Dương Danh Huy, Phạm Thanh Vân và Nguyễn Thái Linh (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông). Các tác giả cảm ơn GS Phạm Quang Tuấn đã góp ý cho bài.
Đã từng có nhiều định nghĩa khác nhau cho các chính thể Việt trong cuộc chiến chấm dứt ngày 30/4/1975 xuất phát từ các quan điểm luân lý, chính trị, hay pháp lý. Trong đó, những định nghĩa pháp lý là có vai trò quan trọng cho lập luận của Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự quan trọng này không chỉ là vì công hàm 1958 của Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng, và vì những tài liệu và phát ngôn bất lợi khác của quan chức và cơ quan của VNDCCH, mà còn vì VNDCCH đã không khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1954 đến 1975-1976.
Cần có quốc gia duy trì chủ quyền
Trong lịch sử luật quốc tế, đối với Việt Nam, phán quyết năm 2008 của Tòa án Công lý Quốc tế về tranh chấp cụm đảo Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore có nhiều điểm đáng lưu ý. Tòa cho rằng ban đầu Malaysia có chủ quyền đối với đảo Pedra Branca. Tòa cũng cho rằng công hàm 1953 của Johor (này nay là một tiểu bang của Malaysia), mặc dù trong đó Johor trả lời Singapore rằng Johor không đòi chủ quyền trên đảo này, không có hệ quả pháp lý mang tính quyết định và không có tính chất ràng buộc cho Johor. Nhưng Tòa lại dựa vào việc trước và sau đó Johor và Malaysia không khẳng định chủ quyền, và dùng công hàm 1953 của Johor như một trong những chứng cớ quan trọng cho việc Malaysia không đòi chủ quyền, để kết luận rằng tới năm 1980 chủ quyền đã rơi vào tay Singapore.
Bài học cho Việt Nam là: bất kể ban đầu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, và dù cho chúng ta có biện luận thành công rằng công hàm của Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng không có tính ràng buộc về hai quần đảo này đi nữa, việc VNDCCH không khẳng định chủ quyền trong hơn 20 năm có khả năng sẽ làm cho VNDCCH không còn cơ sở để đòi chủ quyền nữa. Vì vậy, trong lập luận pháp lý của Việt Nam phải có sự khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này từ một chính phủ khác, lúc đó là đại diện hợp pháp cho một quốc gia Việt nào đó.
Trên lý thuyết, nếu chứng minh được từ năm 1954 đến 1975 chỉ có một quốc gia, và chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) là đại diện hợp pháp duy nhất của quốc gia đó, thì điều đó cũng đủ là cơ sở cho lập luận pháp lý của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa. Trên thực tế, thứ nhất, chưa chắc chúng ta sẽ chứng minh được điều đó; thứ nhì, chính phủ Việt Nam ngày nay sẽ khó chấp nhận một chiến lược pháp lý dựa trên giả thuyết này.
Vì vậy, chiến lược khả thi hơn cho lập luận pháp lý của Việt Nam cần dựa trên điểm then chốt là từ năm 1958 đến 1976 có hai quốc gia khác nhau trên đất nước Việt Nam.
Đất nước, chính phủ và quốc gia
Phân tích này sử dụng ba khái niệm sau: 1. Đất nước: là một khái niệm địa lý, bao gồm một vùng lãnh thổ với dân cư. 2. Chính phủ: là hệ thống chính trị để quản hạt, lãnh đạo và đại diện. 3. Quốc gia: (trong bài này từ “quốc gia” được dùng với nghĩa State/État), là một chủ thể chính trị và pháp lý. Trong Công ước Montevideo 1933, một quốc gia phải có lãnh thổ, dân cư, chính phủ, và khả năng có quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác.
Thực chất, trong công pháp quốc tế chỉ có định nghĩa quốc gia như một chủ thể có năng lực pháp lý và năng lực hành vi (tức là có các quyền và nghĩa vụ phát sinh trực tiếp từ luật quốc tế) và chính phủ là thành phần của chủ thể đó, chứ không có khái niệm đất nước.
Một đất nước (lãnh thổ), hai quốc gia
Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự, mỗi vùng có một chính quyền dân sự. Mặc dù không chia Việt Nam thành hai quốc gia, Hiệp định đã tạo ra một ranh giới tại vĩ tuyến 17 giữa hai chính phủ đang tranh giành quyền lực, và ranh giới đó đã tạo điều kiện cho sự hiện hữu của hai quốc gia.
Việc VNCH không chấp nhận thực hiện tổng tuyển cử vào năm 1956 đã làm cho ranh giới đó trở thành vô hạn định. Sự hiện hữu của hai chính phủ hai bên một ranh giới vô hạn định ngày càng củng cố sự hình thành và hiện hữu trên thực tế của hai quốc gia trên lãnh thổ đó. Sự hiện hữu của hai quốc gia này không chỉ là thực tế cho mỗi quốc gia đó, giữa hai quốc gia đó, mà còn là thực tế trên bình diện quốc tế.
Điều có thể gây nghi vấn về sự hiện hữu của hai quốc gia là hiến pháp của VNDCCH và VNCH có vẻ như mâu thuẫn với sự hiện hữu đó. Tới năm 1956, Hiến Pháp VNDCCH viết “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”, và Hiến Pháp VNCH viết “Ý thức rằng Hiến pháp phải thực hiện nguyện vọng của nhân dân, từ Mũi Cà Mâu đến Ải Nam Quan;” và “Việt Nam là một nước Cộng hòa, Độc lập, Thống nhất, lãnh thổ bất khả phân.”
Nhưng sự mâu thuẫn đó không có nghĩa không thể có hai quốc gia. Hiến pháp của Bắc Triều Tiên viết Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên là đại diện cho dân tộc Cao Ly, hiến pháp của Nam Hàn viết lãnh thổ của Đại Hàn Dân Quốc là bán đảo Cao Ly và các hải đảo, nhưng Bắc Triều Tiên và Nam Hàn vẫn là hai quốc gia. Hiến pháp của VNDCCH và VNCH, cũng như của Bắc Triều Tiên và Nam Hàn, là thể hiện về ước vọng và tình cảm, không phải là là thực tế về có hiện hữu hai quốc gia hay không.
Như vậy, có thể cho rằng từ năm 1956 hay sớm hơn đã có hai quốc gia, trên lãnh thổ Việt Nam, với vĩ tuyến 17 là biên giới trên thực tế giữa hai quốc gia đó.
Việc có hai quốc gia là cơ sở cho luận điểm then chốt của Việt Nam: VNCH có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa; VNDCCH không có thẩm quyền lãnh thổ gì đối với hai quần đảo đó.
Khi Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLT) ra đời ngày 8/6/1969, có thể cho rằng có ba chính phủ, hai quốc gia trên một đất nước (lãnh thổ) Việt Nam. Trong quốc gia với tên VNDCCH chỉ có một chính phủ. Trong quốc gia với tên VNCH, trên diện pháp lý, có hai chính phủ cạnh tranh quyền lực với nhau: chính phủ VNCH và CPCMLT.
Khi VNDCCH công nhận CPCMLT là đại diện hợp pháp cho phía nam vĩ tuyến 17 thì có nghĩa VNDCCH công nhận trên diện pháp lý rằng phía nam vĩ tuyến 17 là một quốc gia khác.
Quá trình thống nhất
Ngày 30/4/75, chính phủ VNCH sụp đổ, còn lại duy nhất CPCMLT trong quốc gia phía nam vĩ tuyến 17. CPCMLT đổi tên quốc gia đó thành Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN), nhưng đó chỉ là sự thay đổi chính phủ và đổi tên, không phải là sự ra đời của một quốc gia mới. Trên diện pháp lý, còn lại hai chính phủ của hai quốc gia trên một đất nước (lãnh thổ).
Năm 1976, trên diện pháp lý, hai quốc gia trên thống nhất lại thành một, và từ đó Việt Nam lại là một quốc gia với một chính phủ trên một đất nước (lãnh thổ). Sự thống nhất này đã không bị LHQ hay quốc gia nào lên tiếng phản đối. Năm 1977, CHXHCNVN được chấp nhận tham gia LHQ. CHXHCNVN kế thừa vai trò của hai quốc gia VNDCCH và VNCH/CHMNVN trong các hiệp định và các tổ chức quốc tế, kế thừa lãnh thổ và thềm lục địa của VNCH/CHMNVN trong các tranh chấp với Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, và mặc nhiên có quyền kế thừa Hoàng Sa, Trường Sa từ VNCH/CHMNVN.
Nên vì Hoàng Sa, Trường Sa
Lịch sử pháp lý trên nghe có vẻ sách vở, nhưng thực tế của nó là bom đạn, xương máu, và nhiều cảnh huynh đệ tương tàn. Mặc dù lịch sử pháp lý đó đã kết thúc bằng một quốc gia trên đất nước (lãnh thổ) Việt Nam thống nhất, nó là một cuộc bể dâu làm đổ nhiều xương máu. Nhưng quá khứ thì không ai thay đổi được, và tương lai thì không ai nên muốn đất nước Việt Nam lại bị chia đôi thành hai quốc gia lần nữa.
Cuộc bể dâu đó cũng đã góp phần làm cho Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng, và để lại cho Trung Quốc một lập luận lợi hại, rằng trước 1975 Việt Nam không tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và đã công nhận chủ quyền Trung Quốc trên hai quần đảo này.
Nhưng việc đã từng hiện hữu hai quốc gia trên một đất nước (lãnh thổ) Việt Nam trong giai đoạn 1956 đến 1976, và việc, vào năm 1976, hai quốc gia đó thống nhất thành một một cách hợp pháp, là một yếu tố quan trọng cần được vận dụng trong việc phản biện lập luận của Trung Quốc.
Ngày nay, chính phủ Việt Nam một mặt viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền của VNCH về Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng mặt kia vẫn e ngại việc công nhận cụ thể và rộng rãi rằng VNCH đã từng là một quốc gia (mặc dù trong quá khứ chính phủ CHXHCNVN đã công nhận rằng CHMNVN là một quốc gia). Việc không công nhận cụ thể và rộng rãi rằng VNCH đã từng là một quốc gia làm giảm đi tính thuyết phục của việc viện dẫn các tuyên bố và hành động chủ quyền của VNCH về Hoàng Sa, Trường Sa, vì các tuyên bố và hành động chủ quyền phải là của một quốc gia thì mới có giá trị pháp lý. Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần phải bỏ sự e ngại này.
Mặt khác, Việt Nam cũng cần phải hạn chế tối đa những gì Trung Quốc có thể lợi dụng để tuyên truyền rằng CHXHCNVN ngày nay chỉ là VNDCCH, chẳng hạn như không nên đổi tên nước thành VNDCCH.
------
(*) Đây là bản đầy đủ của bài viết đã đăng trên BBC Tiếng Việt
(*) Đây là bản đầy đủ của bài viết đã đăng trên BBC Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment