Sunday, 2 August 2009

Hola, Tenerife!

(Những vách đá khổng lồ ở bờ Tây Bắc đảo Tenerife)

1.

Đó là một ngày tháng Năm năm 2007.

Chúng tôi đến sân bay Tenerife cùng một đoàn khách du lịch Ba Lan vào lúc ba rưỡi sáng. Biết thân biết phận mình mang hộ chiếu Việt Nam nên tôi phải nhanh chân ra trước, phòng trường hợp làm thủ tục biên phòng lâu. Anh nhân viên biên phòng đẹp trai cầm hộ chiếu của tôi giơ lên xem và hỏi: “Việt nam à?” Tôi đáp “Vâng”, trong bụng nghĩ thầm “Biết ngay mà…” Nhưng anh lại cười rất tươi và nói “Xin chào!”. Không, không phải là hello, hola hay buenos dias, mà là XIN CHÀO. Bằng tiếng Việt. Rồi anh bắt đầu sổ ra một tràng lơ lớ: “Một, hai ba, bốn, năm sáu… tôi học Việt Võ đạo mười năm rồi, thích Việt Nam lắm!” Tôi cười tươi như hoa, đã đi qua biết bao cửa khẩu, lần đầu tiên trong đời tôi gặp một nhân viên biên phòng thích Việt Nam và biết chút tiếng Việt. Mấy người Ba Lan đứng sau xôn xao: “Xem kìa, họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt!”

Anh biên phòng xem thị thực và đóng dấu rất nhanh, thậm chí không thèm kiểm tra gì trong máy tính. “Cảm ơn”. Tạm biệt” Tất cả đều bằng tiếng Việt trong sáng, tiếng Việt một trăm phần trăm! Bỗng nhiên, tôi nhớ đến mười nốt nhạc mà công ty Soncamedia đã mua bản quyền của nhạc sỹ Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”

Tenerife đã đón chào chúng tôi như thế.

2.

Tenerife là hòn đảo lớn nhất và đẹp nhất của quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha trên Đại Tây Dương, bên sườn châu Phi. Với khí hậu tuyệt vời – quanh năm nắng ấm, nhiệt độ từ 25-28 độ C và hầu như không mưa, Canary được mệnh danh là “quần đảo của mùa xuân vĩnh hằng”. Du khách đến đây nghỉ mát đông nhất là vào… mùa đông, chủ yếu là những cư dân vùng Bắc Âu vốn luôn tìm cơ hội để đi trốn cái giá rét xứ mình. Tháng 2 ở Canary có hội hoá trang hoành tráng không kém gì hội hoá trang ở Rio de Jainero, các cô gái đại diện cho mỗi đảo khoác lên mình những bộ trang phục nặng tới mấy chục ký, họ đã phải luyện tập cả năm để có đủ sức mang trên mình những bộ trang phục này.

(Tenerife quanh năm nắng ấm)

Chúng tôi nghỉ tại khách sạn Costa Adeje Gran Hotel ở Playa de las Americas, phía tây nam đảo Tenerife. Playa de las Americas là một nơi dành riêng cho khách nghỉ mát, chỉ toàn là khách sạn, nhà nghỉ, tiệm ăn, cửa hàng, các quán bar, nhà hát, các khu vui chơi v.v. và tất cả những gì người ta có thể nghĩ ra để kiếm tiền của du khách một cách êm dịu ngọt ngào. Mọi thứ ở đây đều văn minh, hiện đại, sạch sẽ và tiện nghi đến mức hoàn hảo. Nhưng những người dân đảo không sống ở đây. Hàng ngày họ tới Playa de las Americas làm việc từ các vùng lân cận, nơi giá nhà đất và giá cả sinh hoạt thấp hơn nhiều.

(Bãi biển ở Playa de las Americas)

Ngày nay, phần lớn du khách đến nghỉ ở Tenerife tập trung ở hai thành phố phía Nam: Playa de las Americas và Los Cri Stianos, những nơi dành riêng cho người nước ngoài, đầy đủ tiện nghi và các loại hình dịch vụ, nhưng mang tính chất của các getto, tách biệt, không bản sắc. Ngược lại, Pueto de la Cruz ở phía Bắc từ cả thế kỷ nay vốn là chốn nghỉ ngơi của những người Anh giàu có. Ở đó, du khách có thể hòa mình cùng cuộc sống của người dân địa phương trong một khung cảnh có phần tự nhiên hơn.

