto cho vĩ cầm của Paganini, concerto cho vĩ cầm của Tchaikovsky, concerto cho dương cầm của Chopin là chán, nhưng lại có thể chán một số bản giao hưởng của Brahm, mà người am hiểu sẽ không chia sẻ cả ý kiến lẫn cảm nhận này, chắc chắn sẽ phê phán sự vô minh của anh ta. Có thể một tác phẩm lịch sử nào đó khiến tôi chán, nhưng lại lý thú với người khác, bởi sự tiếp nhận của tôi là do tôi không thấy sự tương phản, bởi vậy tôi không biết phân biệt nặng nhẹ, mới cũ v.v. Một việc là chán đối với người làm nó đã lâu và theo lệ, không nhất thiết chán đối với người làm lần đầu. Ta hãy thử cố tạo ra nỗi chán và đọc một cuốn sách bằng thứ ngôn ngữ mình không biết trong suốt một giờ đồng hồ: ấy thế nhưng cuốn sách đó có thể là tiểu thuyết của Agatha Christie.

Dĩ nhiên, trong nỗi chán cũng như sự chán ngán có một vùng đáng kể phụ thuộc hoàn toàn vào các khuynh hướng và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta và không thể có được sự đồng thuận. Vấn đề liệu có điều gì chán tự thân hay không cũng tương tự như vấn đề của các phẩm chất mỹ học: có phải chúng luôn luôn và tuyệt đối là dự phóng cá nhân, hay chúng được phát hiện ra „trong sự vật” bằng cách nào đó? Cả hai trường hợp đều có phạm vi đồng thuận và phạm vi bất đồng, chắc chắn vậy. Cả hai trường hợp cũng đều là về những phẩm chất được giáo dục rèn luyện qua văn hóa; có lẽ thật ra chả có gì là ngớ ngẩn trong giả định rằng khi các phẩm chất đó được tri giác, luôn có sự tác động qua lại giữa sự vật và tinh thần, và rằng câu hỏi điều gì tuyệt đối có trước chẳng có mấy ý nghĩa.

Nói chung chúng ta cho rằng chán không những là hiện tượng phổ biến ở loài người – đây không phải là đặc quyền của Baudelaire hay Chateaubriand – mà còn là đặc trưng của con người, loài vật không có trải nghiệm đó (nếu chó nhà cũng có trải nghiệm về nỗi chán, như chúng ta vẫn tưởng tượng – dẫu làm sao có thể biết được điều đó? - thì chắc hẳn chúng học điều đó từ chúng ta); khi các nhu cầu sinh lý của chúng được thỏa mãn và không có sự đe dọa nào, các loài vật nằm ườn không hoạt động để không tiêu hao năng lượng vô ích, và chẳng có lý do gì để giả định rằng chúng đang chán. Hơn thế nữa, không rõ nỗi chán sinh ra khi nào và vì sao; tôi không cho rằng trước thế kỷ XIX đây từng là một chủ đê văn học hay triết học, mặc dù từ này đã tồn tại. Dân quê ở các làng mạc sơ khai truyền thống, từ sáng sớm đến tối mịt đầu tắt mặt tối chỉ để đủ ăn, trong sự đơn điệu của công việc thường ngày, chỉ sống một nơi suốt cuộc đời, họ có trải nghiệm nỗi chán không? Tôi không biết, nhưng tôi hình dung rằng ngay cả một phận đời như thế, chẳng có lấy một viễn cảnh thay đổi, gần như phi thời gian, cũng không nhất thiết phải gây ra cảm giác chán thường xuyên; luôn có điều gì đó xảy ra ngoài lệ thường: con cái ra đời, con cái chết, hàng xóm ngoại tình, bão, hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn, rất nhiều việc xảy ra bất ngờ, bí ẩn, nguy hiểm hoặc ích lợi. Tóm lại, ngay cả trong những hoàn cảnh có vẻ ù lì như thế, con người vẫn có cảm giác rằng cuộc đời được ban tặng là ân phước may mắn không thể khước từ.

Quả là cái bình thường, sự đơn điệu của cuộc sống có thể bị xem là chán. Ta hay nghe phàn nàn rằng tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xấu: thiên tai, giết người, chiến tranh, sự dã man tàn bạo, khủng hoảng. Câu trả lời thường là: chính thế, bởi khi người ta giết anh Jan ngoài đường thì đó là tin mới, còn khi Jan ăn sáng, đi làm hay về nhà thì không còn là tin mới nữa, chuyện đó chán chết; nếu anh Jan li dị thì đó là tin mới cho người thân bạn bè, còn nếu anh ta sống hòa thuận với vợ thì chả có gì sốt dẻo, chán như con gián. Tin mới là điều bất ngờ và ít khả năng xảy ra, nhưng sự ngẫu nhiên thường bất lợi cho chúng ta; nhưng gì ngẫu nhiên chủ yếu là những điều không hay, cái hỗn loạn của thế giới không phục vụ chúng ta. Lịch sử loài người là cuộc đấu tranh với sự ngẫu nhiên, là nỗ lực giảm thiểu sự ngẫu nhiên trong cuộc sống; nếu ngẫu nhiên thường tốt lành thì chẳng có lý do gì để chiến đấu với nó. Quả thật là khi anh Jan trúng xổ số, đó cũng là tin mới, nhưng đó là tin mới tốt lành cho Jan, song là xấu cho tất cả những người không trúng nhưng đã mua vé để Jan được trúng; bởi vậy rốt cuộc đó là tin xấu.

Những người may mắn, ví dụ những người dành phần lớn đời mình cho thư sách, nói chung không thấy chán, nghĩa là họ không có cảm giác thiếu ham muốn tìm tòi, họ luôn có thể tìm thấy những ham muốn ấy. Những tưởng con người đương đại không nên cảm thấy chán, bởi hầu như tất cả mọi người đều có thể xem ti-vi, nghe đài, nghe nhạc và có những thú tiêu khiển khác, nơi người ta dễ dàng tìm thấy cái gì đó lý thú. Trong khi đó, ta có thể đọc đâu đó, thí dụ, rằng các nhóm côn đồ trong các thành phố ở nhiều nước phá phách vô mục đích, gặp gì đập nấy, gặp ai đánh nấy, và chúng giải thích: vì chán. Xem các bộ phim kích động, như ta thấy, là chưa đủ, chắc hẳn bởi đó chỉ là sự xem thụ động, bởi không thể rũ bỏ cảm giác giả tưởng, không trực tiếp tham gia vào nó. Ngược lại, những cuộc phiêu lưu hấp dẫn của các nhân vật truyền hình có thể làm tăng thêm nỗi chán, tăng thêm cơn đói được kích thích và cả cảm giác thiệt thòi: vì sao tôi không có cuộc sống thú vị như anh chàng thám tử kia, vì sao tôi không giàu như Liz Taylor? Phải làm gì đây với đám thanh niên tội nghiệp, tuy không đói ăn thiếu mặc nhưng cũng không có chút của cải nào, không có cuộc phiêu lưu thực tế hay giả tưởng nào như của các minh tinh màn bạc? Phải hướng bản năng tò mò và nhu cầu ham muốn của họ vào con đường „kiến thiết”, để họ không giải tỏa chúng vào những cuộc tàn phá thiếu suy nghĩ và những cơn lên đồng tập thể trong các buổi hòa nhạc ầm ỹ ồn ào vô nghĩa, nói thì dễ, nhưng phải làm thế nào đây?

Hiếu kỳ là bản tính par excellence của con người và thiếu nó thì chúng ta chẳng có lý do gì để thoát ra khỏi tình trạng thú vật: hiếu kỳ, tức bản năng khiến chúng ta tìm hiểu thế giới chỉ để tìm hiểu, không lệ thuộc vào việc các nhu cầu sinh lý của chúng ta có được đáp ứng hay không và chúng ta có muốn tránh nguy hiểm hay không. Tương tự như trong trường hợp nỗi chán, „hiếu kỳ” có thể là sự vật, và „hiếu kỳ” cũng là tinh thần hướng đến sự vật đó; không thể có cái này mà thiếu cái kia. Bởi „là người hiếu kỳ” và „thú vị” trái nghĩa tương ứng với „là người chán” và „chán”, có thể nói rằng hiện tượng chán là cái giá chúng ta trả cho việc mình biết hiếu kỳ; không có gì là thú vị đáng hiếu kỳ nếu không có gì chán. Nói cách khác: chán là một phần không thể tách rời trong nhân tính của chúng ta; hoặc là: thực kiện rằng chúng ta có khả năng cảm thấy chán khiến chúng ta có nhân tính. Cảm giác chán đánh thức nhu cầu thoát khỏi sự chán, dĩ nhiên, sự thoát khỏi này có thể mang tính hủy diệt, nhưng cũng có thể mang tính sáng tạo, và trường hợp thứ nhất dễ dàng hơn. Chiến tranh thật khủng khiếp, nhưng nó không chán và hàng bao đời nay trong chiến tranh, bên cạnh các nguyên nhân khác, có phần của nhiệt huyết chiến đấu để chống lại nỗi chán.

Hơn thế nữa, bởi sự lặp lại dễ sinh chán, có thể e ngại rằng những ham muốn hiện có như nguồn gốc của sự hiếu kỳ sẽ luôn cạn đi và chúng ta sẽ luôn có những ham muốn không chỉ mỗi lúc một khác hơn, mà còn mỗi lúc một mạnh hơn, như những kẻ nghiện ma túy. Ta không biết điều này có thể dẫn đến đâu.

Trường hợp cụ thể của hiện tượng đang được xem xét là „người chán”, một người rất khó miêu tả. Đó không nhất thiết phải là một người không biết phân biệt nặng nhẹ, kể lể đủ thứ với những chi tiết thừa thãi và dở ẹc, người không biết châm biếm hay hài hước, không thể dứt khỏi những sự việc chả khơi dậy phản ứng nào xung quanh, không thể đưa vào guồng cái cơ chế ảnh hưởng lẫn nhau với người khác; vậy có lẽ anh ta không có khả năng tạo ra sự tương phản trong giao tiếp chăng? Trong nghĩa này, anh ta rơi vào tính chất chung của sự chán được nêu ra ở trên. Sẽ là thừa thãi khi thêm rằng: là người chán hay không chẳng liên quan gì đến học vấn hay tính cách tốt xấu.


Utopia, tức tình trạng thỏa mãn tuyệt đối, thiếu vắng xung đột và căng thẳng, dĩ nhiên, nếu đạt được, sẽ là tận thế của loài người, là sự khô kiệt bản năng hiếu kỳ. Chừng nào giống loài của chúng ta còn là chính nó, chừng đó còn không thể dựng xây utopia. Dù sao đi nữa, liệu có thể hình dung một „cáo chung của lịch sử” với nghĩa như ông người Mỹ gốc Nhật nói gần đây, tức thế giới trong đó không có bất cứ lựa chọn tưởng tượng nào cho các định chế chính trị, cũng không có chiến tranh và thiếu thốn, nghệ thuật và văn học suy tàn, nỗi chán ngự trị khắp nơi? Tôi chẳng lo lắng lắm về tính hiện thực của lời tiên tri này, nhưng nếu nó trở thành hiện thực, thì hậu quả nhãn tiền chắc hẳn không phải là sự đồng thuận với nỗi chán vĩnh cửu, mà nhiều hơn là sự tìm kiếm lối thoát liều lĩnh tuyệt vọng như của các băng đảng thanh thiếu niên đã nhắc ở trên: ham muốn hủy diệt chỉ để hủy diệt. Bởi vậy nỗi chán, như mọi hiện tượng phổ quát khác của con người, xứng đáng được ngợi ca, nhưng đồng thời cũng nguy hiểm.

(Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008)
 

No comments: