Saturday 7 March 2009

Buổi sáng bên hồ


Tôi đẩy xe nôi đưa con trai nhỏ đi dạo bên hồ, trong công viên cạnh nhà. Trên hồ, đám hải âu từ đâu lại bay đến, bơi rợp mặt nước. Thỉnh thoảng, một con hải âu nào đấy cắm thẳng đầu xuống hồ, rồi bay lên, mỏ ngậm một chú cá con. Những con khác thì đậu thành hàng trên thành cầu. Mặt nước lấp lánh bàng bạc, những cây cầu thép bàng bạc, đám hải âu trắng bàng bạc. Nếu như tôi chụp bức ảnh này, người ta sẽ thấy trên cái nền bàng bạc ấy nổi lên những đốm lấm chấm đỏ tươi là chân và mỏ của đàn hải âu. Những chấm đỏ nhảy nhót, chuyển động liên hồi như những đốm lửa nhỏ.

Bên hồ, một bé gái cùng cha cho đám vịt ăn vụn bánh mì. Mỗi khi bé gái ném vụn bánh xuống, lũ vịt lại nhao đến, chen chúc, tranh cướp nhau. Chúng mổ nhau chí chóe. Mấy con vịt ở xa xé gió lao đến như tên lửa. Những con hung hãn hơn kêu lên quàng quạc, đuổi các con khác tránh xa. Nhưng thật lạ lùng, ngay cả những con vịt hung hãn nhất cũng sợ đám vịt con. Chỉ cần một chú vịt con dẩu mỏ ngỏng đầu dọa dẫm hướng về phía chúng, chúng lập tức im bặt, sợ hãi né ra. Không phải là chúng nhường nhịn, mà chúng sợ thật sự. Cứ như đám vịt con có một năng lực đặc biệt nào đấy, chúng bé bỏng và yếu đuối đến thế cơ mà? Vì đám vịt con quá bé để biết sợ, cho nên những con vịt vốn quen với việc kẻ khác sợ mình phải chùn bước? Vì đó là một quy luật tự nhiên bí ẩn nào đó: người lớn phải nể sợ trẻ con? Nếu đúng là có một quy luật như thế, thì con người nhiều khi đã quên mất nó.

Một con quạ mon men gần cô bé. Cô bé ném cho nó một mẩu bánh mì, nó sung sướng cắp lấy, bay sang bờ bên kia. Bánh mì cứng, nó bèn nhúng nhúng xuống nước rồi mới tha lên bờ, từ từ đánh chén, bộ dạng vẫn hết sức cảnh giác với đám vịt giời có thể đến cướp mẩu bánh của nó bất cứ lúc nào.

Đằng kia, một cô gái ngồi trên ghế băng đọc sách, tay đu đưa nhè nhẹ chiếc xe nôi. Cô mặc váy màu sô cô la với các họa tiết hoa màu hồng, áo len mỏng hồng nhạt, áo choàng nhẹ và đôi giày màu cánh sen tươi. Chiếc xe nôi thân màu sô cô la, mui cũng màu cánh sen. Nắng xuyên qua mui xe làm nó trở nên trong suốt. Trong nắng sớm, mái tóc cô gái và những trang sách như phát sáng. Cô gái, quyển sách, chiếc xe nôi, băng ghế gỗ, thậm chí cả cái thùng rác cạnh đó, tất cả tạo nên một tổng thể vô cùng hài hòa. Cả động tác đu đưa xe nôi nhè nhẹ của cô cũng hài hòa với những bông hoa đang rung rinh trên váy và tiếng giở sách sột soạt. Cả ánh nắng và tiếng trẻ con lao xao từ xa vọng đến...

Bây giờ là mùa thu. Mấy bác thợ làm vườn đang chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Đám lau sậy trồng làm cảnh bị phạt ngang gốc, ngổn ngang đầy mặt đất. Các bụi găng bị lưỡi cưa máy len vào, tuốt hết lá, chỉ còn cành trơ trụi, rồi bị tỉa gọn lại thành những cụm tròn tròn. Những vườn tầm xuân còn đầy hoa cũng bị chặt xuống, hoa chất thành từng đống trên bãi cỏ. Thì ra, để có mùa xuân đẹp tươi, cây cối phải đau đớn đến thế. Nhưng có lẽ không nỗi đau nào là vô nghĩa.

Tôi và vài phụ nữ khác tìm nhặt những nhành tầm xuân còn tươi mang về nhà cắm. Những chiếc xe nôi bây giờ chất đầy hoa, ngập trong hoa, tỏa ra trên các con đường nhỏ trong công viên.

Trên đường về, tôi thấy một tấm bảng quảng cáo. Bức ảnh chụp cái máy tính xách tay với hàng chữ to: “Hãy mang cả thế giới theo bạn” Cả thế giới giá chưa đến một nghìn năm trăm Euro. Cả thế giới nằm trong một cục kim loại lạnh lẽo. Thời đại của chúng ta mới tội nghiệp làm sao! Người ta biết rõ sinh hoạt từng ngày hay mùi nước hoa ưa thích của một người ở tận đầu kia thế giới, nhưng lại chẳng hiểu nổi người sống ngay bên cạnh mình. Thay vì năm giác quan, người ta chỉ cần dùng đến hai. Và người ta cho rằng như thế là đủ, rằng đó là cả thế giới.

Nhưng trong thế giới ấy không có những buổi sáng bên hồ.

Tôi nhìn gương mặt con trai đang say ngủ và những bông tầm xuân mịn màng tinh khôi. Con thân yêu, thế giới của chúng mình sẽ không ảm đạm và nhạt nhẽo như vậy. Thế giới của chúng mình sẽ luôn có chỗ cho những buổi sáng trong trẻo bên hồ.

No comments: