Sunday, 28 December 2014

Facebook




...
6 điểm chính trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa sinh viên và chính phủ Hồng Kông
5 loại nước cấm kỵ tuyệt đối không nên uống buổi sáng
[ảnh selfie, trong nhà hàng]
Autumn in my town

Bắc Kinh: Kêu gọi tẩy chay nghệ sĩ ủng hộ dân chủ Hồng Kông
Of Course Mark Zuckerberg Speaks Fluent Mandarin
Bé 8 tháng tuổi bị mẹ đâm 90 nhát kéo vì cắn khi đang bú
Bộ não và trái tim là chùa chiền của chúng ta. Triết học là lòng tử tế. - Dalai Lama.
[ảnh selfie, trong xe ô tô]
Someone likes your photo
Ký giả Phạm Đoan Trang có mặt tại phi trường LA.
Someone likes your comment
Nhà xuất bản Trẻ thừa nhận sai sót trong vụ "Từ điển Vũ Chất"
[ảnh selfie, trong thang máy]
Bí quyết dưỡng da
Thêm một người Tây Tạng tự thiêu
Con trai anh Điếu Cày đã viết: Những hình ảnh đầu tiên ngay khi bố mình vừa về nơi nghỉ ngơi tối hôm qua, đó là lấy những lá thư và đơn từ của anh em tù nhân mà ông đã khâu vào sau chiếc áo ra. Ai bảo ông không có hành trang, ai bảo hành trang của ông nhẹ nhàng ?!
[ảnh selfie, trong phòng tập thể hình]
Vĩnh biệt ông. Cầu mong ông được siêu thoát.
Someone likes your status
Bánh bèo, mời cả nhà
Cháu tên là Bông, cháu nặng 3,2 kg, dài 53 cm
The Shallows: What the Internet Is Doing to Our Brains
[ảnh selfie, trong tiệm thời trang]
...

(Thái Linh, 10-12/2014)

Friday, 26 December 2014

Bản quyết toán bi thương (Wisława Szymborska)

Chiếc thuyền bên bờ, Jarosław Modzelewski

Thái Linh dịch

Bao nhiêu người tôi từng biết
(nếu tôi thực sự biết)
phụ nữ, đàn ông
(nếu sự phân chia này vẫn còn hiệu lực)
đã bước qua ngưỡng này
(nếu đó là một ngưỡng)
đã vượt cây cầu này
(nếu gọi đó là một cây cầu) -

Bao nhiêu người sau cuộc đời ngắn hay dài
(nếu điều đó với họ vẫn còn khác biệt)
tốt lành, bởi đã bắt đầu
tồi tệ, bởi đã kết thúc
(nếu họ không muốn nói ngược lại)
đã sang đến bờ bên kia
(nếu họ đã sang được
và bờ bên kia tồn tại) -

Tôi không biết chắc
về số phận tiếp theo của họ
(nếu thậm chí có một số phận chung
và nếu có số phận) -

Tất cả
(nếu tôi không giới hạn bằng từ này)
ở phía sau họ
(nếu không phải là phía trước) -

Bao nhiêu người đã nhảy khỏi dòng thời gian hối hả
và ngày một u sầu biến vào xa xôi
(nếu còn đáng tin vào phép viễn cận) -

Bao nhiêu người
(nếu câu hỏi có ý nghĩa,
nếu có thể đi đến một tổng số cuối cùng,
trước khi người đếm tính nốt chính mình)
rơi vào giấc ngủ sâu nhất ấy
(nếu không có giấc ngủ sâu hơn) -

Tạm biệt.
Hẹn đến mai.
Hẹn gặp lần sau.
Họ đã không còn muốn
(nếu họ không muốn) nói lại lời ấy.
Họ trao thân cho sự im lặng
vô hạn (nếu không là một sự im lặng khác).
Họ chỉ bận bịu với những điều
(nếu chỉ với những điều)
sự vắng mặt ép buộc họ.


Nguyên tác:

Ilu tych, ktorych znałam 
(jeśli naprawdę ich znałam) 
mężczyzn, kobiet 
(jeśli ten podział pozostaje w mocy) 
przestąpiło ten próg 
(jeżeli to próg) 
przebiegło przez ten most 
(jeśli nazwać to mostem) - 

Ilu po życiu krótszym albo dłuższym 
(jeśli to dla nich wciąż jakaś różnica) 
dobrym, bo się zaczęło, 
złym, bo się skończyło 
(jeśliby nie woleli powiedzieć na odwrót) 
znalazło się na drugim brzegu 
(jeśii znalazło się 
a drugi brzeg istnieje) - 

Nie dana mi jest pewność 
ich dalszego losu 
{jeśli to nawet jeden wspólny los 
i jeszcze los) - 

Wszystko 
(jeżeli słowem tym nie ograniczam) 
mają za sobą 
(jeśli nie przed sobą) - 
Ilu ich wyskoczyło z pędzącego czasu 
i w oddaleniu coraz rzewniej znika 
(jeżeli warto wierzyć perspektywie) - 

Ilu 
(jeżeli pytanie ma sens. 
jeżeli można dojść do sumy ostatecznej, 
zanim liczący nie doliczy siebie) 
zapadło w ten najgłębszy sen 
(jeśli nie ma głębszego) -

Do widzenia. 
Do jutra. 
Do następnego spotkania. 
Już tego nie chcą 
(jeżeli nie chcą) powtórzyć. 
Zdani na nieskończone 
(jeśli nie inne) milczenie. 
Zajęci tylko tym 
(jeżeli tylko tym) 
do czego ich przymusza nieobecność.









Sunday, 7 December 2014

Nobuyoshi Araki – cái chết, sự sống, thân xác và tình-yêu-thương




Triển lãm ảnh của Nobuyoshi Araki.

Trên tường treo bức ảnh đen trắng chụp một chú mèo trên tuyết. Lạnh. Và cô độc. Hay lạnh và cô độc là cái nhìn của người chụp ảnh? Chú mèo là Chiro, thú cưng của Yoko - vợ Araki. Bức ảnh chụp sau ngày bà qua đời. Chiro còn xuất hiện trong nhiều bức ảnh khác, nhưng tôi nhớ nhất những bức Chiro ngồi lặng lẽ trên sân thượng, khi thì nhìn ra những nóc nhà Tokyo xa xa, khi thì ngước về bức ảnh Yoko đặt trên chiếc bàn loang lổ, giữa những đóa hoa huệ tây. Nỗi buồn của người chụp ảnh ngấm vào từng hơi thở. Araki nói chụp ảnh cũng như thở, và mỗi tiếng bấm máy là một nhịp tim đập. Nhịp tim Araki khi bấm máy chụp những bức ảnh ấy hẳn phải là những nhịp tim buồn lắm. Nỗi buồn sâu thẳm nén lại tối giản trong sắc đen trắng của ánh sáng và bóng tối. Nỗi buồn của tình-yêu-thương.





Trong cùng không gian ấy, chỉ cách vài bước là hàng loạt ảnh gây tranh cãi của Araki chụp phụ nữ khỏa thân trong những tư thế khổ dâm, thường là bị trói. Araki từng tuyên bố ông làm tình với mỗi người mẫu của mình, và tình dục là khúc dạo đầu để chụp ảnh, hoặc ngược lại. Những bức ảnh như thế của Araki nhiều vô số, chúng là cuốn nhật ký đời sống tình dục của ông, bạo liệt và bùng nổ. Chúng là những miêu tả và ghi chép về thân xác qua thân xác. Tuyệt nhiên thân xác. Araki nói ông không hiểu phụ nữ, không nắm bắt được tâm hồn họ, nên ông trói thân xác họ, mỗi vòng dây trói như một vòng tay ôm. Ảnh của Araki không chỉ phơi bày khía cạnh riêng tư của riêng ông mà còn khắc họa một gương mặt khác của xã hội Nhật Bản, nơi người ta coi thân xác như một phương tiện để trải nghiệm lạc thú, tội lỗi, đau đớn, trí tưởng tượng, chối bỏ „cái tôi” thường nhật, „cái tôi” bị áp đặt, bị định nghĩa bởi khế ước và mục đích, để giải phóng „cái tôi” thứ hai của căn tính.






Araki chụp những gì xảy ra trong cuộc sống của ông, xung quanh ông. Với ông nhiếp ảnh là ghi lại cuộc sống. (Ông có thể chụp không ngừng hết 80 cuộn phim trong 2 ngày!). Araki nói có thể tìm thấy khắp mọi nơi những điều hấp dẫn và thú vị, hiện thực hay không – không quan trọng. Bước vào phòng triển lãm là bước vào cuộc sống và không gian riêng tư của ông, vào vòng quay lặp lại không ngừng của cái chết, sự sống và tình dục trong cuộc hiện sinh mà ông trải nghiệm. Araki chụp những bông hoa ở các giai đoạn khác nhau của sự úa tàn, với con tắc kè, loài vật khi đứt đuôi có thể mọc đuôi mới để bảo tồn tính mạng và bắt đầu cuộc sống khác. Ông chụp những hình ảnh hoa quả và thức ăn đầy gợi dục. Tất cả trong vòng quay viên miễn vô tận từ Thanatos đến Eros.

  








Những giữa những âm thanh náo động và bạo liệt ấy, tôi vẫn nghe thấy dòng âm thanh u buồn thẳm sâu len lỏi trong những bức ảnh của Araki, qua hành trình tình cảm, hành trình mùa đông và những bức ảnh Chiro. Không hối hả, ồn ào và gây sốc mà tĩnh lặng và sâu thẳm. Nó vừa là một phần trong vòng xoay phù du của đời sống, vừa vượt thoát lên trên vòng xoay ấy. Những âm thanh ấy nhẹ nhàng nhưng xúc động, giản dị nhưng day dứt. Khi lắng nghe nó, tôi thấy một Araki thuần khiết, nhạy cảm, u sầu và dịu dàng; hình ảnh Araki khiêu khích và thách thức như lùi xa, mờ đi, cùng với cả thế giới xôn xao ngoài kia.

Sentimental journey, 1971

Sentimental journey, 1971


Với tôi, xem ảnh của Nobuyoshi Araki là trải nghiệm một hành trình cảm xúc với những cung bậc và thái cực rất khác nhau vào sâu tâm hồn mình và vào bản chất của con người, một hành trình đầy những tương phản, kinh ngạc, điên rồ, đau đớn, băn khoăn, dày vò, song cũng đầy rung cảm và tinh tế, để một lần nữa đặt lại những câu hỏi về cái chết và sự sống, về thân xác và tình-yêu-thương.

(Warszawa, 12.2014)

Wednesday, 3 December 2014

Tuyết


Sáng tác: Irina Belik
Lời Việt:
Thái Linh



Tuyết vẫn rơi sao lạnh lùng bỏng rát
Lưu dấu ai trên giá băng trong ngần
Trong vòng xoay mịt mùng mờ lối
Ai đã xa đã xa lìa tôi

Đêm sầu đông chập chờn thao thức
Tuyết dần tan hòa theo dòng nước
Riêng một điều, người ơi người biết:
Tôi yêu người muôn ngàn mai sau.

Đêm sầu đông chập chờn thao thức
Tuyết dần tan hòa theo dòng nước
Riêng một điều, người ơi người biết:
Tôi yêu người muôn ngàn mai sau.

Sao lời những vì sao xa lắc
Nghe mong manh trong âm u chiều
Gió mang về tràn mi nước mắt
Nhưng nước mắt kia tôi đâu cần!

Ai người quên nhìn về xa vắng
Ai người quên nhặt từng giọt nắng
Ai người quên mùa Đông lạnh trắng
Đông mang đi rồi người tôi thương...

Tôi người quên nhìn về xa vắng
Tôi người quên nhặt từng hạt nắng
Tôi người quên mùa Đông lạnh trắng
Đông mang đi rồi người tôi thương...

Xa lìa nhau khi chạm vào gian dối
Thiếp đi khi đêm đen quay về
Khi mình run từng cơn trong lạc lối
Chốn nhân gian điên rồ cuồng mê

Đi rồi xin người đừng dừng bước
Quên rồi xin người đừng buồn nhớ
Nhưng người ơi, tận cùng con đường đó
Không ai còn quay trở lại như xưa

Đi rồi xin người đừng dừng bước
Quên rồi xin người đừng buồn nhớ
Nhưng người ơi, tận cùng con đường đó
Không gì còn quay trở lại như xưa

Đi rồi xin người đừng dừng bước
Quên rồi xin người đừng buồn nhớ
Nhưng người ơi, tận cùng con đường đó
Không bao giờ quay trở lại như xưa

Sunday, 23 November 2014

Một số yêu cầu về trang phục (dress code) của Bộ Ngoại Giao Ba Lan đối với nhân viên



- không mặc trang phục và phụ kiện mang tính chất thái quá, lố lăng
- không mặc váy xẻ sâu
- không mặc váy ngắn hơn 7,5cm trên đầu gối
- không mặc váy dài chấm gót
- không mặc váy có họa tiết
- không mặc áo sát nách, áo cổ rộng, áo hở vai
- không mặc váy kiểu đi biển, áo váy hai dây, trang phục hở lưng
- không mặc trang phục với những khẩu hiệu, slogan, quảng cáo hay nhãn hiệu
- không mặc trang phục trong suốt hoặc óng ánh
- không đi giày thể thao, dép xăng-đan, dép lê, giày nhựa..
- không đi tất da chân óng ánh, bóng, màu chói, quá nhiều họa tiết...
- không mặc trang phục quá bó sát hay quá rộng
- không đeo khuyên trên mặt hay trên cơ thể, không để hở hình xăm
- không đeo quá nhiều trang sức, cụ thể là: không đeo hoa tai lủng lẳng, nhẫn to, không đeo nhiều hơn 2 cái vòng tay, không đeo vòng cổ quá lớn, không đeo nhiều hơn một nhẫn tròn và 2 nhẫn có mặt trên 2 tay
- không mặc quần bò, quần lửng, quần short, quần bó, quần thể thao...
- không để móng tay dài, không sơn móng tay màu sặc sỡ, không đeo móng giả, không đính trang trí lên móng tay
- không đeo đồng hồ thể thao to
- phụ nữ trang điểm nhẹ nhàng kín đáo, đi giày kín mũi, gót không quá cao, luôn đi tất da chân bất kể thời tiết, trang sức ít và lịch sự, phù hợp với quần áo
- nam giới mặc com-lê, sơ mi dài tay, đeo cà vạt hoặc nơ, giày tất và phụ kiện (ví dụ cặp xách) hợp màu với quần áo, tất không quá ngắn
- tay sạch sẽ, được chăm sóc kỹ
- kính hợp với quần áo
- dùng các màu dịu và trầm như đen, xám, xanh tím than, nâu, mận chín..

Thursday, 6 November 2014

Vết nám



tặng Sony

Khi con sinh ra, mặt trời bé nhỏ của mẹ,
con đã để lại trên má mẹ một bóng nắng.
Người ta gọi nó là vết nám.
Nhưng con ơi, với mẹ, đó là bằng chứng của một ân huệ.

Dấu tích của bóng tối, khi con còn nằm trong bụng mẹ
lắng nghe nhịp tim và hơi thở mẹ
khi con cuộn mình trong da thịt mẹ
cảm nhận hơi ấm từ những mạch máu của mẹ
khi mẹ con ta là một
và điều ấy chỉ riêng chúng mình hiểu được mà thôi...

Khi con sinh ra, thiên thần bé nhỏ của mẹ,
con đã để lại trên má mẹ một nụ hôn.
Người ta gọi nó là vết nám.
Nhưng con ơi, với mẹ, đó là bằng chứng của một ân huệ!

(06.11.2014)

Saturday, 1 November 2014

Bàn tay (Wisława Szymborska)


Thái Linh dịch


Hai mươi bảy xương,
ba mươi lăm cơ,
gần hai nghìn tế bào thần kinh
trên mỗi đầu ngón tay.
Thế là hoàn toàn đủ
để viết „Mein Kampf”
hay „Ngôi nhà gấu Pooh”.

Saturday, 4 October 2014

Hong Kong Autumn


Hong Kong Autumn, acrylic on canvas, 40x40, 10.2014


Vẽ một màu vàng thanh khiết và ấm áp, ấm hơn màu vàng chanh của Van Gogh, trong trẻo hơn màu vàng hoàng gia, trưởng thành chín chắn hơn màu vàng mơ, sống động hơn màu vàng sơn kẻ mặt đường... Dùng một cây cọ mới và bình nước lọc, để màu được tinh khôi. Tán màu với tất cả nghiêm cẩn dịu dàng, để màu tản đều mịn màng. Đúng như mình đã muốn vẽ màu vàng ấy. Màu vàng của mùa thu Hồng Kông, những ngày này. 

Friday, 3 October 2014

Hồng Kông

Dải nơ vàng cho em
Dải nơ vàng cho tôi
Dải nơ vàng cho mỗi người
Như ánh nắng bừng lên trên ngực
Như tia sáng kiên trinh trong mắt
Như khát vọng có bao giờ khác!
Rạng rỡ sắc vàng thanh khiết
Như tuổi trẻ như niềm tin
Như những ngọn nến thắp lên
an nhiên sưởi ấm
bằng tất cả tinh khôi.

Dải nơ vàng cho em
Dải nơ vàng cho tôi
Dải nơ vàng cho mỗi người.

(Thái Linh, 10.2014)

Friday, 29 August 2014

Bạn có phải là một người tốt?

Janina Ochojska ở Sudan

Phỏng vấn bà Janina Ochojska – nhà hoạt động từ thiện Ba Lan nổi tiếng, chủ tịch và nhà sáng lập tổ chức thiện nguyện phi chính phủ „Hoạt động Nhân đạo Ba Lan”. Bài phỏng vấn do Grzegorz Sroczyński thực hiện, đăng trên Gazeta Wyborcza - nhật báo lớn nhất Ba Lan số ra ngày 08.08.2014. Thái Linh trích dịch. Một phần của bản dịch đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 31 ra ngày 17.08.2014.


Grzegorz Sroczyński: Có nên cho tiền những người ăn xin không?

Janina Ochojska: Không cho.

Thế nếu là một đứa trẻ ăn xin thì sao?

Cũng không cho. Đứa trẻ bị lợi dụng để làm anh cảm động và để moi tiền anh. Kẻ kiếm được tiền là người khác, cả một băng nhóm. Một người quen của tôi làm việc trong tu viện ở Kraków đã quan sát những người ăn xin trước tu viện, họ kiếm tiền rất khá. Một ngày có thể kiếm được 300 zloty1 và người ăn xin phải mua chỗ. Một bà mẹ ngồi với đứa con nhỏ, trông có vẻ nghèo rớt mồng tơi. Và chắc hẳn là họ nghèo thật. Nhưng có kẻ đã đặt họ ngồi vào chỗ ấy và thu tiền. Người quen tôi có lần nhìn thấy hắn sau khi thu tiền đã đi về bằng taxi.

Chúng ta ai cũng thích nghe những câu chuyện như vậy.

Câu chuyện này có thật.

Bằng cách này giới trung lưu Ba Lan rũ bỏ trách nhiệm của mình. „Toàn là những kẻ đểu cáng, họ muốn lừa tiền của chúng ta” - chúng ta lặp đi lặp lại điều đó và thờ ơ lướt qua những người ăn xin.

Tôi chơi thân với xơ Chmielewska2, bà có ý kiến khác: không cho tiền những người ăn xin. Một đứa trẻ buổi tối không mang tiền về sẽ bị đánh. Có thể như thế. Nhưng nếu tôi cho tiền, đứa trẻ cũng vẫn phải chịu hình phạt, bởi nó sẽ vẫn tiếp tục bị cho đi ăn xin.

Ném ra một đồng xu, anh không làm cho cuộc sống của họ thay đổi gì. Anh không giúp đỡ được họ. Hiệu quả duy nhất là anh vỗ về được một chút cho lương tâm của mình: ồ, tôi đã làm được một việc gì đó, tôi đã không thờ ơ đi ngang qua.

Lương tâm cũng quan trọng chứ.

Quan trọng là giúp đỡ, chứ không phải là giải quyết cho lương tâm yên ổn.

Bà nghĩ điều gì tốt hơn: khiến người ta vô cảm với những người ăn xin, lướt qua họ một cách thờ ơ, không cho gì hết hay đôi khi cho vài đồng xu lẻ?

Vậy thì tốt hơn là không cho gì hết.

Tôi thấy khó lòng đồng ý với điều này.

Những người thực sự thành đạt ở Ba Lan thường vô cảm với cái nghèo. Họ cho rằng thành công của họ duy nhất chỉ nhờ vào tài năng và họ không nợ ai điều gì hết. Một yếu tố của sự tự mãn này thường là quan điểm cho rằng nếu ai đó được đứng trên bục cao của cuộc đời thì chắc hẳn là do anh ta xứng đáng. „Không có cái nghèo, chỉ có những người lười nhác” - đó là phiên bản dân túy luận của các tầng lớp cao. Và lời khuyên tuyệt đối „không cho” của tôi có thể trở thành công cụ hữu hiệu cho họ, cũng như câu chuyện về những băng đảng ăn xin.

Chính thế.

Tôi không muốn gỡ bỏ trách nhiệm cho người Ba Lan, nhưng hãy để sự mẫn cảm của họ đơm hoa kết trái thành một điều gì đó sáng suốt hơn là cho tiền lẻ ngoài đường. Vài đồng xu? Anh mua sự yên ổn cho lương tâm mình với giá quá rẻ mạt! Anh sẽ ném ra những đồng xu lẻ suốt cuộc đời mình và tự dối mình rằng anh không thờ ơ với số phận của đồng loại. Tốt hơn là đừng cho, hãy để lương tâm nhạy cảm của anh đau khổ một chút và có thể rốt cuộc nó sẽ ra lệnh cho anh làm một điều gì đó nghiêm túc. Sự cắn rứt lương tâm có thể trở nên rất sáng tạo.

Một người bạn tôi từng hỏi một câu khó hơn: „Tôi dắt con trai đi trên phố, tôi muốn giáo dục cho nó về xã hội. Một người phụ nữ có bầu ngồi ăn xin. Tôi phải làm gì? Thờ ơ đi qua? Thế thì con tôi sẽ học điều đó. Cho tiền? Như thế cũng không tốt.” Bạn tôi cùng cả gia đình đã tham gia giúp đỡ những người tàn tật từ nhiều năm, anh muốn dạy con việc làm thiện nguyện. Và anh muốn cư xử thích hợp trong cả những tình huống trên đường phố như thế này, để không phô bày chứng tâm thần phân liệt về đạo đức.

Bà đã khuyên anh ấy thế nào?

Tôi khuyên anh dạy con trong những tình huống như thế này thay vì cho tiền phải biểu lộ sự quan tâm. Đó là phản ứng tốt nhất.

Sự quan tâm?

Hãy tiếp cận. „Mẹ của em ở đâu?” „Vì sao em đứng ngoài đường?” „Em từ đâu đến?”Tất nhiên sự tiếp cận này sẽ không dễ dàng, bởi người ăn xin có thể không muốn điều đó, sẽ làu bàu khó chịu. Có thể họ không biết tiếng Ba Lan, nếu đó là một gia đình người Di-gan từ Romania. Nhưng cần phải cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của người đó. Sau đó nói với con: „Con à, có các nhà tế bần và những tổ chức khác nhau, khi về đến nhà chúng ta sẽ gọi cho họ ngay và cố gắng làm điều gì đó .” Ví dụ anh hãy tra trên mạng „quận Mokotów – nhà tế bần” hay „quận Mokotów – cứu trợ trẻ em”. Anh gọi điện cho họ: „Ở số 80 đường Độc Lập có một em bé ăn xin, các ông bà có giúp được không?” Hôm sau đứa trẻ cũng sẽ vẫn đứng đó mà.

Còn họ thì sẽ phân bua rằng họ không phải là tổ chức có thể giúp được, và không thể làm gì.

Rõ là như vậy. Đừng hy vọng rằng anh gọi điện và người ta sẽ cuống quýt lên: „Ôi ôi, ông thật cao cả khi gọi điện đến như vậy! Ôi, chúng tôi chạy ngay đến đó đây.” Đây chính là sự khác biệt giữa việc ném vài xu lẻ ngoài đường và sự chú tâm thực sự – cái thứ hai thường không dễ chịu và đòi hỏi sự kiên định. Nơi đầu tiên sẽ nói đó không phải là việc của họ. Nhưng có thể họ sẽ biết phải liên hệ chỗ nào và cho số điện thoại. Nếu không, thì anh tiếp tục tìm trên mạng. Anh cố gắng tìm được tổ chức thông thạo khu vực này và hứa sẽ kiềm tra tình hình đứa trẻ cùng gia đình nó. Vài ngày sau anh lại gọi điện xem họ có xác minh thêm được gì không. Và khi đó chính là lúc để rút ví. Các tổ chức như vậy – dù lớn hay nhỏ – rất nhiều và họ luôn có khó khăn về tài chính.

Ở Ba Lan các tổ chức xã hội không được tin tưởng.

Nếu anh hỏi một người bất kỳ xem anh ta có biết tổ chức nào có thể giúp đỡ trong quận hay trong thành phố của anh ta hay không, thì tôi dám cá rằng anh ta không thể nói được tên tổ chức nào cả. Người giàu thì lại càng không, vì anh ta sống trong khu khép kín. Người Ba Lan không biết về sự tồn tại của các định chế cứu trợ một cách đáng đau lòng. Những người bỗng dưng bất ngờ gặp khó khăn, họ làm gì? Họ gửi thư cho Owsiak, Dymna, Ojchowska3 và cho truyền hình. Đấy là tất cả những gì họ có thể nghĩ ra được. Một lần tôi đến xem chương trình của Elżieta Jaworowicz về một cô gái có nguy cơ bị đuổi ra đường. Những trường hợp như thế ngày một nhiều, vì tòa án bắt đầu phát quyết nhiều bản án vô tâm. Khắp nơi bừa bộn khủng khiếp, giẻ rách vung vãi. Tôi hỏi: „Cô không thể dọn dẹp đi một chút sao? Để thấy được có chút cố gắng từ phía cô”. Không. Cô ấy ĐỢI sự giúp đỡ của truyền hình. Nhân viên của tổ chức địa phương nói rằng cô ta không hề liên hệ với họ, mà họ có ngân sách cho những trường hợp như vậy.

Truyền hình thực ra gây hại, bởi nó có thể làm đình đám mọi sự cứu trợ bằng một phương pháp vô hạn định. Một người cần một nghìn để bơi tiếp bằng chính sức lực của mình, bỗng nhiên lại nhận được một trăm nghìn. Sau trận lụt năm 2001 truyền thông đưa công khai số tài khoản cá nhân của những người bị nạn, không ai kiểm soát tiền bạc. Chúng tôi cùng với báo Gazeta Wyborcza xây nhà cho những người bị lụt và có một cô nhận được thêm 250 nghìn trong tài khoản. Cô thường được lên ti vi, đúng là cô ấy rất khó khăn. Thế là cô ấy mua một cái xe oách, đi vòng quanh Ba Lan và chúng tôi không thể giao nhà mới cho cô ấy. Con cái chị cô ấy phải nuôi. Một sự trợ giúp thiếu kiểm soát như vậy có thể trở nên sai lầm, bởi không phải ai cũng cũng biết sử dụng nó một cách sáng suốt. Tôi cho rằng tốt hơn nên chuyển tiền cho một tổ chức địa phương, một định chế có tài khoản ngân hàng và có thể giám sát điều đó. Họ sẽ giúp ở mức vừa đủ và số tiền thừa ra để dành cho những người khác.

Tôi chẳng bao giờ cho ai cái gì, toàn là phường lừa đảo hết” - một người quen của tôi nói vậy.

Một người bất hạnh.

Cuộc phỏng vấn của chúng ta khẳng định thêm điều đó.

Nhưng xin lỗi, ai mới là người có lỗi về chuyện cứu trợ vô trách nhiệm? Về việc một số tổ chức lợi dụng? Tôi biết điều tôi nói đây sẽ khiến nhiều người nhảy đựng lên, nhưng vấn đề nằm ở những người cho! Nếu những người đóng góp muốn có bản quyết toán, quan tâm đến việc tiền của mình được sử dụng ra sao, thì các tình huống như vậy đã ít hơn. Một ông đến chỗ chúng tôi và cho một triệu zloty để xây giếng nước ở Sudan, nhưng chúng tôi ký hợp đồng đàng hoàng và trình cho ông ấy bản quyết toán đầy đủ.

Nếu anh cho tùy tiện thì người ta cũng chi tùy tiện. Nếu anh cho hợp lý thì tiền sẽ được chi hợp lý. Hợp lý nghĩa là gì? Điều này đòi hỏi nỗ lực, đi lại, kiểm tra, quan tâm. Sự chú tâm đến nó. Chứ không phải là giả vờ làm những cử chỉ cao đẹp, ném ra cả đống tiền bằng phản xạ của trái tim bởi đứa trẻ mồ côi khiến tôi xúc động. Chúng ta cho rằng bản thân việc cho tiền đã cao đẹp đến mức có thể miễn trừ mọi nỗ lực khác. Chỉ cần cho tiền và cả thế giới phải lấy làm hạnh phúc.

Sở hữu tiền bạc là một trách nhiệm. Một người được may mắn trong cuộc sống và phải có trách nhiệm chia sẻ. Chia sẻ một cách thông minh.

May mắn?

Tôi cố ý dùng từ này. Tất nhiên, có thể nói: tôi giỏi, tôi chăm chỉ, vì thế tôi có được như vậy. Nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật của cuộc sống. Bởi nhiều người từ điểm xuất phát đã được cuộc đời ban tặng rất nhiều: một nơi sinh tốt hơn, trong nhà đầy sách, vốn văn hóa, hay có thể bố mẹ có những người quen biết xin việc cho, rồi sau đó nhờ thông minh và chăm chỉ tôi thành công ngoạn mục... Dẫu sao đi nữa thì người đó cũng có nhiều cơ hội. Nhưng có những người không nhận được những cơ hội ấy hoặc họ rất bị hạn chế. Họ giỏi, chăm chỉ, mặc dù vậy họ không thành công.
Ví dụ, tôi là một người rất may mắn, tôi được số phận ban tặng rất nhiều và tôi coi điều này là một món nợ.

Cứu trợ là sự chọn lọc, lựa chọn. Đôi khi tàn nhẫn.

Sự chọn lọc?

Lần đầu tiên tôi phải đưa ra một quyết định là ở Sarajevo, xe tải của chúng tôi đến đó, tôi phải giải quyết một số việc trong thành phố và chúng tôi đã chuẩn bị lên đường. Tôi trở về xe và thấy một phụ nữ ngồi trong đó cùng với một bé trai và hai cái va li. Cô van xin chúng tôi mang cô đi khỏi Sarajevo. Và... anh biết đấy... tôi phải đuổi cô ấy xuống xe. Bởi chúng tôi đi cùng với một toán quân Serbia và nếu không có họ thì chúng tôi không đời nào vào được Sarajevo. Thế là tôi đuổi cô ấy xuống giữa trời tuyết, tôi đã bỏ lại đứa trẻ giữa lòng chiến trận. Tôi luôn nghĩ về người phụ nữ này, không biết cô có sống sót không. Và về cậu bé. Anh biết không... cô ấy... quỳ giữa tuyết... và van xin tôi. Còn tôi...

Lần đầu tiên tôi thấy bà khóc. Điều này không hợp với bà chút nào.

Tôi nhớ tiếng khóc của cô ấy. Tóc cô ấy đen. Tôi nhớ người phũ nữ đã quỳ xuống và hôn chân tôi. Đúng thế. Và cậu bé ấy, kêu khóc ở đó...

Cứu trợ không phải là một câu chuyện cổ tích, tôi đã hiểu ra điều này. Sẽ không dễ chịu và phải mạnh mẽ về tâm lý.

Phải tàn nhẫn.

Anh có thể gọi nó như vậy. Tôi muốn dùng từ này hơn: cương quyết. Để cứu trợ, cần có một điều gì đó bề ngoài có vẻ như trái ngược với đặc thù của nó – chính là cái đầu lạnh. Khoảng cách.

Bà nổi tiếng về điều này. Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy bà thường lạnh lùng đến thế khi kể về những người mà bà giúp đỡ.

Tôi tỉnh táo.
Tôi không thể giúp tất cả mọi người. Tôi phải chọn lựa. Và khi đã chọn lựa thì thực hiện một cách tốt nhất.

Chỉ có người như bà mới có thể cho phép mình đuổi một người phụ nữ ra khỏi xe. Bởi bà làm những việc khác quan trọng hơn. Nhưng tôi thì không thể cho phép mình làm như vậy mà đạo đức không tan nát. Và cũng thế, tôi không thể lướt qua những người ăn xin ngoài phố một cách thờ ơ mà không cho họ tiền. Đây chính là sự khác biệt giữa chúng ta.

Vậy thì anh hãy bắt tay vào làm điều gì đó quan trọng đi! Hãy để tâm vào đi!

Anh muốn cư xử một cách có đạo đức và anh cảm thấy cực kỳ khó xử khi đi ngang qua những người ăn xin, điều đó nghe thật là hay. Sự cảm thông, mẫn cảm, vân vân và vân vân. Nhưng đó thật ra là những tình cảm yếu đuối và không nhất thiết hữu ích trong việc cứu trợ thực sự. Tôi nhớ một cô gái, đã được huấn luyện và chuẩn bị, nhưng khi nhìn thấy lũ trẻ mặc áo rách và quần thủng đít chạy theo cô ấy và kêu la: „Cho em một đồng” thì cô ấy bắt đầu phân phát hết không chỉ kẹo và tiền mà tất cả những gì cô ấy có trong người, vừa cho vừa khóc. Chúng tôi đưa cô ấy về trại và phải rút cô ấy khỏi Sudan. Đó không phải là đất nước dành cho cô ấy.

Phải khiến những người như thế trở nên mất cảm giác, theo một nghĩa nào đó?

Anh có thể gọi như thế. Tôi thì sẽ nói là: làm cho họ trở nên thực tế.

Người ta tưởng tượng rằng khi đứa trẻ ăn xong cái kẹo, nó sẽ vui vẻ. Nhưng cả đám đông trẻ con chạy theo họ và cũng muốn thế. Chúng bắt đầu đánh nhau vì kẹo, đứa trẻ nào đó bị ngã, những người lớn ở đó nhìn thấy và cho rằng „kẻ thực dân trắng” muốn làm điiều có hại cho đám trẻ. Một bi kịch được bày sẵn.

Một người quen có lần kể cho tôi nghe ông đi tham quan ở Ấn Độ và khi nhìn thấy sự nghèo đói ở đó, ông đã thực sự xúc động. Sự thấu cảm, phản ứng của trái tim, và những cảm xúc dâng trào khác như anh vẫn yêu thích. Ở một địa danh du lịch ông gặp một cô bé xinh xắn dễ thương và cho cô bé kẹo, cô bé dẫn ông về nhà, ông trò chuyện với bố mẹ cô bé. Họ không muốn xin tiền, nhưng mơ ước có một quầy hàng nhỏ và họ cần có một cái xe bò. Ông đã mua xe bò cho họ.

Đó chắc là một sự giúp đỡ sáng suốt?

Phải. Có thể nói rằng ông đã xử sự đúng mẫu. Cho cần câu chứ không cho con cá. Và ông rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Chúng chuyên lừa những khách du lịch giàu có, nhưng chúng biết xin tiền đã trở thành một việc đáng ngờ, nên chúng nghĩ ra câu chuyện về quầy hàng và cái xe bò. Có thể nói chúng đã điều chỉnh món hàng thị trường của mình cho phù hợp với trí tưởng tượng của một khách du lịch phương Tây được dạy dỗ tử tế về xã hội. Tất nhiên là chúng bán lại cái xe bò ngay lập tức, chúng đã thỏa thuận trước với người bán rồi.

Việc giúp đỡ có hiệu quả không? Đó là câu hỏi quan trọng nhất. Chúng ta hãy kết thúc lớp vỡ lòng về cứu trợ.

Nhưng thế thì sao chứ? Dẫu sao họ vẫn nghèo khổ thật mà.

Tất nhiên. Nhưng bằng cách đó họ học được rằng có thể kiếm tiền nhờ lừa đảo. Và điều đó làm hỏng họ. Không ai nói với tôi rằng lừa đảo lợi dụng sự giúp đỡ có thể mang lại điều gì đó tốt lành.

Bà nói gì với ông người quen?

„Chính ông có lỗi. Cô bé làm ông xúc động và ông không tìm hiểu gì thêm về gia đình nó. Nếu là tôi thì tôi sẽ không làm vậy. Ở đó có hàng xóm, các tổ chức địa phương, ông có thể mở miệng hỏi trước, xem những người ấy có cần giúp thật không.”

Để kiểm tra, ông ta sẽ phải tách ra khỏi đoàn tham quan và ở lại thêm hai ngày.

Chính thế. Phải chú tâm một cách NGHIÊM TÚC. Còn chúng ta thì thường muốn sửa chữa thế giới khi thể nghiệm những xúc cảm nhất thời.

Người Ba Lan có tốt không?

Người ta nói chung không xấu, chỉ có điều đôi khi họ thiếu kiến thức. Nếu giải thích cho họ, họ sẵn lòng thay đổi. „À, đúng vậy, bây giờ mọi thứ đều rõ ràng”.

Ở Wrocław, trong sân chơi công cộng, Natalka, một bé gái mắc chứng tự kỷ túm áo một cậu bé. Bố cậu bé làm om sòm lên. Mẹ Natalka xin lỗi và giải thích rằng con mình bị tự kỷ. Ông bố kêu lên: „Cô hãy đi khỏi đây, nếu con cô bị bệnh thì nó đừng đi ra chỗ công cộng và đừng làm phiền những đứa trẻ khỏe mạnh”. Bà sẽ giải thích cho ông ấy rằng ông ấy làm như thế là sai như thế nào?

Bình tĩnh. Nổi khùng lên với một người như thế chả đem lại điều gì. Tôi sẽ cố gắng nói chuyện bình thường với ông ta, để ông ta nghĩ xem ở đâu là ranh giới của tàn tật mà ông ta chấp nhận. Một đứa trẻ không có tay có thể chơi với con ông ta hay không? Nếu có, thì một đứa trẻ mù có chơi được không? Đẩy bóng sang phía đối phương là cách tốt. Hãy để ông ta định ranh giới. Ông ta sẽ nhanh chóng thấy rằng đặt ra các ranh giới như vậy là ngu xuẩn. Hãy để cho người ta suy nghĩ.

Dạy cho ông ta một bài học không tốt hơn sao?

Không.

Mẹ Natalka chụp ảnh ông ta bằng điện thoại và cho lên Facebook, kể lại toàn bộ sự việc. Bây giờ ảnh ông ta đầy trên mạng vì mọi người ai cũng chia sẻ nó. Thế có tốt không?

Không. Nó làm tổn thương ông ta. Trong những trường hợp như thế này trước tiên tôi nghĩ đến việc không khiến ai bị tổn thương.

Thật kỳ cục là bà lại nghĩ đến sự tổn thương của gã ấy. Thế còn sự tổn thương của người phụ nữ và đứa trẻ thì sao?

Phải, nhưng ông ta đã làm họ tổn thương rồi. Điều đó đã xảy ra. Không cần phải gây thêm tổn thương khác. Anh thấy thế nào khi xem ảnh ông ta?

Giận dữ. „Đồ chó đẻ”.

Nghĩa là bức ảnh gây ra cảm xúc xấu cho hàng nghìn người đang chia sẻ nó. Nhưng có thể ông ta hoàn toàn không phải là đồ chó đẻ. Có thể ông ta chỉ ngu dốt thôi? Hay vô cảm?

Bà không cho rằng sự ngu dốt là một thể loại của cái ác?

Nhiều người có thể phản ứng y như thế vì họ không biết bệnh tự kỷ là gì. Anh có biết tôi chợt nghĩ gì không? Có thể ông ta cho rằng đó là một loại bệnh truyền nhiễm? Hoặc có thể ông ta khó chịu khi nhìn thấy một đứa trẻ không bình thường, vì ông ta đã được ai nó nuôi dạy một cách không khôn ngoan? Trong thời thơ ấu của tôi, người ta quan niệm khá phổ biến là những đứa trẻ tàn tật nên bị giam riêng trong các trung tâm đặc biệt để không làm người bình thường khó chịu.

Ông bố của cậu bé ở Wroclaw trong tình huống này đã hành xử tệ. Nhưng có thể ngay sau đó trong một tình huống khác lại cư xử rất tuyệt vời. Nếu tôi đánh giá người khác chỉ qua một phát biểu ngu dốt thì tôi đã chẳng làm được bất cứ chuyện gì trong đời. „Thế vì sao người mọi đen ở Sudan không tự đào giếng?” Một người có học và khá hay ho đã hỏi tôi như vậy. Đấy là những phản ứng xuất phát từ thiếu hiểu biết chứ không phải vì họ là người xấu.

Bà trả lời thế nào?

Thứ nhất, không gọi họ là „mọi đen”. Thứ hai, giếng sâu hàng trăm mét, không ai dùng xà beng mà đào được.

Có lời khuyên chung nào để người được nhận sự giúp đỡ không cảm thấy tủi thân?

Tôi nhớ chuyện hồi nhỏ, khi một bà của cứu trợ xã hội bước vào lớp và nói: „Chúng ta sẽ mua quần áo cho các bạn nghèo. Ochojska không có áo khoác, vậy ta sẽ mua áo khoác cho bạn, còn cho Kowalska thì mua quần.” Khi đó tôi cảm thấy rất kinh khủng. Nếu tôi phải đưa ra một lời khuyên thì nó sẽ là: không chỉ mặt điểm tên.

Bà có quan tâm đến kinh tế học không?

Tôi không hiểu được nó. Ví dụ, tôi không hiểu vòng quay của tiền. Cũng như không hiểu vì sao người ta lại vui mừng hớn hở khi tổng sản phẩm nội địa tăng trưởng. Ai đó cần cái du thuyền thứ tư hay cái nhà thứ năm để làm gì? Một người muốn có du thuyền, ừ thì tôi còn hiểu được đôi chút. Nhưng thêm cái thứ hai? Và dựa trên nguyên tắc nào mà việc mua sắm không ngừng lại thúc đẩy nền kinh tế?

Năm năm trước chúng ta còn tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ dần dần kéo tất cả mọi người lên khỏi cái nghèo, cái đói sẽ biến mất, miễn là không cản trở quy luật vận hành của kinh tế học. Bà có bao giờ lạc quan như thế không?

Tôi không ảo tưởng như thế, vì tôi biết rõ thực kiện. Mỗi ngày có 26 nghìn người chết đói. Nhưng đồng thời thực phẩm lại được sản xuất mỗi ngày một nhiều hơn, chỉ để những người giàu có thể vứt đi nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Những người giàu – nghĩa là có cả chúng ta.

Hệ thống tự cắn cái đuôi của mình. Các tập đoàn toàn cầu phình ra quá mức và giành được quyền lực khủng khiếp. Điều này đặc biệt được thấy rõ ở châu Phi. Hãy xem phim về việc sản xuất đậu đũa ở Kenia, các khúc đậu phải dài bằng nhau, thẳng, nếu hơi cong là bị vứt đi, để chúng ta ở châu Âu có thể mua được đậu đẹp. Và rẻ, vì nhân công phải rẻ.

Thế giới sẽ ra sao?

Chúng ta khiến nó ra sao thì nó sẽ như thế. Cần phải đi đến một sự tự giới hạn ở những vùng giàu có hơn của thế giới.

Nghĩa là sẽ tốt hơn khi tình trạng của chúng ta – những người giàu ở châu Âu – tệ hơn?

Phải. Nhưng từ chối có thêm đôi giày thứ mười là tệ hơn sao?

Nếu chúng ta ngừng mua, thì toàn bộ guồng quay sẽ ngừng lại.

Đấy chính là điều tôi không hiểu nổi! Nó vận hành thế nào?

Người ta sống và tin rằng có một cái ti vi cũ là bi kịch. Nhưng khi có ti vi màn hình phẳng, thì tôi lại phải có cái phẳng hơn nữa, ngay sau đó lại là một cái to hơn nữa. Anh có nhà, thì phải có thêm cái nho nhỏ ở quê, còn nếu anh giàu hơn, thì ở Toscani hay Provence. Tuần tự như tiến. Tôi đọc báo thấy có cặp vợ chồng ly dị và cãi nhau vì 7 cái nhà! Và tôi bắt đầu tưởng tượng nếu mình có 7 cái nhà, tôi sẽ phải có cả máy bay để bay qua bay lại. Trong mỗi căn nhà tôi sẽ phải có cùng từng ấy thứ quần áo, tôi không thể muốn mặc quần đen mà nó lại đang nằm ở thành phố khác. Biết bao nhiêu đồ đạc!? Và tôi có thể sử dụng hết được không, để biện minh cho sự tồn tại của chúng? Nếu tôi muốn đọc cuốn „Núi thần” yêu thích của mình mà đang ở Bahamas, tôi có nên cử máy bay bay về Kraków để lấy sách hay không?

Nhà kinh tế học sẽ nói nếu bà mua 7 bản „Núi thần” cho mỗi căn nhà một bản, 7 cái quần đen và 7 cái tủ lạnh, thì bà thúc đẩy thị trường. Người nghèo ở Bangladesh cũng hưởng lợi từ đó, vì chắc họ sản xuất keo dán gáy sách.

Nhưng điều này dẫn đến sự ngớ ngẩn nực cười! Người ta làm ra các sản phẩm ngày một chóng hỏng hơn. Đồ vật là để phục vụ con người có cuộc sống thoải mái hơn, chắc có một cái tủ lạnh bền thì tốt hơn là cứ 5 năm lại phải thay một lần chứ. Các nhà kinh tế nói cả thế giới nhờ đó mà kiếm tiền. Nhưng nếu loài người chỉ tồn tại được nhờ việc sản xuất mỗi ngày một nhiều hơn thì cả ngành kinh tế học đang trồng cây chuối! Tăng sản xuất thực phẩm hoàn toàn không khiến cho số người bị đói giảm đi. Chúng ta đang vứt đi nhiều hơn!


Chú thích:

1 Khoảng 100 USD
2 Małgorzata Chmielewska, nữ tu sĩ Ba Lan nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện
3 Những người hoạt động từ thiện nổi tiếng của Ba Lan

Thursday, 17 July 2014

Bàn về công bằng (Leszek Kołakowski)



(Thái Linh dịch)

Đã có lời bàn về sự công bằng thực chất là nỗi đố kỵ cải trang. Bây giờ xin có vài lời về công bằng như là một thực tại, chứ không phải một sự đội lốt.

Một khi hầu hết các triết gia, luân lý gia và lý thuyết gia pháp luật đều đã gắng sức giải thích công bằng là gì, hành động công bằng, con người công bằng và quốc gia công bằng là gì, cần phải nhận định rằng họ đã không đi đến một sự đồng thuận hay sáng tỏ nào trong vấn đề này. Từ đó cũng cần giả định rằng đây là một trong những viên gạch quan trọng nhất trong tòa nhà khái niệm của chúng ta, khi mà cái số mệnh ấy (không có sự sáng tỏ và đồng thuận) rơi xuống mọi viên gạch quan trọng mà các lý thuyết triết học luận bàn tới.

Trong nhiều trường hợp cụ thể có thể khá dễ dàng đi đến thống nhất về việc một hành động là không công bằng, ví dụ quan tòa tuyên án một người vô tội trên cơ sở những chứng cớ mơ hồ đầy nghi vấn. Cũng có thể, song đã ít hiển nhiên hơn, đưa ra những ví dụ về các hành xử công bằng. Chẳng hạn: ông già Noel chia quà cho mọi trẻ em có mặt trong cuộc vui một cách công bằng; „công bằng” ở đây có nghĩa là „đều nhau”. Nhưng khi nói vậy, có phải chúng ta đã giả định, dù muốn dù không, rằng nguyên tắc „mỗi người đều được bằng nhau” có một giá trị phổ quát? Ta hãy suy nghĩ một chút, phải làm thế nào để không chỉ đơn giản là thay đổi thế giới, mà còn phải lộn nhào trên dây, thực hiện một cuộc cách mạng với hàng triệu quân binh, để đưa được nguyên tắc này vào, dẫu vẫn biết trước rằng nó không đem lại kết quả mong muốn.

Những người viết về đề tài này, từ thời Luân lý học cho Nicomachus của Aristotles, đã không ít lần lưu ý rằng công bằng thường được hiểu đơn giản như là danh từ chung cho một phẩm hạnh; con người công bằng là con người cao quý, hành động công bằng là cái gì đó cần làm trong trường hợp cụ thể theo những quy tắc đạo đức, hành xử công bằng là hành xử phù hợp với chuẩn tắc luân lý hiện hành. Song trong nghĩa bao quát này khái niệm công bằng không mấy hữu dụng. Các chuẩn tắc đạo đức cũng rất khác nhau: chỗ này là đòi hỏi trả thù, chỗ kia là kêu gọi tha thứ, chỗ này được phép, chỗ kia lại không cho phép giết đối thủ chính trị. Cũng không thể nói người hành xử theo đúng luật pháp của nhà nước là công bằng, bởi có thể khẳng định rằng luật pháp đôi khi bất công, và điều này không chỉ ở các thể chế độc tài hay toàn trị (ví dụ trách nhiệm tố giác gia đình hay hàng xóm hay hình phạt vì tàng trữ sách cấm), mà còn cả ở các quốc gia nơi có các định chế dân chủ hoạt động. Một số người cho rằng hệ thống thuế lũy tiến là bất công, những người khác - rằng cấm sở hữu súng, những người khác nữa – rằng để thanh toán sự bất công đã qua thì phải dành các ưu đãi cho con cháu những người từng chịu bất công (ví dụ phân biệt chủng tộc hay phân biệt đối xử với phụ nữ).

Hãy giả thiết rằng tôi là công chức trong một nhiệm sở, nhưng tôi bị đuổi việc, tôi kiện lãnh đạo ra tòa và đòi bồi thường, vì như tôi khẳng định, tôi đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Chúng ta hãy tiếp tục giả định rằng tôi thực sự đã hoàn thành các nghĩa vụ đó, nhưng bị đuổi vì tính tình quá kinh khủng, tôi cãi nhau liên tục với mọi người, ai tôi cũng làm mất lòng, tôi thường nổi điên om sòm lên, chả ai chịu nổi tôi. Tôi có quyền đòi „công bằng” không? Điều này phụ thuộc vào định nghĩa từ công bằng, phần lớn chắc hẳn xem việc đuổi tôi là công bằng, nhưng sẽ luôn có một thiểu số với định nghĩa khác (tôi bị đối xử bất công khi tôi đã làm tất cả mọi việc mà người ta trả tiền để tôi làm).

Công bằng, theo công thức cổ xưa, là cho mỗi người cái mà anh ta xứng đáng được hưởng. Nhưng làm sao ta có thể biết được mỗi người xứng đáng được hưởng điều gì, theo sự công bằng phân phối, nghĩa là liên quan đến phân chia lợi ích, hay theo sự công bằng trừng phạt, nơi các lợi ích là phản-lợi ích – tức các hình phạt? Suốt nhiều thế kỷ người ta đã nghiên cứu về đề tài giá cả công bằng hay mức lương công bằng. Dự án đo giá trị hàng hóa thông qua lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra thứ hàng hóa đó có vẻ công bằng, bởi mỗi nhà sản xuất sẽ nhận được tỉ lệ với „công sức” bỏ ra. Song dự án này bất khả thi trong kinh tế thị trường, sự chuyển đổi từ một giá trị chung chung như vậy sang giá cả là không thể. Thị trường định giá, thị trường cũng định mức lương, nhưng thị trường không công bằng và không thể công bằng (nếu ai đó khẳng định thị trường là công bằng thì phải tuyên bố rằng thị trường công bằng từ định nghĩa, song hiển nhiên một giả định như thế chẳng có gì chung với những điều ta thường nghĩ – mặc dù không rõ ràng – khi nói về sự công bằng). Cung và cầu phụ thuộc vào những vận may đỏng đảnh, những trường hợp ngẫu nhiên, khủng hoảng ở một đất nước xa xôi nào đó, những thứ mốt không thể dự đoán trước v.v..., chẳng có gì là công bằng ở đây cả. Nếu thị trường chứng khoán phải tuân thủ các qui tắc công bằng thì nó sẽ không thể tồn tại. Thị trường gây ra các cuộc phá sản và khiến nhiều người mất việc. Quả thực, trong thế giới văn minh con người không chết vì đói, người thất nghiệp có trợ cấp tối thiểu, nhưng đó là các hoạt động phi thị trường của nhà nước, là phương thuốc chữa các hậu quả xấu của cơ chế thị trường. Tương tự, các áp lực xã hội về việc trả lương cũng là phi thị trường. Không thể khác được, khi mà việc loại bỏ thị trường đồng nghĩa với chế độ toàn trị cùng với mọi hệ quả chính trị và kinh tế của nó, với nghèo đói và mất tự do. Có thể nói các bảo đảm của nhà nước cho nạn nhân của thị trường là tác phẩm của công bằng được không? Có thể, với giả định mỗi người „được phép có” các phương tiện để tồn tại, rằng sẽ là tương phản với công bằng nếu ai đó chết vì đói khi có thể ngăn ngừa được điều này. Nhưng nếu không thể ngăn ngừa được, nếu hàng nghìn người chết đói vì nội chiến hay vì sự sụp đổ của mọi cấu trúc xã hội thì sao? Khi đó từ „công bằng” mất nghĩa.

Cũng không cách gì xác định „công bằng” sao cho mỗi lợi ích đều qui đổi được thành một thứ tương ứng; khi tôi cho người ăn xin hay một định chế từ thiện một xu, tôi không trông đợi bất kỳ sự trả công nào. Coi những người bình đẳng như nhau, còn những người bất bình đẳng không như nhau song tỉ lệ thuận với sự khác biệt – qui tắc này của Aristoteles là tốt nhưng khiếm khuyết trong nhiều trường hợp. Quả thực, theo suy tưởng của chúng ta mọi người phải bình đẳng trước pháp luật, do đó nếu luật pháp gây ra sự khác biệt giữa người với người (ví dụ khi tuyên phán thành lập tội danh, khi xét thưởng các đóng góp, khi từ chối các quyền lợi khác nhau của trẻ em, bảo đảm các ưu tiên cho người tàn tật), thì chỉ có thể thực hiện điều đó khi mỗi người thuộc một phạm trù nhất định đều được đối đãi như nhau. Khi chúng ta sống một cách bất khả kháng trong tập thể (đây là điểm được Rawl nhấn mạnh, ông là tác giả của luận văn về công bằng được đánh giá cao nhất trong vòng mấy chục năm trở lại đây), chúng ta cũng tham gia vào việc bảo vệ các quyền lợi tập thể, mà điều này chỉ có thể xảy ra khi mỗi người đều công nhận rằng người khác cũng có những quyền lợi như mình và quyền bảo vệ các quyền lợi ấy như mình.

Nói cách khác, hệ thống xã hội công bằng là hệ thống dựa trên thừa nhận sự có đi có lại của tất cả các đòi hỏi và quyền lợi. Nếu thiếu sự có đi có lại này, tập thể sẽ tan rã. Song liệu tôi có thể tự nhủ: tôi không muốn bất cứ sự có đi có lại nào, tôi chăm chút cho lợi ích của mình, không quan tâm đến lợi ích người khác, và tôi chỉ canh chừng để không ai tóm được gáy tôi? Có thể, nhiều người vẫn hành động như vậy mà không nhất thiết trước đó họ phải suy ngẫm về sự chặt chẽ của khái niệm công bằng; có thể, nhưng khi đó, lúc bị tóm và xử phạt, tôi sẽ không thể kêu ca rằng tôi phải chịu đựng một sự bất công nào đó.

Một khế ước xã hội ngầm chính là nền tảng của trật tự công bằng; vậy thế giới đòi hỏi ở tôi điều gì khi muốn tôi hành xử một cách công bằng? Có lẽ chính là việc tôi công nhận có một khế ước bất thành văn như thế, và rằng xét cho cùng thì điều đó cũng có lợi cho tôi mặc dù tôi khoái có nhiều quyền ưu tiên và chẳng đếm xỉa gì tới người khác hơn. Nhưng ta hãy lưu ý, trong cách hiểu này, công bằng đã không còn là quy tắc: „mỗi người được những gì mình xứng đáng”; hoàn toàn không cần giả định rằng ai đó xứng đáng được cái gì đó, thậm chí ta không cần nói rằng điều gì đó là tốt về mặt đạo đức, chỉ cần công nhận rằng sự đồng thuận về việc có đi có lại trong các đòi hỏi xuất phát từ các quyền lợi ích kỷ sẽ bảo đảm một trật tự ổn định và có thể chịu đựng được. Khái niệm công bằng như một đức hạnh khi đó trở nên không cần thiết. Chúng ta đặt giả thiết rằng mọi người có các quyền lợi mâu thuẫn và rằng sự thiếu hụt trong phần lớn các lợi ích mà người ta theo đuổi là không thể tránh khỏi. Không có bất cứ môn siêu hình học nào về sự công bằng, bất cứ quy định của luật tự nhiên, bất cứ bi kịch Antigone, bất cứ lệnh trời nào.

Nhưng con người luôn muốn biết nhiều hơn, muốn tin vào một trật tự tự nhiên hay một tiếng nói từ trời cao nói cho ta biết ta phải làm gì để thực thi công bằng, mà để có được điều đó thì luật thực định và việc thừa nhận sự có đi có lại của các đòi hỏi là chưa đủ. Chắc chắn tôi có thể hành xử bất công mà vẫn không vi phạm pháp luật, và đôi khi hành xử công bằng nhưng lại vi phạm nó. Có những mối quan hệ giữa người với người mà luật pháp không điều chỉnh (dẫu thời nay luật pháp càng ngày càng muốn điều chỉnh nhiều hơn) nhưng khái niệm công bằng lại được sử dụng. Chắc chắn khái niệm công bằng không thể đòi hỏi tôi đối xử với tất cả mọi người như nhau, không phân biệt những người thân thiết với tôi, bạn bè và những người tôi yêu. Nếu tôi làm vậy, tôi sẽ là một con quái vật. Tôi được phép ưu tiên những người khác nhau tuy theo tình cảm của mình (và thừa nhận rằng mỗi người đều được phép như thế), ngoại trừ các mối quan hệ mà pháp luật áp đặt điều gì đó bởi đòi hỏi vô tư không thiên vị. Chúng ta sẽ cảm thấy không hợp lý lắm nếu thẩm phán hay thành viên bồi thẩm đoàn tham gia phiên xử mà anh trai mình là bị cáo, hoặc một giảng viên hỏi thi con gái của mình. Bởi vậy chúng ta đặt giả thiết (có lẽ là hợp lý) rằng mỗi người đều bị tình nghi là họ sẽ cho những người họ đặc cách các quyền ưu tiên khi có thể.

Nhưng thực ra, điều mà tinh thần thế giới trông đợi ở chúng ta hoàn toàn không phải sự công bằng, mà là lòng tốt đối với người thân, tình bạn và lòng thương xót, nghĩa là những phẩm chất không cách nào đưa ra khỏi sự công bằng. Dưới góc độ này, chúng ta làm theo Chúa, như học thuyết Cơ đốc dạy dỗ chúng ta. Các học thuyết này nói rằng Chúa thường không hành xử với chúng ta theo các quy tắc công bằng, mà chỉ bằng tình yêu thương không có quy tắc nào hết. Không một ai tuyên bố học thuyết này có thể có công đức tới mức được hưởng sự cứu rỗi vĩnh cửu một cách công bằng; phát biểu điều này là đủ, để thừa nhận rằng đây là sự thật hiển nhiên. Các khuynh hướng cực đoan của Cơ đốc Giáo, của dòng August gốc, còn cho rằng nếu Chúa trị vì theo sự công bằng, thì chúng ta xuống địa ngục cả lượt, không có ngoại lệ, tất cả chúng ta đều đáng bị nguyền rủa đời đời. Ngay cả khi ta không chấp nhận thứ chủ nghĩa cực đoan này, thì lương năng cũng thầm nhắc chúng ta rằng sự cứu rỗi vình hằng không thể là sự đền đáp công bằng cho các công đức của chúng ta, dẫu đó là công đức vĩ đại nhất song hữu hạn. Bởi vậy, Chúa không công bằng, nhưng Chúa đầy lòng xót thương. Chúng ta cũng hãy như thế, không quá lo lắng về sự công bằng, đó chính là kim chỉ nam tốt.

(Trích từ tập Các thuyết trình mini vầ những vấn đề maxi, NXB Znak, Kraków 2008)