Monday, 21 January 2013

Hay, vì đau

Cuộc trò chuyện về nghệ thuật Ba Lan giữa Grzegorz Sroczyński  - phóng viên báo Gazeta Wyborcza , và giáo sư Maria Poprzęczka - chủ tịch Hội Sử gia Nghệ thuật (Ba Lan), hiện đang giảng dạy tại Đại Học Tổng Hợp Warszawa, đăng trong chuyên san Giày cao gót (Wysokie Obcasy) số ra ngày 27.10.2012. Thái Linh dịch (bản dịch đã được trích đăng tại Tuổi Trẻ Cuối Tuần)


(GS. Maria Poprzęczka)


Grzegorz Sroczyński: Càng kỳ quặc càng tốt.

Maria Poprzęczka: Nghệ thuật đương đại à? Có lẽ anh quá lời.

GS: Có một cái xô, có một thứ dung dịch màu đỏ nhỏ vào đó, xung quanh treo mấy sợi dây, từ loa phát ra tiếng nghiến kèn kẹt khủng khiếp. „Tác phẩm vô đề”. Hãy thử tỏ ra minh triết xem nào.

MP: Trong Salon de Paris trưng bày nghệ thuật chính thống nổi tiếng thế kỷ XIX, người ta treo hàng trăm bức tranh phong cảnh và các ả khỏa thân. Chán phèo.

GS: Nhưng ít ra với ả khỏa thân thì còn hiểu được người ta muốn nói gì.

MP: Thật lạ là con người không muốn đứng trước điều khó hiểu là tác phẩm của bàn tay người khác. Trước tác phẩm bất khả tư nghì của các thế lực cao siêu -Thượng đế, Chúa hay thiên nhiên – thì họ lại thích. Một số người thậm chí còn khao khát những thứ kỳ cục ấy. Nhưng khi một nghệ sỹ sản tạo ra cái gì đó khó hiểu thì lại nảy sinh nghi ngờ rằng anh ta lừa dối tôi và muốn biến tôi thành thằng ngốc.

GS: Thế anh ta có lừa dối không?

MP: Đáng tiếc là cũng thường như vậy.

GS: Tôi có mấy người bạn cạch đi xem kịch từ khi họ đi xem cái gì đó tiền vệ, ở đó họ bị đổ một thứ mỡ nâu lên người, bị ấn lên sân khấu và bắt đóng giả làm chó sói

MP: Có cách rất tốt cho tình huống này: bỏ về. Tôi đã không đi xem kịch suốt 20 năm.

GS: Cái gì cơ?

MP: Thì thế đấy. Tôi còn có cả lý thuyết về chuyện vì sao tôi không đi xem kịch. Bởi vì tôi không thích việc đóng giả. Đây nhé, người ta bắt tôi ngồi vào ghế rồi xem Holoubek và Łomnicki đang đóng giả rằng họ không phải là Holoubek và Łomicki mà là người khác, rồi tôi lại còn phải trả tiền nữa chứ!

GS: Một giáo sư về nghệ thuật đương đại có thể không đi xem kịch được sao?

MP: Như anh thấy đấy, có thể. Tôi đọc các bài phê bình trên báo chí để biết tình hình thôi.

GS: Bây giờ bà cũng không đi?

MP: Bây giờ tôi có đi, nhưng chỉ khi nào có gì đó thật đặc biệt. „Hamlet” của Klata trong Xưởng đóng tàu Gdańsk, „Macbeth” của Jarzyna trong một nhà máy cũ. Xem những thứ cổ truyền đối với tôi là mất thời gian. Thỉnh thoảng tôi bỏ về.

GS: Lần cuối cùng là khi nào?

MP: Ở Berlin, vì người ta hò hét trên sân khấu kinh quá. Không được để cho ai khủng bố mình hết, kể cả các nghệ sỹ. Nếu anh không thích cái xô kia thì khi đó anh nên bỏ ra ngoài và không quay lại nữa.

GS: Một người có văn hóa có thể không thèm quan tâm đến nghệ thuật đương đại không?

MP: Có thể. Anh ta sẽ mất chút gì đó, nhưng cũng không đến nỗi quá nhiều. Có hàng đống rác rưởi. Rất nhiều.

GS: Đặc điểm chính của cái thứ rác rưởi đương đại này là gì?

MP: Thứ cấp. Bịp bợm. Tự mãn. Sự vội vã để thành công. Và sự gây rối tri-thức-cảm-xúc. Chính là cái điều anh vừa nói: bạn không thích có nghĩa là bạn chưa đủ trình. Nếu bạn không hiểu thì biến đi mà xem tranh Matejko(1). Trong sinh hoạt nghệ thuật của chúng ta, đáng tiếc, vẫn tồn tại sự phân chia ra „chúng tôi” và „họ”.

GS: Chúng tôi là ai?

MP: Thế giới nghệ thuật và các định chế của nó, các nghệ sỹ, các nhà trưng bày, các phê bình gia, và công chúng lui tới các buổi khai mạc.

GS: Còn họ?

MP: Là số còn lại.

GS: Những người hâm mộ Lichen(2) và tranh tôn giáo hàng chợ?

MP: Cũng có họ. Mặc dù đó là sự phân chia quá đơn giản và nhầm lẫn. Giữa nghệ thuật đương đại được trưng bày và các tác phẩm tôn giáo hàng chợ trải ra một khuynh hướng rộng lớn và nhiều dòng các sản phẩm nghệ thuật. Nhưng cũng chẳng có gì phải ảo tưởng – nghệ thuật không và chưa từng là quân bình (egalitarian-ND). Sẽ mãi luôn có „chúng tôi” và „họ” nào đó, „người mình” và „người khác” nào đó. Cốt sao cho sự phân chia này không làm nảy sinh ra thù nghịch và khinh thường. Chỉ chừng ấy thôi và những chừng ấy.

GS: „Họ” muốn nghệ thuật ít nhất cũng phải hiểu được. Và có cái gì đó đèm đẹp treo trên lò sưởi.

MP: Ở Thành Cổ Warszawa có thể mua được những thứ đẹp và dễ hiểu. Tôi hoàn toàn không nói giễu ở đây. Tôi cho rằng nếu ai đó thích thứ nghệ thuật này thì không nên xấu hổ vì điều đó. Anh ta có quyền thích như thế. Tôi hay ngó nghiêng các sản phẩm này, tôi rất quan tâm đến tranh pháo ngoài dòng văn hóa chính thức. Tôi loại ra đồ lưu niệm cho khách du lịch. Sau khi sàng lọc thì hóa ra tranh phong cảnh chiếm ưu thế. Những bức „tranh phong cảnh chung chung”.

GS: „Tranh phong cảnh chung chung” là thế nào?

MP: Có cây cối xanh xanh, có sông hồ và có núi, hơi phủ tuyết một chút. Có thêm con vật gì đó vào thì càng tốt.

GS: Con hươu.

MP: Ví dụ thế. Và đây không phải là đặc sản Ba Lan chúng ta. Mười mấy năm trước Komar và Melamid – hai nghệ sỹ Nga rời Liên Xô sang phương Tây và trở nên khá thành đạt – đã làm một cuộc thăm dò trên phạm vi toàn cầu, từ Pernambuco đến Kyoto về „bức tranh được mong muốn nhất” và „bức tranh ít người thích nhất”. Họ làm thăm dò này một cách chuyên nghiệp, sử dụng các cơ quan thăm dò dư luận ở từng nước. Và trong tất cả các nền văn hóa bức tranh được mong muốn nhất đều giống nhau: mặt trời, bầu trời xanh, nước, núi và động vật. Nghĩa là thiên đường.

GS: Thế „bức tranh ít người thích nhất” ra sao?

MP: Trừu tượng – những khối hình học gì đó được vẽ bằng màu chết. Nhu cầu cần có thiên đường là thứ bẩm sinh của chúng ta, cũng có thể thấy rõ điều này trong tranh ở Thành Cổ Warszawa. Có thể đó là một cô gái tóc vàng ngực lớn, có thể đó là con ngựa – có Nguyên soái cưỡi hoặc không – nghĩa là thiên đường đã mất thời tiền chiến. Người ta có nhu cầu để cuộc sống dễ thương hơn đôi chút.

GS: Nghệ thuật đương đại thật xa xôi với nhu cầu đó.

MP: Vì nó không phục vụ nhu cầu này. Chừng nào nghệ thuật còn được hình thành theo đơn đặt hàng cụ thể – giáo sỹ cần tượng thánh cho nhà thờ, hoàng tử cần nàng Vệ nữ khỏa thân cho phòng ngủ, nhà quý tộc cần chân dung tiền nhân – tất cả đều rõ ràng. Nhưng sau đó định chế bảo tàng xuất hiện. Một không gian công chúng chuyên biệt chỉ dành cho nghệ thuật và chỉ để xem nghệ thuật. Một thay đổi căn bản. Bảo tàng và phòng trưng bày, mặc dù xuất hiện vào thế kỷ XVIII, vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong đời sống nghệ thuật ngày nay.

GS: Như thế nào?

MP: Nghệ sỹ đã không còn sáng tạo theo đơn đặt hàng của cá nhân cụ thể nữa. Nghệ thuật đương đại hình thành trước hết là để triển lãm. Walter Benjamin từ rất lâu đã đưa ra khái niệm giá trị triển lãm, dần dần nó đã thay thế tất cả các giá trị khác. Điều này đồng điệu cùng với cách hiểu hiện đại về nghệ thuật như một hiện tượng tự trị thuần túy. Như vậy nếu nghệ thuật mang tính tự trị và bị tước bỏ các chức năng khác mà người ta gọi một cách xem thường là các chức năng phục vụ, thì nó chỉ còn đủ tiêu chuẩn để triển lãm. Và để cho thị trường nghệ thuật.

GS: Giá trị triển lãm, tức những gì các phê bình gia ưa thích?

MP: Không, vì các cuộc triển lãm vẫn là dành cho công chúng. Chỉ có điều người xem đương đại không có dung nhan, không cụ thể như trước kia. Họ là vô danh, giả định và tiềm tàng.

GS: Ở nước ta thì họ còn vắng mặt nữa. Bảo tàng Tate Modern ở London mỗi năm có vài triệu lượt người xem. Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Warszawa nằm trong phòng trưng bày cũ của hãng đồ gỗ Emilia và thường vắng teo.

MP: Thế anh thử đến gian trưng bày hội họa thế kỷ XVII và XVIII trong Bảo tàng Quốc gia đi. Ở đấy mới là vắng teo. Chuyện người Ba Lan thích nghệ thuật thời xưa còn nghệ thuật đương đại thì không, chỉ là ảo ảnh. Mọi loại nghệ thuật đối với chúng ta đều khá xa lạ. Ở đây sự khác biệt giữa Ba Lan và phương Tây rất rõ rệt, đáng tiếc.

GS: Từ đâu mà có sự khác biệt này?

MP: Từ lịch sử. Văn hóa Ba Lan cổ không phải là văn hóa tranh pháo, đó là văn hóa của những thứ xa xỉ, gấm vóc, xa hoa, vũ khí trang trí lộng lẫy. Người ta yêu những đồ ấy chứ không yêu tranh - thứ được xem là nghệ thuật hạng hai. Tình trạng này kéo dài rất lâu. Vào giữa thế kỷ XIX khi chúng ta có một bên là thi ca lãng mạn vĩ đại và âm nhạc Chopin, một bên là nền hội họa khiêm tốn, sự chênh lệch lớn đến nỗi Julian Klaczko đã đặt câu hỏi về „lý do tồn tại của nghệ thuật Ba Lan”. „Từ hàng thế kỷ Ba Lan đã chiến thắng bằng gươm và thập tự, chứ không phải bằng cây cọ và cái đục. - ông chứng minh, và khi đó cũng gây ra cuộc tranh cãi lớn. Ngày nay chúng ta vui mừng vì giai đoạn đó ta có Piotr Michałowski, nghệ sỹ tầm cỡ châu Âu. Nhưng ông chỉ là một nghệ sỹ không chuyên lớn. Stanisław Witkiewicz cha đã viết rằng nghệ thuật Ba Lan khoảng năm 1850 là „một con số không to tướng”.

GS: Và sau đó là cái ông Matejko khủng khiếp.

MP: Anh đừng nói thế. Nhờ Matejko mà người Ba Lan trân trọng hội họa. Chính ông là người đã chỉ ra rằng môn nghệ thuật này có thể nằm cao nhất trong thang giá trị dân tộc, thậm chí có thể lớn lên đến tầm cỡ nghệ thuật tiên tri. Các thể hệ họa sỹ tiếp theo đã được hưởng lợi từ điều đó, nhất là trong giai đoạn Ba Lan Trẻ(3), cho dù họ chẳng tri ân và còn đả kích Matejko là họa sỹ tồi.

GS: Thế Matejko của chúng ta có khá không?

MP: Nhưng từ góc nhìn nào?

GS: Từ góc nhìn đơn giản đó có phải là thứ hội họa khá không. Trên phông nền châu Âu.

MP: Đây không phải là một câu hỏi được đặt đúng cách.

GS: Sao lại không? Đơn giản là: họa sỹ khá hay tồi. Bà là phê bình gia nghệ thuật mà.

MP: Chính vì vậy mà tôi không đánh giá theo những tiêu chuẩn không phù hợp. Đó không phải là điều quan trọng trong hội họa này. Matejko không khéo tự lăng xê. Nhưng bá tước giáo sư Stanisław Tarnowski đã khắc sâu nhiều câu nói của ông, trong đó có cái câu hay bị trích dẫn này: „Tôi không vẽ như tôi hiểu các tiêu chuẩn nghệ thuật của bức tranh hoàn hảo. Tôi muốn nói đến những điều quan trọng hơn điều đó...”

GS: Chính thế đấy. Nghệ thuật xoàng, nhưng được cái đúng đắn, bởi nó „nói đến những điều quan trọng hơn”.

MP: Đó không phải là nghệ thuật xoàng. Những bức tranh ấy được vẽ rất tốt trong truyền thống mà Matejko tiếp nhận. Con ngựa là con ngựa. Khẩu súng là khẩu súng. Hiệp sỹ là hiệp sỹ. Có thể ông không thích Matejko, nhưng đó là một họa sỹ rất hay.

GS: Hay ở chỗ nào?

MP: Ở cách minh họa lịch sử. Đó là những trình diễn vĩ đại lớn lên trong trí tưởng tượng Ba Lan.

GS: Chúng không thật.

MP: Thì sao nào? Tôi dẫn thêm một câu của Matejko, nó vụng về và do đó chắc là đáng tin: „Quan trọng là bức tranh gây ấn tượng với mọi người”. Và chúng gây ấn tượng. Gần đây tôi vào blog của học sinh cấp 2 xem các em viết gì về Matejko sau khi tham quan bảo tàng. Các em viết: „Kính phục!” Nguyên văn thế đấy.

GS: Do đâu mà có sự kính phục này?

MP: Thanh niên ngày nay được giáo dục trong văn hóa hình ảnh, lóng lánh và chuyển động. Mà trong tranh Matejko có chuyển động, có sự thống thiết và hành động. Có cả sự tàn bạo và máu me. Tức là những gì nuôi dưỡng văn hóa đại chúng. Hội họa về bản chất là bất động và câm, nhưng nó lại phải thuyết phục, truyền đạt các ý tưởng, kể chuyện. Có thể viết về lịch sử hội họa châu Âu – từ thời Phục hưng – như về sự gắng sức để chiến thắng những điều bất khả ấy. Matejko với sự biểu hiện cực đoan của mình là ví dụ cho cố gắng này: phá vỡ sự bất động, bất ngôn và tĩnh lặng. Cử chỉ kia, nét mặt nọ – tất cả đều với cường độ cao nhất! Đôi khi người ta đạt được hiệu quả mạnh mẽ bằng sự trống rỗng, yên lặng và vô ngôn. Nhưng đó không phải là Matejko.

GS: Và có lẽ nói chung không phải là người Ba Lan.

MP: Chính thế.

GS: Matejko có một ưu điểm – ít ra là người ta cũng biết tranh ông vẽ cái gì. Bây giờ Phòng trưng bày Zachęta trưng bày các sản phẩm đương đại và phải tích cực giải thích chúng. Thậm chí họ phát hành cả những cuốn hướng dẫn nhỏ cho người xem với các câu hỏi thế này: „Tác phẩm có kể câu chuyện nào không?” „Trong tác phẩm này có sử dụng những dấu hiệu biểu tượng điều gì không?”, „Vì sao tác phẩm không có nhan đề?”

MP: Tốt chứ sao. Bằng cách này Zachęta mời những người xem chưa được giáo dục vào cuộc đối thoại. Đó là những câu hỏi khích động, tấn công vào thói quen tiếp thu. Bởi vì có thể người xem vẫn luôn chờ đợi „Trận chiến ở Grunwald”(4).

GS: Người xem chờ đợi rằng ít nhất cũng biết được „tất cả là về cái gì”.

MP: Thì các phê bình gia là để làm việc đó. Những người trung gian giữa nghệ sỹ và công chúng. Chúng ta phải giải thích „tất cả là về cái gì” một cách kiên nhẫn, dễ hiểu và hấp dẫn, chứ không phải cứ khinh khỉnh ngạo mạn cố thủ trong pháo đài của mình.

GS: Bởi vì nghệ thuật đương đại phải được giải thích cho những người bé mọn à?

MP: Không phải bé mọn, mà đơn giản là công chúng. Rất khó nói người Ba Lan có hiểu nghệ thuật đương đại hay không, vì họ chưa có cơ hội làm quen với nó. Mấy năm trước nước ta còn chưa có bảo tàng nghệ thuật hiện đại. Chúng ta có cả núi việc khổng lồ trong việc giáo dục và các bảo tàng cần chú trọng vào điều này. Tập hướng dẫn nhỏ của Zachęta mà anh thấy buồn cười chính là một thử nghiệm giáo dục sáng suốt. Nếu người Ba Lan đã chỉ được xem nền nghệ thuật bị cắt khúc từ năm 1914 đến năm 1945 thì khó lòng ngạc nhiên khi bây giờ họ thấy sốc khi xem Julita Wójcik gọt khoai tây trong phòng trưng bày quốc gia.

GS: Nhưng cô ấy gọt khoai tây để làm gì?

MP: Để tôn vinh cái điều vốn là thường nhật, nhất là đối với phụ nữ. Không ít người nội trợ sẽ cảm thấy vui sướng rằng việc cô ta làm hàng ngày lại có thể được đưa vào một định chế văn hóa quốc gia.

GS: Tôi e rằng Julita Wójcik chả đến được với bà nội trợ thực thụ nào. Bởi vì chỉ có Maria Poprzęcka và các bà các cô Warszawa khác mới đến phòng trưng bày để khám phá cái công việc kỳ lạ này. Lần cuối bà gọt khoai tây là khi nào?

MP: Ba ngày trước, vì sau đó tôi ăn cơm. Tôi tự nấu ăn, tôi thích đồ nấu ở nhà.
Tôi đồng ý là thiếu sự liên kết giữa „những người bình thường” với nhóm ước lệ các bà các cô Warszawa thường hay lui tới các cuộc khai mạc triển lãm kia. Tôi đấu tranh với điều này trong khả năng của mình.
(…)

GS: Thế phải xem một bức tranh trong bảo tàng như thế nào?

MP: Ai thích thế nào thì xem như thế. Tôi có thể đi hết cả phòng trưng bày và nhìn lên trần. Phải biết tự bảo vệ trước lạm phát nghệ thuật. Có lần ở khoa tôi đã dám nói rằng trong các bảo tàng, tôi thích nhất là xem bức tranh ngoài cửa sổ. Tụi sinh viên nhắc lại điều này với tôi suốt nhiều năm sau.

GS: Vì sao lại là bức tranh ngoài cửa sổ?

MP: Vì ở đó là cuộc sống. Tôi quan tâm đến con người hơn quan tâm đến nghệ thuật rất nhiều – lời thú nhận đầy thỏa hiệp của một sử gia nghê thuật.
Tôi đã nghiên cứu hội họa thế kỷ XIX trong một thời gian khá dài. Nghệ thuật hiện đại khiến tôi thấy thú vị vì trong đó có đời sống: cơ thể, con người và hoạt động. Nhiều khi là chính nghệ sỹ biến cơ thể của mình thành vật thể nghệ thuật.

GS: Bauman viết về sự bất khả của tiền vệ trong nghệ thuật hiện đại: „Không có cái mới khi không có chuẩn tắc. Không có dị giáo khi không có chính thống giáo.”

MP: Chuẩn tắc vẫn đang hiện hành, vẫn có thể phân biệt những thứ nổi bật với những thứ xoàng xĩnh mà. Trong nghệ thuật đương đại Ba Lan có một thứ mà tôi gọi là „nhóm đại diện”. Đó là các nghệ sỹ gửi tác phẩm ra nước ngoài, được trao giải thưởng, có các cuộc trưng bày dấu ấn. Đó chính là bộ chuẩn tắc này.

GS: Nó có tốt không?

MP: Không tệ.

GS: Có gì trong đó?

MP: „Kim tự tháp súc vật” của Kozyra mở ra bộ chuẩn tắc này.

GS: Đó mà là nghệ thuật lớn à? Cái con ngựa với con chó, con mèo và con gà ấy?

MP: Không phải là chuyện đó.

GS: Chính thế, lại không phải chuyện đó. Gống như Matejko.

MP: Kozyra rất tuyệt.

GS: Cũng với những nguyên tắc y như Matejko: „Bởi vì tôi nói đến điều quan trọng hơn”.

MP: Không, khác chứ. Nhưng ta hãy cho qua „Kim tự tháp súc vật” đi, nó đã được nói quá nhiều rồi. Hãy nói về tác phẩm tuyệt nhất của Kozyra - „Nghi lễ mùa Xuân”.

GS: Nhưng cơ thể già nua thực hiện các chuyển động giật cục.

MP: Một tác phẩm đầy xúc động. Nó kết nối đến nhiều truyền thống khác nhau: vở ba lê „Nghi lễ mùa Xuân” của Stravinsky, tức là tới tác phẩm khai mở âm nhạc thế kỷ XX, và sâu hơn, là truyền thống tế lễ tà giáo – cô gái được chọn làm vật hiến tế sẽ phải nhảy múa tới chết để cuộc sống mới hồi sinh. Trên các màn hình được xếp vòng tròn, ta thấy điệu múa và nghe các motiv của Stravinsky. Kozyra trung thành với biên đạo ban đầu của vở ba lê, nhưng để những người già trong viện dường lão làm vũ công, họ được chụp ảnh khỏa thân trên nền trắng, hết tấm này tới tấm khác tiếp theo nhau. Phương pháp làm phim hoạt hình cho phép những người già có thể thực hiện được các động tác cực khó ngay cả đối với những vũ công trẻ chuyên nghiệp. Giao vai này cho những người già thật là việc khó có thể chịu đựng, nhưng gây rúng động và chân thật. Họ là những người bị hiến tế trong cuộc sống của chúng ta.

GS: Theo bà tác phẩm này nói về điều gì?

MP: Nói một cách lâm li: về số phận con người. Tất cả chúng ta đều chết.

GS: Quá hiển nhiên.

MP: Không hề, thế mới nói! Ngày nay điều này hoàn toàn không hiển nhiên! Anh thử nhìn quanh mà xem. Chúng ta sống trong thế giới bị tước mất cái chết. Nó đã bị y học hóa, chúng ta chết trong các bệnh viện, giấm giúi và đầy xấu hổ. Chúng ta sống như thể không có tuổi già. Tôi không nhớ nổi một tác phẩm nghệ thuật nào đề cập đến đề tài này một cách bi kịch có thể sánh được với tác phẩm của Kozyra. Những thứ kinh dị, Zombie, những xác chết sống được văn hóa đại chúng ưa thích đến thế so với nó chỉ là trò trẻ con.

GS: Đó thật sự là tác phẩm tầm cỡ quốc tế à?

MP: Đúng. Đó là một tác phẩm hoàn hảo.

GS: Làm sao bà nhận biết được một tác phẩm hay?

MP: Như mọi người thôi: nó làm tôi xúc động hay không. Thế anh nghĩ tôi đi khắp bảo tàng và hành xác à? Ngược lại. Là trực giác vô tư thuần khiết. Một tác phẩm nghệ thuật hay khi tôi khó nói thành lời. Không thể dùng lý trí phân tích được. Không thể kể về nó được. Bởi vì cảm xúc xuất hiện xâm chiếm tôi mạnh mẽ tới mức trong khoảnh khắc tôi xóa bỏ hết toàn bộ học thức và sự tiếp thu mang tính phê bình. Khi tôi nhìn ngắm thứ gì đó và không còn là phê bình gia nghệ thuật nữa, khi đó tôi thấy rằng mình đang tiếp xúc với nghệ thuật thực thụ.

GS: Nếu đã nhìn thấy mọi thứ rồi thì khó có được niềm thích thú ấy

MP: Khó.

GS: Bà có hay thấy thích không?

MP: Ít. Tôi là người lạc quan, nhưng không phải là người nhiệt tình.

GS: Trong vòng 23 năm của nước Ba Lan độc lập thì được mấy lần?

MP: Vài lần. „Nghi lễ mùa Xuân” của Kozyra. Tranh của Tarasewicz, nhất là những bức được trưng bày chòi ra khỏi khung, bê tông màu đổ ra cầu thang và tường phòng trưng bày. Tranh của Jarosław Modzelewski.

GS: Bức nào?

MP: Ví dụ con thuyền không người neo bên bờ. Con thuyền của Charon đang chờ. Chờ tôi.

GS: Lại là về cái chết.

MP: Không có gì khác đáng nói, thật đấy.
Nếu đã là nói chuyện nghiêm túc thế này, thì tôi tin rằng nghệ thuật là hành động của con người cho phép thoát khỏi thế tục để hướng đến siêu hình. Tôi đứng trước bức tranh của Modzelewski và cứ muốn ngắm mãi. Ngắm mãi và ngắm mãi. Chỉ cần được yên tĩnh thôi.

GS: Cảm xúc thế nào?

MP: Cam chịu số phận. Khác với trường hợp „Nghi lễ mùa Xuân” - đó là một kiểu sốc.

(Con thuyền bên bờ, tranh Jarosław Modzelewski)

GS: Các nghệ sỹ đương đại Ba Lan muốn cho chúng ta xem gì?

MP: Cơ thể và sự mục ruỗng của nó. Các cơ thể già nua, tàn tật, ốm yếu, bệnh hoạn, thương tích trước đây chưa được nghệ thuật mở cửa. „Nhà tắm nữ” của Kozyra, „Cuộc đi dạo” của Żmijewski. „Những nghi lễ thầm kín” của Libera.

GS: Trong phim này Libera chăm sóc người bà của mình, thay tã, rửa ráy, lau dọn. Các nghệ sỹ Ba Lan cho chúng ta xem những thứ ấy để làm gì?

MP: Bởi đó là sự thật về thân phận con người.

GS: Cái đẹp của nghệ thuật là thế à?

MP: Nghệ thuật không ngừng hướng tới ba lý tưởng của Platon: chân, thiện, mỹ. Điều cốt yếu của tam giác này là các giá trị này liên kết chặt chẽ với nhau. Nếu điều gì đó chân thực thì nó cũng đẹp và thiện.

GS: Bà tin điều đó chứ?

MP: Tôi tin. Cơ thể già nua là chân thực, và do đó đẹp. Chỉ có điều chúng ta sống trong áp lực khủng khiếp của những cơ thể không tồn tại và không hiện thực. Không ai trông như trong Photoshop cả. Điều này quá rõ ràng, nhưng nhắc lại mãi vẫn không đủ – chúng ta trưng ra bệnh tật, sự già nua, cái chết, những thứ không nằm trong tinh thần của các pa-nô, quảng cáo và văn hóa đám đông. Nghệ thuật nhắc chúng ta nhớ đến những điều tàn bạo này.

GS: Vậy là cuối cùng chúng ta cũng biết được tại sao mọi người không đi xem nhũng thứ đó: họ xem những thứ đau xót ấy làm gì?

MP: Nếu người ta chỉ trông đợi ở nghệ thuật sự vui thích và an ủi – họ có quyền làm vậy. Một trong những chức năng quan trọng của nghệ thuật là consolatio – an ủi.

GS: Thế thứ nghệ thuật kia có an ủi bà không?

MP: Có. Bởi vì chính những cô xinh đẹp trên pa-nô mới hành hạ tôi. Đó không phải là cuộc sống thật. Đó là ảo giác, thứ ảo giác gây hại, lừa dối và hạ thấp người khác.

GS: Chúng ta sống trong một thế giới kỳ cục. Ta nhìn ngắm sự thật đáng tiếc trong các phòng trưng bày, sau đó bước ra ngoài và cần mẫn cười bằng những đôi môi tô son. Ngược lại với trước đây.

MP: Định nghĩa cổ của Aristoteles về nghệ thuật nói đến ba cách mô phỏng hiện thực. Thứ nhất, có thể mổ phỏng như nó vốn thế. Đó là lãnh địa của các nghệ sỹ duy thực. Thứ hai, có thể mô phỏng hiện thực tốt hơn là nó vốn thế, đó là nhiệm vụ quan trọng của nghệ thuật châu Âu từ thời Phục hưng. Cách mô phỏng thứ ba là thể hiện hiện thực tệ hơn là nó vốn thế. Mọi sự bóp méo, làm biến dạng, xuyên tạc nằm ở đây. Định nghĩa kinh điển không có tình huống thứ tư – cuộc sống trong hiện thực đã được tô hồng, mà nghệ thuật phải lột đi lớp son.

