Wednesday, 26 May 2010
Rượu nho, nắng, gỗ sồi và thời gian (*)
Không phải ai cũng biết rượu cô nhắc được làm như thế nào. Để làm rượu cô nhắc, người ta cần tới những bốn thứ: rượu nho, nắng, gỗ sồi và thời gian. Ngoài ra, như trong mỗi loại nghệ thuật, cần phải có khiếu thưởng thức. Phần còn lại thì như sau:
Vào mùa thu , sau khi thu hoạch, người ta nấu rượu nho. Thứ rượu nho này được đổ vào thùng. Thùng phải bằng gỗ sồi. Toàn bộ bí mật của cô nhắc nằm trong những thớ gỗ sồi. Cây sồi lớn lên và gom nắng trong mình. Nắng lắng vào thớ gỗ sồi như hổ phách lắng xuống đáy đại dương. Đây là cả một quá trình dài hàng chục năm. Thùng làm bằng gỗ sồi non không thể cho loại cô nhắc ngon. Cây sồi lớn lên, thân nó bắt đầu bạc đi. Sồi tỏa nhánh, gỗ của nó mỗi ngày một chắc, màu sắc và hương thơm ngày càng đượm hơn. Không phải cây sồi nào cũng làm được rượu cô nhắc ngon. Những cây sồi đơn độc, mọc nơi yên tĩnh, chỗ đất khô sẽ cho loại cô nhắc ngon nhất. Những cây sồi như thế luôn được sưởi nắng. Trong thớ gỗ của nó nắng nhiều như mật trong tổ ong. Đất ẩm thì chua và khi đó gỗ sồi sẽ có quá nhiều vị đắng. Ta sẽ cảm thấy ngay trong vị cô nhắc. Một cây sồi bị thương khi còn non cũng không cho rượu cô nhắc ngon. Trong thân cây bị thương, nhựa chảy không đều và gỗ sồi không còn vị nữa.
Sau đó, những người thợ sẽ đóng thùng. Thợ đóng thùng cũng phải thạo nghề. Nếu xẻ không khéo, gỗ sồi sẽ không cho hương vị. Nó sẽ chỉ cho màu sắc, nhưng không nhả hương ra. Sồi là thứ gỗ lười biếng, mà để làm rượu cô nhắc, nó phải lao động. Người thợ đóng thùng phải tinh tế như thợ đóng đàn vĩ cầm. Một chiếc thùng tốt có thể giữ được cả trăm năm. Có những chiếc thùng hai trăm năm tuổi và cổ hơn nữa. Không phải chiếc thùng nào cũng tốt. Có những chiếc thùng vô vị, nhưng có những chiếc cho loại cô nhắc quý như vàng. Sau vài năm thì đã có thể biết rượu trong thùng nào ra sao.
Người ta đổ rượu nho vào thùng. Năm trăm hoạc một nghìn lít, tùy. Thùng được đặt lên giá và cứ để như thế. Không phải làm gì nữa, chỉ là chờ đợi. Mọi thứ đều có thời gian của nó. Thứ rượu này giờ đây ngấm vào gỗ sồi và khi đó, gỗ trao ra tất cả những gì nó có. Gỗ trao tặng nắng, trao tặng mùi thơm, trao tặng màu sắc. Gỗ tự ép nhựa ra, nó lao động.
Bởi vậy nó cần được yên tĩnh.
Cần thoáng khí, vì gỗ luôn thở. Gỗ thích khô ráo. Sự ẩm ướt làm hỏng màu, nó sẽ cho màu sắc nặng nề, không ánh sáng. Rượu vang ưa độ ẩm, nhưng cô nhắc thì không chịu nổi điều đó. Cô nhắc đỏng đảnh hơn. Mẻ rượu cô nhắc đầu tiên có thể uống là sau ba năm. Ba năm, ba sao. Những loại cô nhắc có sao là những loại non nhất, kém hơn. Cô nhắc ngon nhất là những loại bản hiệu, không có sao. Đó là những loại đã có hàng chục, hai chục, đến cả trăm năm. Nhưng thực chất, tuổi của cô nhắc còn nhiều hơn. Cần tính thêm cả tuổi của cây sồi đã được dùng để đóng thùng nữa.
Cô nhắc non hay già, có thể nhận ra qua vị rượu. Rượu cô nhắc non thì gắt, sốc, như thể bốc đồng. Vị sẽ chua, chát. Nhưng rượu lâu năm thì êm và dịu. Chỉ sau đó nó mới bắt đầu tỏa sáng. Rượu cô nhắc lâu năm mang trong mình nhiều hơi ấm, nhiều nắng. Nó chạy lên đầu người ta nhẹ nhàng, không gấp gáp.
Rồi nó sẽ làm điều nó cần làm.
(Trích "Đế quốc" (Imperium), Ryszard Kapuściński, Thái Linh dịch)
(*) Nhan đề do người dịch tạm đặt
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
2 comments:
hay lắm.
Mình thích wishky hơn trong tiệc tùng, nhưng uống một mình thì chỉ uống cô nhắc.
Post a Comment