Thực ra, du lịch chỉ mới phát triển ở Tenerife từ những năm 50. Cho đến giữa thế kỷ trước, ở Tenerife chỉ toàn là các đồn điền chuối, những người dân đảo sống bằng nghề trồng chuối. Nhưng hiện nay thu nhập chủ yếu của họ là từ du lịch. Vẫn còn những đồn điền chuối, nhưng số lượng rất ít và ngày một teo tóp đi. Chuối Tenerife rất ngon, nhỏ và ngọt thơm. Có lần tôi trò chuyện với một người dân đảo, anh này tự hào tuyên bố chuối Tenerife ngon nhất thế giới! Nhưng anh cũng như những người dân đảo rất bức xúc vì chuối Tenerife chỉ có thể bán đựơc vào nội địa Tây Ban Nha, chứ không xuất được sang các nước thuộc khối Liên Hiệp châu Âu vì lý do kích cỡ nhỏ không đủ tiêu chuẩn. “Chẳng hiểu ra làm sao cả, tại sao kích cỡ lại có ý nghĩa quyết định như vậy được chứ?” Anh than thở. Anh bạn thân mến ơi, người Ba Lan có câu “Khi không ai hiểu lý do tại sao thì có nghĩa là tại vì tiền bạc”. Đã có cuộc chiến gà, cuộc chiến ngô, cuộc chiến cá basa … thì cũng có cuộc chiến giữa chuối Tenerife và chuối Nam Mỹ (mặc dù tổ tiên của đám chuối Nam Mỹ kia chính là… chuối Tenerife!)

Costa Adeje Gran Hotel cho tôi ấn tượng của một khách sạn có bể bơi rất đẹp và đồ ăn trên cả tuyệt vời. Tôi chưa thấy một món nào không ngon ở đây, có thể nói đây là khách sạn có đồ ăn ngon nhất mà tôi đã từng ở. Các bữa ăn tại khách sạn luôn là khoảng thời gian đầy vui thích của chúng tôi. Duy nhất chỉ có một lần, niềm vui của tôi bị thoáng chút gợn khi tôi nhìn thấy người phụ nữ ngồi bên chiếc bàn đối diện cài lên đầu bông hoa giả to tướng. Thực ra là tôi đã có thể không để ý, nhưng bông hoa quá to và nó cứ đập vào mắt tôi, cái màu đỏ nhức nhối. Thật vô lý khi người ta đang ở trên một hòn đảo tươi đẹp nổi tiếng nhiều hoa mà lại phải nhìn thấy cảnh tượng như vậy. Tôi phản đối mọi loại hoa giả, nhất là hoa cài tóc! Khi bông hoa đỏ vĩ đại kia bắt đầu làm phân tán tư tưởng tôi đến mức tôi cảm thấy mất hứng thú với đĩa thức ăn trước mặt, tôi đành phải chuyển chỗ ngồi sang phía bên kia bàn, để có thể quay lưng lại với nó, trong bụng thầm thở dài “Có lẽ đây là triệu chứng rõ nét của tuổi già, khi người ta tự nhận thức được rằng mình khó tính quá thể…”

Hai ngày đầu, chúng tôi chỉ lê la quanh bể bơi và trong vùng bán kính 2 km quanh khách sạn. Ở vùng này người ta đang xây dựng đến chóng mặt, khách sạn nhà nghỉ vẫn không ngừng mọc lên. Giá nhà đất ở đây tương đương với ở Warszawa, giá căn hộ khoảng chừng 2500 Eur/m2. Mặc dù có khí hậu tuyệt vời, các bãi biển Tenerife không thể gọi là đẹp, toàn các bãi đá, sỏi lởm chởm. (Bãi cát duy nhất ở Playa de las Teresistas dài vài ki-lô-mét là bãi nhân tạo, cát được mang về từ sa mạc Sahara, nhưng cũng là nơi mà khách du lịch ít khi lai vãng, chủ yếu là chỗ nghỉ cuối tuần của những người dân đảo). Mặc dù vậy, hàng năm vẫn có tới hơn mười triệu du khách đến Tenerife. Chính bàn tay con người đã biến hòn đảo này thành thiên đường du lịch. Ở Playa de las Americas và Los Cri Stianos, những hàng cọ cao vút, những vườn cây, khuôn viên xanh tươi đều là tác phẩm của con người: chúng không mọc tự nhiên mà được mang đến từ các vùng khác trên đảo.

Sau hai ngày, tôi bắt đầu cảm thấy ngạt thở vì cuộc sống văn minh hoàn hảo xung quanh. Đâu đâu cũng là “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng”. Cái gì cũng xịn, thậm chí đến cả thời tiết cũng xịn nốt. Tôi đâu cần những thứ này, chúng không tạo cho tôi
những niềm vui khám phá hay cảm giác tĩnh lặng bình yên. May mà theo chương trình thì ngày hôm sau chúng tôi sẽ đi chu du quanh đảo, và đối với tôi thì chỉ từ hôm đó kỳ nghỉ mới thực sự bắt đầu…

3.

Địa hình Tenerife rất dốc, các con đường đều hẹp và vô cùng quanh co. Thêm vào đó, chỗ đỗ xe rất hiếm, nếu đỗ sai chỗ xe sẽ bị cẩu đi ngay. Vì vậy, thuê xe tự lái là một việc không mấy thoải mái. Nhưng phải đi xe vòng quanh đảo, bạn mới chứng kiến được sự thay đổi không ngừng của cảnh quan. Tenerife được mệnh danh là hòn đảo của những sự tương phản. Người ta nói cứ đi xe mười lăm phút bạn sẽ thấy thế giới thực vật ở đây lại thay đổi một lần. Tenerife có đủ các loại thực vật của ba tầng khí hậu. Tầng thấp nhất, đến độ cao 50m trên mực nước biển là các loại cây cỏ nhiệt đới như chuối, đu đủ, xoài, mía, xương rồng... Tầng thứ hai, từ 50 đến 1600m trên mực nước biển là các loại cây của khí hậu Địa Trung Hải như nho, ô liu, nguyệt quế. Tầng trên cùng, từ 1600-2000m là các loại thực vật khí hậu ôn đới, mà điển hình nhất là thông Canary.

(Ban công làm bằng gỗ thông Canary là một nét kiến trúc đặc sắc của đảo)

Nhưng thứ cây nổi tiếng nhất của Tenerife có lẽ là dracena draco, tức là long huyết Canary, một loại cây thân gỗ lưu niên với những chiếc là kim nhọn và hình thù đặc trưng. Nhựa cây này khi gặp không khí sẽ biến thành màu đỏ nên được gọi là long huyết (máu rồng). Long huyết Canary đã tuyệt chủng từ hai mươi triệu năm nay, chỉ còn sót lại rất ít trên các quần đảo Canary, Azores và Cabo Verde. Cây long huyết hơn một nghìn năm tuổi đã đi vào huyền thoại ở Icod de los Vinos mà tôi tự đặt tên là “Thiên tuế mộc long” đã trở thành biểu tượng của Tenerife, là một bảo tàng sống kỳ vĩ của thiên nhiên.

(Cây long huyết Canary hơn một nghìn tuổi ở Icod de los Vinos)

Tháng Năm, trên các sườn núi phía Bắc Tenerife tràn ngập hoa cỏ. Thiên nhiên dường như không thể hào phóng với con người hơn thế. Tạo hóa dường như không thể sáng tạo được nhiều màu sắc hơn thế. Người ta có cảm giác như mình đang tan biến vào thiên nhiên, bình yên mà hớn hở, êm ái mà rộn ràng, hiền hòa mà rực rỡ. Playa de las Americas và Los Cri Stianos đã là những thế giới khác, mờ nhạt, xa xăm.

Khám phá Tenerife, bạn không thể bỏ qua Teide. Và đây lại là một thế giới khác hẳn. Teide là ngọn núi lửa cao 3718m trên mực nước biển và cũng là ngọn núi cao nhất Tay Ban Nha, được mệnh danh là “vua núi lửa”. Trong ngôn ngữ của người Guanches, các cư dân đầu tiên của đảo Tenerife, nổi tiếng về nghệ thuật ướp xác, Teide có nghĩa là “địa ngục”. Họ coi các trận phun trào của Teide là những cơn thịnh nộ của thần Guayote. Trận phun trào lớn gần nhất của Teide là vào năm 1798, một trận khác nhỏ hơn vào năm 1909. Hiện nay, Teide vẫn là một núi lửa đang hoạt động.

(Teide - vua núi lửa, ngọn núi cao nhất Tây Ban Nha)

Quang cảnh trên đường lên đỉnh Teide giống như trên mặt trăng, trơ trụi, cằn cỗi, nham nhở. Bạn như lạc vào một thế giới siêu thực. Một không gian khác. Thời gian khác. Nơi cao nhất mà du khách có thể lên là độ cao 3550m. Ở đó, nhìn xuống mây trắng trùng trùng, run lên vì gió lạnh, con người bỗng cảm thấy mình nhỏ bé và bơ vơ giữa vô tận hoang vu. Tựa như hàng trăm nghìn năm của lịch sử loài người đột nhiên biến mất, và Teide thì đang nhìn bạn một cách ngạo nghễ, thương xót, mỉa mai.

(Quang cảnh nhìn từ Teide ở độ cao 3550m)

Nhưng trái tim dễ tổn thương của bạn sẽ được vỗ về ngay khi bạn trở lại với mặt đất, nơi con người vẫn đang mải miết tạo ra lịch sử của mình. Này đây thị trấn Garachico như một cánh cung xinh đẹp và quyến rũ. Này đây La Orotava, thành phố nổi tiếng với những ban công gỗ tuyệt mỹ. Này đây công viên Loro Parque, thiên đường của trẻ thơ, nơi có hơn 3000 con vẹt của 300 loài, có Hành tinh của Chim cánh cụt, có các cuộc trình diễn cá heo, hải cẩu, cá voi, có bể cá mập khổng lồ duy nhất ở châu Âu..., nghĩa là nơi bạn có thể tiêu khiển cả ngày trong niềm vui thú và ảo tuởng rằng con người là chúa tể của thiên nhiên. Bạn cũng có thể đắm chìm trong đêm nhạc flamenco với dàn âm thanh và ánh sáng hiện đại nhất, với các vũ công điêu luyện và nồng nhiệt nhất, hay nằm dài trên du thuyền giữa Đại Tây Dương tắm nắng, nhìn từng đàn cá heo bơi lội xung quanh. Để cảm thấy, dù chỉ trong khoảnh khắc, rằng cuộc sống hiện đại, dẫu sao, cũng không đến nỗi tệ.

(Thị trấn Garachico nhìn từ trên cao)
(Trình diễn cá heo ở Loro Parque)

Và có lẽ món quà lớn nhất mà Tenerife tặng bạn chính là điều ấy: những trải nghiệm và cảm xúc tương phản, trái ngược, để thấy cuộc sống vô cùng phong phú, không đơn nghĩa và đầy mâu thuẫn.

6 comments:

Goldmund said...

Cây long huyết có phải dùng để làm đũa phép của Harry Potter không chị Thái Linh?:) Đùa chứ đọc thích lắm. Mà khó chịu vì một bông hoa giả thì già thật rồi:)

Thái Linh said...

Chị chưa đọc Harry Potter, xấu hổ quá, hì.

Anonymous said...

Chị làm em thèm đi chơi quá, dù bài này trước có đọc rồi

Thái Linh said...

Trước chắc có đọc 1 đoạn thôi, hôm qua chị mới viết nốt mà, vì nghe tin đảo La Palma bị cháy nên nhớ Canary Islands, nhớ Tenerife.

Tìh hình hô khẩu hiệu đến đâu rồi? :)

Anonymous said...

Bạn viết hay quá

Sinh Tử Lệnh said...

Hồi ở Lublin, bọn tôi thường bị nhầm với Nhật. Tôi luôn cải chính: - Tao là Vietnamczików.
Không biết có viết sai chính tả không. Quên hết tiếng Ba Lan mất rồi.