Friday 18 September 2009

Cuộc sống của những người khác


(Ryszard Kapuściński ở Pinsk, 1999, ảnh từ nguồn của Gazeta Wyborcza)

Tôi mua cuốn Du hành cùng Herodotus từ nửa năm trước ở số 7 Đinh Lễ, trong chuyến đi về thăm quê hương. Cuốn sách nằm im trên giá suốt thời gian đó, vì tôi biết cần một không gian và thời gian thích hợp cho việc đọc nó.

Còn gì chuẩn xác hơn khi đọc nó giữa im lặng của núi đồi, xa xa là biển Địa Trung Hải, trong một chuyến du ngoạn không màng bận đến thế sự?

Tôi đọc cuốn sách mất hai ngày, đôi khi có đứt quãng bởi những tiếng chim reo và mèo kêu, bởi gió mơn man trong thung lũng và tiếng bước chân ngựa trên đường làng đối diện. Ở đây, tại ngôi làng nhỏ Binabassí gần Sóller, thời gian vừa ngừng lại vừa trôi đi theo những đám mây vương vấn trên đỉnh núi trước mặt mỗi chiều mang đến một cơn giông và rả rích suốt đêm như thì thầm cùng tôi câu chuyện vượt không gian và thời gian.

Vâng, đó cũng là chủ đề chính trong Du hành cùng Herodotus: vượt biên giới của không gian và thời gian.

Ước muốn cháy bỏng của Ryszard Kapuscinski là một lần được vượt qua biên giới Ba Lan, không phải vì mục đích muốn xem bên kia biên giới có gì, mà cái hành động vượt qua biên giới ấy mới quan trọng. „Con đường là mục đích“ - ngạn ngữ Đức đúc kết cho chúng ta như thế. Là phóng viên-thông tín viên, hẳn Kapuscinski hiểu rõ điều này. Những trải nghiệm trên đường chính là cuộc sống, cuộc sống của những người khác, để ta biết thêm về cuộc sống của chính ta. Vì „ta đứng trong bóng tối, được ánh sáng vây quanh“.

Song song với những chuyến vượt biên giới địa lý là hành trình vượt biên giới thời gian của Kapuscinski cùng cuốn Sử ký của Herodotus. Những câu chuyện được viết ra hai nghìn năm trăm năm trước khi là nơi chốn lý tưởng để trốn tránh hiện tại, lúc là tấm gương soi rọi những ứng xử hành vi của tình huống đang diễn ra ở thế giới ngày nay. Trên hết, với cuộc đồng hành qua những trang sách này, Kapuscinski rút ra được những bài học quý giá về nghề nghiệp (kỹ thuật viết của Herodotus), và những câu hỏi tìm hiểu sâu hơn bản chất của vấn đề (tính chính xác và tình cảm đằng sau những trần thuật lạnh lùng của con chữ).

Muốn làm được điều đó, phải đi.

Phải chính mắt nhìn thấy.

Chính mắt nhìn thấy, để hiểu rằng ta, dù đang ở Châu Âu với chủ nghĩa lấy Châu Âu làm trung tâm thế giới, hay ở Trung Quốc với ý tưởng lộ liễu từ chính cái tên, hay ở Châu Phi với cuộc đấu tranh tìm lại vị trí của lục địa đen là cái nôi của loài người trong nhận thức về thế giới, ta cần phải tìm hiểu cuộc sống của những người khác, không nhằm mục đích tự định nghĩa mình, mà có lẽ để nhận ra rằng ta chỉ là đám tro hòa mình vào dòng sông Hằng ở Ấn Độ, nơi ở phía bờ kia của dòng sông đang có những con người đang muốn tẩy rửa bụi trần và tội lỗi khi đắm mình trong nó.

Ta là một phần của vạn vật. Vạn vật là ta.

Đó cũng là cái cốt lõi trong bí quyết sống và tồn tại, dù dưới thời đại nào, chính quyền nào, thể chế nào hay lý tưởng nào.

Từ lúc giở trang đầu của Du hành cùng Herodotus cho đến khi khép lại nó, tôi như vừa đi qua một giấc mơ, có phần hiện thực, có phần mơ hồ. Nhưng có lẽ đó là một giấc mơ của định mệnh.

Tôi, cũng như bạn, chỉ là một kẻ hành hương trầy trật đi bằng các con đường khác nhau để đến cùng một mục đích (Antoine de Saint-Exupéry). Mục đích ấy, chính là việc lên đường để khám phá cuộc sống của những người khác.


2 comments:

vutd said...

Mời các bạn tham gia .:Bình chọn bài viết và blogspot hay hàng tháng:. trên www.vietutd.com
Để tham gia, chỉ cần 2 cú click để .:Đặt banner liên kết đến trang bầu chọn blogspot của bạn:.
Bất kỳ ai có một email đều có thể tham gia bầu chọn. Rất mong các bạn tham gia ủng hộ. Chân thành cảm ơn!

Anonymous said...
This comment has been removed by a blog administrator.