Sunday 4 December 2011

Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 3

Thái Linh dịch




Như thường thấy trong nhạc Chopin - và điều này cần phải nói ngay, khi mà nó ứng với chính tác phẩm này (Prelude no.1 in C major - ND) hơn bất cứ ở đâu khác – người chơi thường lấy nhịp quá nhanh (ở đây là nhanh hơn một nửa). Vì sao? Có thể bởi nhạc Chopin tự nó không quá khó và dương cầm thủ muốn được đánh giá cao, như thể khi đạt được một ngón nghề – chơi nhanh là nghệ thuật khó hơn chơi chậm rất nhiều. Nhưng trước hết là do truyền thống. Người chơi đàn nào rốt cuộc dám táo bạo chơi nhạc Chopin đúng nhịp phù hợp (mà điều này cần một sự can đảm nhất định), nghĩa là chậm hơn nhiều so với người ta vẫn chơi theo truyền thống, người ấy sẽ hiểu được nó theo cách có thể khiến thính giả xúc động ngây ngất, nỗi xúc động xứng đáng dành cho Chopin. Bằng cách chơi theo truyền thống, như những người trình diễn vẫn chơi, ở Chopin chỉ còn lại tính hiệu quả. Những thứ khác đều bị tuột đi mất, mặc dù đó mới là những điều quan trọng hơn cả: chính sự bí ẩn của tác phẩm, nơi không được phép xem nhẹ bất kỳ nốt nhạc nào, nơi không xuất hiện bất cứ phép tu từ, bất cứ sự rườm rà dư thừa nào, nơi không có bất cứ thứ gì chỉ là sự lấp đầy thông thường như vẫn thấy trong âm nhạc của các nhà soạn nhạc khác, ngay cả ở những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất.

Trong điện ảnh, chúng ta có thể chạm đến vẻ quyến rũ ngỡ ngàng ở những cử động quay chậm của con người hay chuyển động của thú vật, vẻ quyến rũ không thể nắm bắt được nếu đó là chuyển động nhanh. Vấn đề không phải là làm nhịp chậm đến cực đoan trong nhạc Chopin (mặc dù đây là điều khả thi). Vần đề đơn giản chỉ là không làm nó nhanh hơn, để nó lại trong nhịp điệu tự nhiên, thoải mái như hơi thở. Tôi những muốn đề câu thơ nổi tiếng của Valery trên đầu tác phẩm Chopin:

Có nghệ thuật nào tinh tế hơn
Sự chậm rãi này chăng?...

Hiển nhiên, nhiều tác phẩm của Chopin có nhịp nhanh kinh hoàng (đặc biệt là các scherzo và phần kết các bản sonata), nhưng thông thường người trình diễn chơi hầu hết các bản nhạc Chopin một cách nhanh nhất có thể, không tạo ra sự khác biệt giữa chúng. Và tôi cho rằng đây chính là điều kinh khủng. Dù sao đi nữa, câu thơ của Valery không ứng vào bất cứ đâu đau đớn hơn như ở Prelude đầu tiên này.

Thêm vài lời về Prelude đầu tiên: giai điệu – điều này chúng ta sẽ tìm thấy vài ví dụ khác trong các tác phẩm của Chopin - kiên trì phản chiếu ở một quãng tám cao hơn, tinh tế và lôi cuốn đến mức cho phép một người chơi đàn nhạy cảm nhấn mạnh các chỉ dẫn chơi căn bản, và bằng cách ấy khai triển tiết nhạc.

Ngoài ra, những chỉ dẫn này không bao giờ rơi chính vào phách mạnh trong nhịp, mà rơi ngay sau nó, mang đến cho giai điệu sự phân vân quyến rũ bất thần. Sẽ là một lỗi nặng nếu cứ luôn chú trọng và nhấn mạnh một trong hai giọng điệu ngân lên nối tiếp nhau. Đôi khi giọng điệu thứ nhất quan trọng hơn, đôi khi là giọng thứ hai, có lúc chúng hòa lẫn vào nhau. Nhiều khi ở Chopin không có giọng điệu theo nghĩa sát sao. Ông không soạn giai điệu, ông soạn nhạc trên dương cầm và ông thường đưa vào dòng chảy của tác phẩm (ví dụ trong Nocturne op. 27 no 1, no 2, op.31 no 1) giọng điệu phụ thứ hai, như thể được dành cho cặp song tấu rụt rè sẽ nhanh chóng ngắt đi ngay và hoàn toàn tan biến.

Bản nhạc sẽ có vẻ như bị soạn tồi, nếu dương cầm thủ chăm chút cho việc nhấn mạnh giai điệu quá mức khiến người ta liên tưởng đến hai nhạc cụ: cây viôlông và cây đàn antô, mà một trong hai luôn bị để cho hầu như vô dụng.

Thật không thể chịu đựng nổi thói quen phân câu cho Chopin và nhấn mạnh giai điệu theo cách ấy của một số dương cầm thủ. Trong khi đó, tôi thấu suốt tính chất đặc biệt và diệu vợi trong nghệ thuật của Chopin - đây cũng là điều phân biệt ông với các nhạc sỹ khác một cách tuyệt vời - chính là ở sự tiếp nối liên tục của các tiết nhạc, ở sự trượt lướt bất khả nắm bắt của một giai điệu vào giai điệu khác mà hoặc ông bỏ lại, hoặc ông mang đến cho rất nhiều bản nhạc của mình hình thức một dòng suối tuôn chảy.

Qua đó, âm nhạc Chopin giống như giai điệu không ngừng và bất tận của chiếc kèn clarinet Ả rập, tuôn chảy liền một mạch, như thể nhạc công không hề lấy hơi. Không còn nữa những dấu chấm, những dấu phảy. Bởi vậy tôi không thể chấp nhận nổi các „dấu lặng lớn” trong bản hợp xướng Nocturne giọng Mi thứ mà một số nhà xuất bản và những người chơi đàn cẩu thả thêm vào nhằm làm vui lòng những kẻ ngu ngốc.

Đặc biệt thú vị là cả hai Prelude (Rê thứLa thứ) đều được soạn sớm hơn rất nhiều so với các prelude còn lại. Vì nhiều lý do khác nhau, chúng là những prelude kỳ lạ nhất trong toàn bộ tập hợp và gây ra nhiều nhầm lẫn nhất. Dễ hiểu là chúng có thể làm người đương thời kinh ngạc: nhất là Prelude giọng La thứ. Có vẻ như ban đầu chúng bị xem là những sản phẩm âm nhạc kỳ quái, hoàn toàn không thể chơi được. „Phải chăng Prelude này xấu xí, nghèo nàn và vô phương, gần như lố bịch, phải chăng nó sai nhạc?” - Huneker băn khoăn, ông chính là người không cho phép gán căn bệnh của Chopin cho những khiếm khuyết giả định của tác phẩm rất ngắn này.


Sai nhạc, hẳn nhiên điều này chúng ta có thể cũng gặp đâu đó khác, và không thể đẩy tiếp lên thành nghịch âm. Thực sự có cảm giác là Chopin đi đến những ranh giới của chính mình, đến những miền nơi nội tâm bị xáo trộn. Điều gây ra sự lỗi điệu cho bản nhạc càng gây xúc động sâu sắc hơn khi nó xuất hiện như sản phẩm phụ, như một điều tất yếu tuôn ra từ chủ để gốc. Có lẽ Chopin, ở đây cũng như nhiều lần khác, đã tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra, nếu...? Phần trên (để một số người vừa lòng, chúng ta hãy cứ gọi nó là bài hát) rất đơn giản, rất nhẹ nhàng, không có gì không đem lại sự yên tĩnh và hài hòa, nhưng giai điệu đệm ở tay trái lại giữ cái hành khúc đầy điềm gở của mình, không thèm quan tâm đến những dị nghị của con người. Và, dường như có thể nói, từ sự lỗi điệu giữa con người và sự bất khả kháng này sinh ra một nỗi kinh sợ mà âm nhạc trước đó chưa bao giờ biểu hiện rõ hơn. Bè trầm gằn gở được kết hợp từ hai giọng điệu mà người chơi cần phải phân tách rõ ràng. Một quãng vượt lên trên, làm cú nhảy từ quãng mười lên quãng mười một, còn quãng thứ hai không ngừng phân vân như thể đang lần mò dò dẫm giữa giọng trưởng và giọng thứ.





Phải thú thực rằng, mặc dù ngưỡng mộ Chopin, phải mất một thời gian dài tôi mới biết trân trọng tác phẩm này. Tôi đã cảm thấy nó kỳ cục và hoàn toàn không thể hiểu được bằng cách nào người chơi có thể sử dụng được nó. Đến tận hôm nay tôi mới hiểu: không thể mang lại cho mình bất cứ lợi ích nào từ nó. Tôi cho rằng cần chơi nó mà không tìm bất cứ  hiệu quả nào hết, một cách rất đơn giản, nhưng tinh khiết và vô cùng chuẩn xác. Nơi sự nghịch nhĩ lớn nhất, nghĩa là từ nhịp mười đến nhịp mười lăm, không nên cố gắng giảm bớt hiệu quả của sự lỗi điệu bằng pê-đan hay bằng pianissimo rụt rè. Và nếu trong vài nhịp này điều bất khả kháng chiến thắng, giọng điệu ngân nga ban đầu thậm chí không cố gắng để được nghe thấy. Khi trở lại ngay sau đó, nó dường như bơ vơ và bị chìm đi. Không những không thể, mà không được phép xem phần tay trái như phần đệm, ngược lại, cả hai giọng điệu này dường như đang tranh đấu với nhau. Và khi ở tận cùng bản nhạc có vẻ như có một niềm hạnh phúc nhẫn nhục khả dĩ nào đó, thì đó là bởi bè trầm đầy điềm gở sau chút trở lại ngắn ngủi đã hoàn toàn lùi bước.

Không, đây không phải là bản nhạc để trình diễn. Tôi nghĩ nó sẽ không tìm được sự công nhận ở bất cứ công chúng nào. Nhưng khi được chơi khe khẽ cho riêng mình, nó chứa đựng một cảm xúc mơ hồ vô tận và nỗi kinh sợ gần như vật lý trước một thế giới cuồng điên khác, thù nghịch với mọi sự tinh tế, loại trừ hết cảm xúc của con người.

1 comment:

Đặng Hồng Thường said...

Nhờ bạn mà mình biết nhạc giao hưởng là gì :), nhưng mà không hiểu sao khi nghe qua zing.vn lại thích Subert. Chắc phải rất lâu nữa mới thick Chopin.