GS: Những gì của nền nghệ thuật chúng ta sẽ còn lưu lại?

MP: Không nhiều. Như mọi khi.

GS: Không nhiều là những gì?

MP: Tôi đã nói đến vài thứ rồi đấy: „Nghi lễ mùa Xuân” của Kozyra. „Mắt trả mắt” của Żmijewski. „Bài hát Ba Lan” của ông chắc chắn cũng vậy.(...)

GS: Còn gì nữa?

MP: Pawlak. Ví dụ bức tranh „Người Ba Lan làm quốc kỳ” của ông.

GS: Sasnal?

MP: Tôi không phải là người hâm mộ ông ấy.

GS: Ông ấy rất tuyệt.

MP: Chắc chắn là lương thiện. Mặc dù thành công về mặt thương mại – dù sao thì ông cũng là nghệ sỹ Ba Lan đắt giá nhất – ông vẫn thực hành nghệ thuật của mình một cách lương thiện, không biến thành nhà sản xuất. Tôi nghĩ ông cảm thấy rất khó khăn trong vai trò nghệ sỹ nổi danh.

GS: Có gì nữa không?

MP: „Dương bản” của Libera. Nghệ sỹ chọn một số bức ảnh gốc – các hình tượng của truyền thông thế kỷ XX đã đi vào tâm thức đại chúng. Em bé Việt Nam bị bỏng bom napal đang chạy trốn, Che Guevara bị bắn nằm trên cáng, các tù nhân trại tập trung sau hàng rào dây thép gai. Libera chụp các người mẫu y hệt như thế và làm các „dương bản” mới cho những bức ảnh đó. Thật rúng động.

GS: Bức ảnh nào gây rúng động nhất?

MP: Ảnh trại tập trung.

GS: Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi đã đứng chết lặng.

MP: Tôi cũng thế.

GS: Nhưng tôi không biết tại sao.

MP: Tôi cũng không biết. Nghệ thuật là thế, người ta không biết.

( bức ảnh trong tác phẩm Dương bản của Zbigniew Libera)

GS: Bà nói chút gì đó về bức ảnh này đi.

MP: Chúng ta nhìn thấy bức ảnh quen thuộc trong sách giáo khoa chụp các tù nhân trại tập trung, chỉ là đột nhiên có gì đó không ổn ở đây. Những người này trông như khách trọ vui vẻ của các viện an dưỡng, áo tù được thay bằng sọc áo pijama, thay vì thép gai thì chúng ta nhìn thấy những sợi dây được gắn lên đó thứ trang trí rẻ tiền nhất – dây thường xuân nhựa.

GS: Theo bà thì nó nói về cái gì?

MP: Về thế giới vui vẻ dối lừa, hồng hào như một lò sát sinh vào buổi sáng. Những người đứng sau các sợi dây cười cần mẫn vào ống kính. Đây không còn là những bộ xương bọc da sống mà chúng ta biết đến trong bức ảnh gốc. Nhưng vẫn có một thứ còn lại, đó là họ luôn đứng ở sau một cái hàng rào.

GS: Hàng rào với những dây thường xuân bằng nhựa.

MP: Phải. Chính là chúng ta đang đứng đó.

----------

Chú thích:
1. Họa sỹ Ba Lan thế kỷ XIX nổi tiếng với các bức tranh lịch sử

2. Tên một làng ở miền Trung Ba Lan, có Thánh đường Đức Mẹ – một trong những nhà thở tráng lệ nhất thế giới

3.Thời kỳ của chủ nghĩa hiện đại trong văn học, âm nhạc và nghệ thuật Ba Lan, kéo dài từ 1891 đến 1918, chủ trương phản kháng lại chủ nghĩa thực chứng, không tin tưởng vào trật tự thế giới cũ, đề cao sự vượt trội của nghệ sỹ tới tầm vóc tiên tri, đòi tự do và tách nghệ thuật khỏi di sản văn hóa, ảnh hưởng triết học Schopenhauer, Nietzch và Bergson.

4.Tên bức tranh nổi tiếng nhất của Matejko



No comments: