Saturday, 7 March 2009

Du hành cùng Ryszard Kapuściński

Tôi sang Ba Lan năm mười bốn tuổi. Một mình. Bằng máy bay. Cũng giống như Kapuściński trong lần đầu tiên ra nước ngoài, hành động “đi qua biên giới” chỉ mang tính tượng trưng. Kapuscinśki đi từ châu Âu sang châu Á, còn cuộc hành trình của tôi thì theo chiều ngược lại: từ châu Á sang châu Âu. Nhưng có lẽ khi đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được bước ngoặt ấy của đời mình, nên không hề cảm thấy sợ hãi hay hoảng loạn. Hơn nữa, người đang chờ đón tôi ở Ba Lan là người thương yêu tôi nhất trên đời: mẹ tôi.

Những ngày đầu ở Ba Lan, rào cản lớn nhất của tôi cũng là ngôn ngữ. Tôi cũng chỉ có một cuốn từ điển Ba – Việt nhỏ, loại bỏ túi. Tôi cũng lăn lê bò toài ra mà học tiếng Ba Lan, bắt đầu từ các tạp chí màu mè dành cho thiếu niên như tạp chí “Bravo”. Tôi cố hiểu các truyện tranh ở trong đó, các mẩu báo ngắn vài ba câu, ví dụ như mục xem bói. Ước mơ duy nhất của tôi khi đó là đọc và hiểu được một câu trọn vẹn, không phải tra từ điển từ nào. Tôi không hề nghĩ rằng có ngày mình sẽ dịch cả một quyển sách.

Thời ấy, người ta còn viết thư tay, gửi bưu điện, và thứ duy nhất để kết nối với Việt Nam là sách báo - những quyển sách, tờ báo hiếm hoi gửi qua người quen từ Việt Nam sang.

Bây giờ thì tôi cũng như tất cả mọi người đều không thể tưởng tượng được một cuộc sống thiếu internet. Nhờ internet mà chuyến du hành của tôi với Kapuściński bắt đầu. Tôi viết blog và dịch một số bài viết ngắn của Kapuściński, nhà báo mà tôi ngưỡng mộ và yêu mến. Rất tình cờ, những bài dịch này may mắn được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam để mắt đến. Chính Nhã Nam đã đề nghị tôi dịch một tác phẩm trọn vẹn của Kapuściński, chính Nhã Nam đã bắc những nhịp cầu đầu tiên để đưa nhà văn, nhà báo kiệt xuất hàng đầu Ba Lan đến với độc giả Việt Nam. Tôi luôn muốn cảm ơn Nhã Nam về điều này.

Trong quá trình dịch Kapuściński, trong tôi diễn ra đồng thời nhiều cuộc du hành. Đó là chuyến du hành cùng tác phẩm, “du hành trong không gian và thời gian”, như Nguyễn Vĩnh Nguyên đã viết. Nhưng đó cũng là chuyến du hành vào thế giới Kapuściński, một con người, một cuộc đời vĩ đại. Và hơn hết, quan trọng nhất, là chuyến du hành ngôn ngữ: du hành trở về với tiếng Việt, thông qua tiếng Ba Lan. Điều này, đối với một người xa xứ từ nhỏ như tôi, có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Khi “Du hành cùng Herodotus” ra mắt độc giả Việt Nam, bà Bożena Dudko, nhà ngôn ngữ học, biên tập viên của nhà xuất bản Znak, người thường xuyên liên lạc với các dịch giả dịch Kapuściński trên khắp thế giới, lập tức biết ngay tin này qua internet. Bà tới gặp và tặng cho tôi quyển sách “Du hành cùng Ryszard Kapuściński, chuyện kể của mười ba dịch giả” mà bà biên tập và tổ chức xuất bản. Bà nói “Tôi hy vọng nó sẽ có ich cho cô trên con đường mới của cuộc đời mà cô vừa bắt đầu từ khi “Du hành cùng Herodotus” được xuất bản bằng tiếng Việt.”

Khi đọc cuốn sách, tôi mới biết các dịch giả dịch Kapuściński là những nhà nghiên cứu lịch sử văn học, ngôn ngữ học, các nhà báo nổi tiếng, giáo sư, tổng biên tập, soạn giả bách khoa toàn thư... Họ đều là các dịch giả chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm, nhiều người trong số họ có quan hệ thân thiết với Kapuściński. Tôi bàng hoàng nhận ra mình đã “liều lĩnh” đến mức nào khi dịch Kapuściński: đây là bản dịch đầu tay của tôi.

Hai mươi năm trước, tôi sang Ba Lan khi còn quá nhỏ để nhận thức được bước ngoặt ấy của đời mình. Hai mươi năm sau, tôi bước vào thế giới dịch thuật bằng những tình cờ. Có lẽ tôi cũng chưa thể ý thức được hết bước ngoặt mới này. Nhưng có một điều tôi chắc chắn: con đường mới sẽ dẫn tôi đến với Kapuściński, mỗi lúc một gần hơn.

1 comment:

Sinh Tử Lệnh said...

Năm 1987 tôi sang Ba Lan thực tập. Lọ mọ tự học tiếng Ba Lan qua tiếng Nga, tiếng Pháp.
Tôi còn liều hơn bạn, khi bài tập dịch của tôi là 1 quyển thành ngữ ba Lan.
Ba tháng sau tôi giao tiếp được.
Ba năm ở Ba Lan, nay quên sạch. Huhu