Sunday 22 February 2009

Tristesse

(Nhà Chopin, tranh sơn dầu của Nguyễn Thị Hòa)

*


Tôi xa Hà Nội vào một ngày đầu hè năm tôi mười bốn tuổi, và trở về sau đúng mười bốn năm. Thật kỳ lạ. Mười bốn năm thơ ấu đủ để tôi biết mình là người Việt Nam. Mười bốn năm xa Việt Nam đủ để tôi không biết mình là ai. Mười bốn năm trước để tôi nhớ Hà Nội, mười bốn năm sau để tôi nhớ Vác-sa-va.


Thế là trở về thật sao? Trở về hay là ra đi? Mùa này Vác-sa-va đang rực rỡ. Bồ công anh vàng rực ven đường và trên các triền đồi trong thành phố. Những con đường tím ngát tử đinh hương mà tôi vẫn say mê. Những đóa hoa trà sắc hồng sắc trắng nở bung thật hào phóng từ những cái nụ ngỡ là nhỏ bé. Hoa linh lan trắng như những chùm chuông bé xinh xinh, hoa lưu ly tím mong manh một lời nhắn nhủ “xin đừng quên tôi”, hoa chuông biêng biếc như “những giọt trời xanh trên mặt đất”. Hoa cúc áo, hoa păng xê, hoa mõm chó và vô vàn những loài hoa tôi chẳng biết tên nở tưng bừng trong các nhà vườn ven ô. Một chút nữa thôi, uất kim hương và huệ tây sẽ ào ạt phủ màu lên những vườn hoa và công viên. Hoa thuốc phiện sẽ đỏ thắm nồng nàn trên các cánh đồng. Rồi bao nhiêu loài hoa đồng nội khác.... Tôi yêu bản giao hưởng màu sắc xuân hè tưng bừng mà tinh khôi ấỵ Tôi yêu và tôi nhớ....


Tôi nhớ những buổi chiều muộn đi dạo trên Thành Cổ, lắng nghe tiếng giày mình lộp cộp gõ trên đá chân mèo, nhìn dòng người qua lại và nghe tiếng đàn quay của một ông lão vui tính. Tôi nhớ công viên Lazienki và các buổi trình tấu piano ngoài trời. Mùa hè, vào mỗi cuối tuần, mọi người đều có thể đến đây nghe các nghệ sỹ chơi nhạc Chopin, bên tượng đài của ông, giữa vườn hoa hồng mênh mông. Đám thanh niên thường nằm lăn ra cỏ, vừa nghe nhạc vừa ngó nghiêng trời mây, nhường chỗ cho các bậc lớn tuổi mũ áo chỉnh tề.

Nhớ căn nhà nhỏ ở Zelazowa Wola, nơi Chopin đã chào đời, cây cầu nho nhỏ, một dòng nước xinh, tiếng đàn piano réo rắt theo từng bước chân trong vườn. Và nhớ trường Tổng Hợp của tôi, nơi có căn nhà Chopin từng sống thời niên thiếu. Hóa ra những gì gắn với Chopin đã thân thiết với cuộc sống của tôi tự bao giờ. Tôi đã yêu bản Tristesse bằng mối tình đầu. Mà sao laị là Tristesse, tại sao lại là tiếc nuối nhỉ. Tôi chợt nghĩ đến một câu nói : “Bâ’t cứ sự thay đổi nào cũng mang trong nó chút tiếc nuối”. Đang có một thay đổi lớn trong cuộc sống của tôi. Và rồi cuộc đời sẽ còn đem đến cho ta bao nhiêu đổi thay dâu bể? Ôi, bản Tristesse định mệnh của tôi! Những thành phố tôi đã đi qua, những con người tôi đã gặp và yêu mến, những kỷ niệm trong trái tim tôi, bao âm hưởng, bao sắc màu và hình ảnh, tiếp nối theo nhau, cuốn theo nhau, quyện vào nhau, tan trong nhau, để vang lên tha thiết và nồng nàn như bản Tristesse tôi sẽ mang theo suốt cuộc hành trình dài trên mặt đất này. Trong cuộc hành trình ấy, giống như người phi công trên sa mạc trong truyện Hòang Tử Bé mà Hoàng Phủ Ngọc Tường có lần đã nhắc, tôi sẽ không được phép nản chí và gục ngã, bởi vì những người thân yêu và bạn bè không tin là tôi sẽ gục ngã, và tôi không thể phụ lòng tin ấy, không thể phụ Tristesse của tôi. Tôi sẽ phải đứng dậy và bước tiếp như người phi công kia. Cuối cùng, tất cả những gì ta có được trong cuộc đời này đều bắt nguồn từ tình thương yêu và lòng tin của những người thân thiết quanh ta. Không có sự tin yêu của người thân, của bạn bè, có lẽ ta đã tan biến từ lâu trong cát bỏng sa mạc.

Cảm ơn Tristesse, cảm ơn Cuộc Đời, cảm ơn Tình Yêu và Tình Bạn....

Hà Nội, tháng 5/2003


No comments: