Trong cuốn
„Thời kỳ khủng hoảng của các bảo tàng”, Jean Clair
– sử gia nghệ thuật, nhà bảo tồn, giám đốc lâu năm
của bảo tàng Picasso ở Paris – sau khi kể trải nghiệm
đầu đời của mình với nghệ thuật đã viết: „Giờ
đây, sáu mươi năm sau, tôi vẫn yêu nghệ thuật, nhưng
tình yêu đã nhiều ghen tuông hơn, con mắt tinh tường
hơn, và niềm say mê có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn. Bởi
thế tôi chạy trốn khỏi những bảo tàng lớn nơi tôi
đã học về nghệ thuật. Tôi chỉ thích thú bước qua
ngưỡng cửa những nơi chốn mỗi lúc một trở nên ít
ỏi hơn, nơi sự cô đơn, tĩnh lặng và ánh sáng còn cho
phép người ta yêu nghệ thuật. Những nơi ấy là
Brussels, London, Munich, Vienna...”
Phải.
London. Điều cuốn hút nhất của London, với tôi, luôn là
các bảo tàng nghệ thuật. Đó là một thế giới khác.
Một thực tại khác. Là nơi chốn để hoài nhớ và lâu
lâu lại muốn tìm về để
lấy lại sự cân bằng khi công việc và cuộc sống quá
bận rộn. Phải chăng đó là một phản ứng tự nhiên,
một nhu cầu nằm sẵn trong gene di truyền của con người,
có cội rễ sâu xa từ những hang động ở Indonesia 40
nghìn năm trước?
Tất
nhiên đó không phải là niềm tin ngây thơ rằng các tác
phẩm nghệ thuật có một sức mạnh tương tự như tượng
thánh, chỉ cần nhìn thấy, chạm vào là lập tức được
an ủi, được lành bệnh, rằng một bức tranh tự nhiên
sẽ tác động đến người xem mà không cần bất cứ nỗ
lực nào, bất cứ sự chuẩn bị hay kiến thức nào. Đó
thật ra không phải là một sự „tìm đến”
mà là sự „tìm về”.
Người ta tìm đến những
gì chưa biết, những gì nằm ngoài bản thân mình, những
gì hướng về tương lai. Người ta tìm về những
gì đã biết đã quen, những gì bên trong mình, những gì
hướng về quá khứ.
Đó
là cảm giác thân quen, trìu mến và an ủi tràn ngập
trong lòng khi tôi ngồi trước bức tranh Cái ghế
của Van Gogh ở Bảo tàng
Quốc gia, sau một ngày lang thang chân mỏi rã. Sự vững
chãi và bình yên tỏa ra từ bức tranh khiến tôi không
còn thấy mệt mỏi. Những nét cọ kiên quyết, mạnh mẽ.
Màu vàng tươi sáng như nụ cười ấm áp của Van Gogh. Và
cái tẩu trên ghế, Cái tẩu của Van Gogh1
mà tôi đã say sưa đọc
bao ngày! Bức tranh là bức chân dung tự họa đẹp nhất
của họa sĩ. Tôi ngồi đó ngắm ông, bao nhiêu điều trở
về như cuốn phim trong tâm trí. Tôi nghĩ về Gauguin, về
Ngôi Nhà Màu Vàng, về tình bạn của họ, những xung đột,
sự ra đi... Tôi nhớ lại bức chân dung tự họa với
băng tai của Van Gogh mà tôi mới xem sáng hôm đó trong
Courtauld Gallery - bảo tàng tôi yêu thích nhất ở London.
Courtauld
Gallery, ở đó có đủ sự cô đơn, tĩnh lặng và
ánh sáng. Không có quá
nhiều người xem và ai cũng khẽ khàng. Ánh sáng tự nhiên
rọi vào từ các ô cửa sổ lớn khiến các bức tranh
được ngắm nhìn trong điều kiện tương tự như khi
chúng được vẽ nên, chứ không phải thứ ánh sáng nhân
tạo thường thấy ở các bảo tàng. Nơi ấy, tôi đã ngỡ
ngàng và cảm động, lần đầu tiên, nhận ra màu xanh mát
rượi và dịu dàng của Cezanne trong bức tranh Hồ
ở Annecy. Không giống bất
cứ bức ảnh chụp nào trong bất cứ album nào. Đó là
màu xanh của mùa xuân tinh khiết. Trong màu xanh ấy có cả
làn không khí trong trẻo và nụ cười mát lành của bạn
tôi, có cả cái mong manh của những bong bóng xà phòng mà
con gái tôi thổi bên bờ hồ Annecy năm ngoái. Cezanne đưa
tôi tìm về kỷ niệm, cũng như Manet đưa tôi tìm về một
„bữa sáng trên thảm cỏ” ở Paris năm nào, với nắng
mềm và hoa hồng giăng đầy xung quanh...
Tôi
không nghĩ rằng mình có thể học được nhiều điều
mới mẻ ở các bảo tàng. Nếu có học, thì đó là một
sự học lại. Tôi nhận ra mình đi lướt rất nhanh những
phòng tranh thời Trung Cổ, Phục Hưng, nhưng có thể ở lì
cả buổi với các họa sĩ ấn tượng hay hậu ấn tượng.
Cũng y như khi tôi xem sách về các thời kỳ nghệ thuật.
Những gì qua sách vở không hấp dẫn tôi thì cũng khó
gây ấn tượng trực tiếp.
Hẳn
là phải có một cái duyên thì người ta mới có thể đi
ngang qua một bức tranh hay tác phẩm nào đó, hoàn toàn
không chủ ý, và bỗng nhiên thấy rung động, cảm thấy
nó đặc biệt, như khi Zbigniew Herbert đi ngang qua bức Tĩnh
vật với chiếc yên cương
của Torrentius, một họa sĩ ông chưa từng biết, để từ
đó bắt đầu một câu chuyện dài với những năm tháng
tìm tòi, nghiên cứu về cuộc đời của người họa sĩ
phi thường chỉ để lại duy nhất một bức tranh này.
Nhưng để có được cái duyên như thế có lẽ người ta
còn cần một sự mẫn cảm đặc biệt, một nền tảng
hiểu biết sâu sắc về lịch sử nghệ thuật, là những
điều mà một người bình thường như tôi không có.
Không
chỉ là sự tìm về những kỷ niệm và trải nghiệm,
chuyến viếng thăm bảo tàng còn là sự tìm về một thứ
ngôn ngữ nguyên sơ, chân thành và trực tiếp, chậm rãi
và nghiêm cẩn. Bằng màu sắc, hình khối, thời gian, bằng
suy tư và những đối thoại không lời. Khác với ngôn
ngữ Facebook hay ngôn ngữ thương mại. Picasso trong bảo
tàng không phải nickname hay nhãn hiệu một loại ô tô.
Không
phải tôi muốn nói rằng giờ đây còn có thể tách rời
nghệ thuật và thương mại. Trong một thế giới thương
mại như thế giới hiện nay thì đó là điều không
tưởng. Gallery Saatchi ở London, nơi tập hợp rất nhiều
tác phẩm của rất nhiều nghệ sỹ đương đại nổi
tiếng là sở hữu của Charles Saatchi, một tỉ phú trong
ngành quảng cáo, được xếp vào số những người có
ảnh hưởng nhất trong thị trường nghệ thuật quốc tế
và không ít lần bị cáo buộc là đã thao túng thị
trường. Song bảo tàng, như một định chế, vốn phi
thương mại và phi lợi nhuận, với mục đích dành cho
nghiên cứu, giáo dục và cuối cùng mới là giải trí.
Trong bảo tàng, người ta có không gian và điều kiện để
tìm về một ngôn ngữ khác, thứ ngôn ngữ mà bản chất
của nó vốn không phải (và không nên) mang tính thương
mại.
Trong
bảo tàng, người ta gìn giữ những thứ quý báu nhất
của dân tộc, của nhân loại để mọi người cùng được
chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Năm 2007 khi bảo tàng Louvre tuyên
bố ký hợp đồng với Adu Dhabi để „cho thuê” thương
hiệu Louvre với giá hơn 500 triệu $ và thành lập bảo
tàng Louvre Adu Dhabi, sau đó một phần vật phẩm của
Louvre sẽ được mang đến Adu Dhabi trưng bày với giá cho
thuê khoảng hơn 700 triệu $ trong vòng 30 năm, dự án này
đã làm dấy lên một làn sóng phản đối và nhiều cuộc
tranh cãi từ giới giám đốc và các chuyên gia bảo tàng.
Bảo tàng và các bộ sưu tập của chúng không phải là
những món hàng thương mại. Đầu những năm 2000, khi
thành phố Liège nợ nần be bét muốn bán bức tranh Gia
đình Soler của Picasso trong bảo tàng để trang trai nợ
nần, hàng loạt các kiến nghị phản đối từ các bảo
tàng ở châu Âu và Mỹ đã khiến chính quyền Liège phải
từ bỏ ý định. Trong lịch sử đương đại châu Âu chỉ
có 2 quốc gia từng đem bán di sản nghệ thuật của mình
là Nga và Đức. Năm 1922 Lenin bán một phần bộ sưu tập
của nữ hoàng Catherine II cho một triệu phú Mỹ. Sau khi
Hitler lên cầm quyền, nước Đức Quốc xã tiến hành một
chiến dịch xóa sổ nghệ thuật „suy đồi” của người
Do Thái, nghĩa là gần như toàn bộ nghệ thuật hiện đại.
Hitler cho tiêu hủy hoặc bán lại cho tư nhân toàn bộ các
tác phẩm nghệ thuật của các bảo tàng. Tuy nhiên trong
cả hai trường hợp này vấn đề đều được lý giải
bằng ý thức hệ. Theo đạo đức chủ nghĩa xã hội sự
xa hoa của bộ sưu tập thuộc về Catherina II không thích
hợp với sự nghèo khổ của nhân dân. Theo tư tưởng của
Đảng Quốc Xã, tác giả được giới thiệu và trưng
bày phải phù hợp với bộ chuẩn tắc của chủng tộc
Đức.2
Di
sản nghệ thuật được bảo quản và trưng bày trong các
bảo tàng không phải là đối tượng của thị trường
và thương mại, mà là tài sản chung của nhân dân. Các
tác phẩm nghệ thuật được sưu tập không phải là hàng
hóa có thể tái sản xuất, chúng mang tính chất đặc
biệt, cụ thể, duy nhất, res
unica solaque, mang
chở tinh hoa và tâm hồn của loài người qua những thời
đại khác nhau.
Các
bảo tàng công ở London đều miễn phí. Về điểm này,
London là kiểu mẫu của đạo đức bảo tàng. Những ngày
ở London, tôi chỉ lang thang từ sáng đến tối trong các
bảo tàng mà vẫn không thấy chán, dẫu biết rằng London
còn có nhiều điều khác đầy hấp dẫn. Thôi đành hẹn
đến lần sau.
Nhưng
biết đâu lần sau, đến London, tôi cũng lại chỉ kịp
lang thang trong các bảo tàng? Để rồi mệt
quá đôi chân này / tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi, tôi
sẽ lại tìm về chiếc ghế ấy, chiếc
ghế của Van Gogh?
(2.2015)
-------
1 Cái
tẩu của Van Gogh” là cuốn sách viết về Van Gogh của
Wojciech Karpiński, sử gia nghệ thuật, nhà phê bình văn
học và nhà viết tiểu luận người Ba Lan, hiện sống
tại Paris.
2 Theo
Jean Clair