Friday, 20 August 2010

Vì những chuyến đi xa luôn là sự trở về


(Bầu trời Baltic)


Từ lần cuối cùng tôi nghỉ hè bên bờ biển Baltic, đã hơn mười năm trôi qua. Trong vòng hơn mười năm ấy, dĩ nhiên đã có những lần gặp gỡ ngắn ngủi khác, nhưng chỉ là thoáng chốc và không trọn vẹn. Tôi cũng chẳng nhớ nhung, Baltic quá gần để nhớ nhung. Khi chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi không có cảm giác mình đang lên đường. Có chút gì đó như hờ hững như thờ ơ như không hề mong đợi. Mặc dù sẽ đến một thành phố xa lạ, nhưng tôi biết rằng ở đó sẽ chẳng có gì quá xa lạ với mình. Vẫn là thứ ngôn ngữ đang vây bọc tôi hàng ngày. Ngôn ngữ không thay đổi thì dường như chẳng có gì để mà hồi hộp, để tò mò và ngạc nhiên, để cảm thấy mình sẽ khám phá những điều mới lạ.

Vậy mà tôi đã ngạc nhiên, đã khám phá những điều mới lạ, không phải ở nơi nào xa xôi mà chính trong lòng mình. Vì thế, tôi sẽ không tả cảnh, không kể chuyện, tôi sẽ chỉ viết về những nỗi ngạc nhiên, về những ngỡ ngàng và thích thú.

Tôi ngạc nhiên sao mình lại xúc động đến thế khi trên con tàu băng qua Ba Lan, tôi mải mê ngắm nhìn như mới thấy lần đầu những bình nguyên xanh mướt, những vườn táo lấm tấm quả, những cánh đồng vàng rượi sau mùa gặt, những rừng bạch dương âm u trong mây mù...,những gì tôi tưởng đã quá thân quen. Một cảm giác bình yên lan tỏa, từ từ và lặng lẽ, nhẹ nhàng và mềm mại. Để rồi khi tất cả dần chìm vào làn mưa, cảm giác bình yên ấy như một làn ánh sáng dần sáng lên quanh tôi. Mưa càng nặng hạt, gió càng tạt mạnh vào con tàu, bầu trời càng sầm tối thì ánh sáng ấy càng rực rỡ. Như thể bao nhiêu ấm áp, bao nhiêu êm ả của những bình nguyên vườn táo cánh đồng khu rừng đã dồn hết về đây, trong toa tàu này, để thắp cho các ngọn đèn mỗi lúc một sáng hơn. Giữa tâm ánh sáng ấy, tôi ngồi thật lặng im khi con tàu lao nhanh trong mưa gió, bất động trong chuyển động, và, hơn bao giờ hết, lòng thăm thẳm bình yên.

Baltic trong mưa. Trước phòng tôi, từ ban công nhìn ra, biển xa hút tầm mắt. Bước một cái là xuống biển, vậy mà tôi vẫn chưa thể chạm vào biển. Baltic nấp sau tấm màn mưa xám đục, bắt người ta phải chờ đợi và kiên nhẫn. Tôi ngạc nhiên sao mình không chán nản mà thậm chí còn thấy dễ chịu. Tôi vui thích lắng nghe tiếng mưa đổ xuống hòa cùng tiếng sóng biển và tiếng gió cuộn trong những vòm cây tạo thành một khối âm thanh rì rào đặc sánh, thứ âm thanh tôi chưa từng được nghe. Những nhạc cụ ướt lạnh lướt thướt ấy - mưa, gió và sóng biển – kỳ lạ thay, lại làm nên một bản hòa tấu ấm áp, hài hòa, khiến người ta có cảm giác êm ả như trong đêm tất niên của thời thơ ấu ngồi nghe nồi bánh chưng sôi.

Baltic mưa và tôi ngồi đọc Nhiệt đới buồn. Tôi gặp lại Kapuściński trong những trang viết của Claude Lévi-Strauss, ở Ấn Độ, ở Nam Mỹ, ở những suy tư và đào xới sâu hơn là du ký, ở cái nỗ lực để thấu hiểu và cảm thông với những Người khác. Tôi nhớ Kapuściński, nhớ mơ ước chưa thành của ông là làm một chuyến du hành trên biển theo dấu chân Bronisław Malinowski (nhà nhân học Ba Lan kiệt xuất, người thường được coi là một trong những nhà nhân học quan trọng nhất của thế kỷ 20).

Khi mưa tạnh, những tia nắng đầu tiên dịu dàng xuyên qua bầu trời đầy mây rọi vào phòng, nghe tiếng còi tàu đầu tiên vang lên ngoài biển, tôi nhìn ra ban công và thấy những cánh chim đầu tiên bắt đầu chao liệng trong không trung trên mặt biển lấp lánh ướt, giống như nụ cười đang từ từ bừng nở trên gương mặt bé thơ còn long lanh nước mắt. Từ ban công này, trong xa vắng Địa Trung Hải, trong thương nhớ những đám mâybầu trời của Szymborska, tôi sẽ còn nhiều lần nhìn ngắm trời mây Baltic với nỗi ngạc nhiên tinh khôi nhất. Trong một ngày mùa hè, bầu trời Địa Trung Hải luôn xanh thẳm. Nhưng bầu trời Baltic thì khác, nó sinh động và biến đổi không ngừng. Vẻ đẹp bầu trời Địa Trung Hải là vẻ đẹp của sự ngưng đọng và tĩnh lặng, của mãn nguyện và bình yên, thanh thản, vẻ đẹp của huyền thoại và quá khứ, của vĩnh cửu và hoàn hảo. Bầu trời Baltic mang vẻ đẹp của chuyển động và thay đổi, của ngạc nhiên, mong đợi và tuơng lai, vẻ đẹp của khoảnh khắc và cái mong manh vô thuờng, của sự bất toàn và day dứt, như chính cuộc sống.

Những ngày nằm dài trên bãi biển, tôi thích thú nghe tiếng rao của những người đi bán dạo. Những tiếng rao! Tuổi thơ của tôi làm sao có thể thiếu những âm thanh mời gọi và vui vẻ ấy, ngày tháng xa xưa ở Việt Nam. Thật bất ngờ khi các con tôi bây giờ vẫn còn được nghe những tiếng rao trong muôn vàn âm thanh của cuộc sống. Rất lạ là hơn mười năm trước, không có những người bán dạo trên bãi biển. Cứ như mọi thứ đi ngược thời gian. Hay đúng hơn, có những dòng chảy ngược xuôi thời gian đan xen vào nhau. Vì tôi chìm trong một cảm giác mới lạ khác khi nghe xôn xao quanh mình không chỉ là tiếng Ba Lan,tiếng Việt, mà cả tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... Mười năm trước, bức tranh ngôn ngữ đơn điệu hơn nhiều. Và giữa những dòng ngược xuôi thời gian ấy, tôi luôn tròng trành trong cảm giác lạ mà quen, quen mà lạ, vừa là trở lại vừa là ra đi.

Ngày trở về, tàu lại băng qua những cánh đồng và những bình nguyên giờ đây ngập nắng, những rừng bạch dương lấp lánh thân bạc, những trảng cỏ xanh miên man có đàn bò sữa màu lông loang lổ trắng đen... Giữa không gian tươi sáng ấy, tôi ngỡ ngàng nhận ra các nhà ga trông vẫn tồi tàn và cũ kỹ làm sao, không khác gì hơn mười năm trước. "Ga nhỏ ồn ào, hồi hộp nỗi riêng chung / Ta sẽ nhớ khung cảnh này mãi mãi."(*) Những sân ga lưu giữ bao ký ức nhọc nhằn của người Việt trên mảnh đất Ba Lan một thời đã xa, những sân ga bao giờ cũng khiến sống mũi như cay, bất chấp bao thay đổi của cuộc sống, của thời đại, như đã vĩnh viễn dừng lại ở một điểm nào xa lắc trong quá khứ. Và một lần nữa, tôi lại thấy mình đang trở về trong chuyến đi xa.

Vì những chuyến đi xa luôn là sự trở về.


---

(*) thơ B.Kornilov,Thụy Anh dịch



1 comment:

Anonymous said...

những rung động đặc biệt trong những bối cảnh tưởng như bình thường. tấm ảnh vừa động vừa tĩnh. tôi thích bài này. blog Lilia có sắc thái êm ả. [nsc]