Saturday, 27 December 2008

Nhìn tận mắt

(Bài phỏng vấn Ryszard Kapuściński của báo Rzeczpospolita, do Krzysztof Masłon thực hiện vào tháng 10 năm 2004, nhân dịp xuất bản cuốn sách "Du hành cùng Herodotus" của ông.)

Krzysztof Masłon: Điều gì đã thôi thúc ông viết „Du hành cùng Herodotus”? Chúng tôi đã mong đợi một cuốn sách hơi khác, về châu Mỹ La tinh chẳng hạn, hay về quê hương Pinsk của ông. Vậy mà ông lại đưa bạn đọc trở về thời đại cách đây 2500 năm.

Ryszard Kapusciński: Xin đừng quên tôi vốn học ngành lịch sử, vậy nên không có gì là lạ khi tôi quan tâm đến tương lai và quá khứ (như với Herodotus) trên tư cách của một nhà sử học. Việc viết cuốn sách này khiến cho tôi rất mãn nguyện: giờ đây tôi vượt qua các biên giới về thời gian vói không kém phần ham thích như trước kia tôi đã vượt qua các biên giới về không gian. Mà cuốn „Sử ký” của Herodotus lại là một tác phẩm văn học lớn và chưa được đánh giá đúng mức.

KM: Chưa được đánh giá đúng mức? Các nhà sử học nghiên cứu về thời cổ đại vẫn thường xuyên trích dẫn trước tác này...

RK: Bởi vì họ chỉ nhìn thấy trong „Sử ký” của Herodotus nguồn thông tin về châu Âu và thế giới thời đó. Trong khi đó, đây là một tuyệt tác văn học, một tác phẩm văn xuôi lớn đầu tiên của châu Âu. Trước đó chỉ có sử thi, trường ca, các vở bi kịch, chứ không có văn xuôi! Mà lại là một áng văn thật tuyệt. „Sử ký” có kịch tính đặc sắc, diễn biến tâm lý tuyệt vời, mang những giá trị nhân chủng học lớn lao và được viết rất tuyệt.

KM: Có thể hiểu rằng khi gợi lại chuyện về Herodotus, ông đồng thời cũng đưa ra hình ảnh của chính mình – một phóng viên trẻ lần đầu tiên đi ra nước ngoài: đến Ấn Độ và Trung Quốc vào giữa thập niên 50, để rồi không lâu sau đó là sang châu Phi và hiểu về nó đến tận gan ruột, điều mà cuốn „Gỗ mun” của ông đã cho thấy.

RK: Để chuẩn bị viết cuốn sách này, tôi đã thu thập 140 bài báo. Khoảng mười mấy bài nói về chính Herodotus, người mà chúng ta thực sự biết đến rất ít, với nhiều giả thuyết hơn là những điều chắc chắn. Tôi không muốn viết một cuốn sách tương tự, nhất là khi tôi thấy điều đó không cần thiết. Tôi muốn đi một con đường khác, hồi tưởng lại những ngày đầu trong nghề phóng viên của mình, những điều mà tôi chưa bao giờ kể. Và tôi nhớ lại mình đã cùng „Sử ký” đi khắp thế giới như thế nào, cái thế giới bỗng nhiên mở ra trước mặt tôi, tôi đã đọc Herodotus và say mê ông như thế nào...
Sau ngày 11.9.2001, thế giới trở nên quan tâm nhiều hơn đến ... thế giới. Và tôi không giấu diếm là còn có một lý do nữa để tôi viết „Du hành cùng Herodotus”. Bởi vì người ta bắt đầu hay gọi điện cho tôi và đề nghị tôi bình luận về những vấn đề của châu Á, Iraq, đạo Hồi. Họ mời tôi dự các hội thảo, các cuộc phỏng vấn. Vài tháng trôi qua, tôi không viết được một chữ nào cả. Thời gian cứ trôi nhanh mà việc viết lách của tôi thì dậm chân tại chỗ. Tôi tự nhủ: „Đủ rồi”, và từ đó khi người ta hỏi tôi đang làm về vấn đề gì, tôi nói „Về vùng Cận Đông”. „Cái đó thật thú vị!” Nghe họ đáp vậy, tôi liền nói thêm rằng đó là vùng Cận Đông của 2500 năm trước. „Ồ, vậy thì thôi, chúng tôi xin cảm ơn”. „Không có chi”.

KM: Vậy có nghĩa là „Du hành cùng Herodotus” thực chất được hình thành từ sự „ngoan cố’?

RK: Có một chút như vậy. Nhưng với riêng tôi – là sự khám phá vẻ đẹp mới mẻ của những áng văn này. Nó rất sâu sắc, nó có một ngôn ngữ rất đẹp, thậm chí sáng chói, làm cho tôi hoàn toàn chìm đắm vào „Sử ký” và khám phá nó một làn nữa cho chính mình.

KM: Trong một chừng mực nào đó thì ông đã viết cuốn sách về Herodotus.

RK: Câu hỏi ở đây là: trong chừng mực nào? Đây là „Du hànhcùng Herodotus”, chứ không phải „Herodotus”. Đã có nhiều tư liệu người ta viết về ông, ngày nay chúng có thể đã trở thành xưa cũ rồi, nhưng đó là chuyện khác. Bởi vì môn khoa học lịch sử đã thay đổi. Trước đây chỉ cần đọc 2-3 cuốn sách giáo khoa lịch sử là người ta có thể nói rằng mình biết hầu như đủ. Bây giờ, để biết về quá khứ, cần phải thực sự đi sâu vào nó, vì có không biết bao nhiêu trường phái, bao nhiêu lý thuyết khác nhau, và càng ngày càng nhìều những dòng mạch mới, đòi hỏi người ta phải biết cách chuyển động trong cả cái đám bụi rậm ấy. Và khi đó chúng ta thấy khoa học trở nên phong phú, hấp dẫn lạ thường. Tôi đã có nỗ lực này, trong khả năng của mình.

KM: Điều gì trong „Sử ký” làm ông chú ý trước nhất?

RK: Sự tôn trọng người khác của tác giả và sự khiêm tốn đối với độc giả. Herodotus luôn trăn trở để làm sao có được nhiều kiến thức nhất và truyền đạt nó lại cho các thính giả của mình. Thời đó khả năng đọc và viết còn rất hạn chế, mọi thứ đều được truyền khẩu. Herodotus nói về „Sử ký” cho các học sinh của mình nghe và nhận tiền của họ. Vậy ông phải tìm cách tập trung sự chú ý và làm cho người nghe quan tâm, nếu không họ sẽ không trả tiền. Do đó „Sử ký” phải cuốn hút. Và nó đúng là như thế! Cuốn sách đầy các giai thoại hấp dẫn ẩn chứa những suy ngẫm sâu sắc và quan trọng. „Sử ký” viết với tinh thần dành cho người địa phương, vì Herodotus khi đó giảng cho những người địa phương rằng họ không phải là những người duy nhất hay quan trọng nhất, rằng thế giới rất phong phú, muôn màu muôn vẻ. Herodotus đã mở rộng tầm nhìn của con người. Chính ông là người đầu tiên mang đến cho tư duy của con người khái niệm „toàn cầu”, có thể nói rằng ông là nhà toàn cầu hoá đầu tiên.

KM: Có bao giờ ông bắt gặp ở Herodotus sự dối trá?

RK: Nói về sự dối trá ở đây là không thích hợp, có lẽ là sự nhầm lẫn hay thiếu hiểu biết thì đúng hơn. Những phát hiện của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khảo cổ học, vẫn luôn xác nhận những ghi chép của ông, thường là rất chính xác. Bởi vì Herodotus luôn kiểm chứng những gì nghe được nếu ông có thể. Khi ông nghe tin về kim tự tháp, ông đã vội vã đến ngay đó, trong cái nóng khủng khiếp, chủ yếu là đi bộ, để nhìn chúng tận mắt. Mà đó là hàng ngàn ki lô mét. Vào thời đó!

KM: Ông cũng đã kể về cái nóng kinh hoàng ở Khartoum, đến nỗi việc sang đường cũng trở thành không thể, chưa nói đến chuyện đi tiếp xa hơn. Ông có bao giờ nghĩ rằng trong các điều kiện như vậy tốt nhất là không cần kiểm chứng thông tin làm gì cho mệt, cứ để cho trí tưởng tượng hoạt động một chút?

RK: Không bao giờ, bởi vì đó sẽ là dấu chấm hết của tôi, với tư cách một phóng viên. Hơn nữa, với điều kiện thông tin liên lạc ở châu Phi vào những năm 60, phương pháp duy nhất để kiểm tra những gì đang xảy ra là đến tận nơi. Bên cạnh đó, đặc điểm của tất cả, tuyệt đối tất cả các thông cáo chiến tranh là sự dối trá. Mọi bên tham chiến đều nói dối, một cách rất vô liêm sỉ. Một nhà sử học người Anh viết sách về cuộc chiến Ả rập – Israel năm 1972, sau khi tổng hợp thông tin của cả hai bên, đã chỉ ra rằng con số thiệt hại được đưa ra lớn gấp 3 lần hiện trạng của các quân đội tham chiến. Ví dụ người ta nói về con số 600 chiếc xe tăng bị tiêu huỷ, mặc dù tổng số xe tăng của cả hai bên chỉ là 260.
Một cuốn sách quan trọng khác là „The First Casualty” của bạn tôi, cũng là nhà báo, Philip Knightley, nói rằng nạn nhân đầu tiên của chiến tranh chính là sự thật. Tác giả đưa ra một biên niên sử các sự kiện từ cuộc chiến Krym (cuộc chiến Nga Thổ 1853-1856 – ND) đến chiến tranh Việt Nam, đối chiếu những gì xảy ra với những gì người ta viết. Và bức tranh của mỗi cuộc chiến tranh đều là sự xuyên tạc thực tế. Hành động đầu tiên của mọi tướng lĩnh và mọi bộ tham mưu là cắt đứt truyền thông, cấm các nhà báo, vì họ có thể kiểm chứng các thông cáo chiến tranh được đưa ra. Trong chiến tranh, cách duy nhất để kiểm tra thông tin là tự mình kiểm tra ngay tại trận. Và tôi đã làm như vậy không ít lần. Bằng chứng duy nhất về sự thật của những lời tôi nói chính là bản thân tôi và sự có mặt của tôi – tôi đã ở đó và đưa tin từ đó. Còn nếu nói về trí tưởng tượng, thì hiện thực hấp dẫn hơn rất nhiều bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào.

KM: Tôi nghĩ rằng có tồn tại ranh giới của sức chịu đựng của con người, sự sợ hãi trước hiểm nguy, nỗi khiếp sợ cái chết. Và người phóng viên, từ thời Herodotus, phải vượt qua được những điều này.

RK: Có những chuyện người ta làm vì chính mình. Không ai ép buộc anh ta cả. Thậm chí trong nghề nhà báo cũng không có sự ép buộc phải làm phóng viên, có thể làm các công việc khác, thậm chí có thể không rời khỏi bàn giấy. Có những chuyên ngành không đòi hỏi nỗ lực hay rủi ro. Nhưng luôn không thiếu những người say mê công việc này. Điều này không thể định nghĩa bằng những khái niệm vật chất hay bằng lý trí.

KM: Trong trường hợp của ông, những trải nghiệm của một phóng viên đã được viết thành nhiều cuốn sách, mà trước đây người ta xếp vào thể loại văn học hiện thực.

RK: Có nhiều thứ đã thay đổi, hầu như là tất cả. Hiện nay người ta không muốn đăng các phóng sự trên báo nữa, họ rút ngắn chúng tối đa. Một hình thức khác đã thắng thế, ngắn gọn hơn, mang tính chất truyền đạt thông tin nhiều hơn, còn các phóng sự thì tìm thấy mình trong văn học. Ví dụ, đây là năm thứ hai tôi cùng với Gunter Grass là những người chủ trì danh dự của Lettre Ulysses Award, giải thưởng của nhà xuất bản Đức „Lettre Internationale”, được gọi hơi quá một chút là giải Nobel của các phóng viên. Trị giá của giải thưởng này vượt quá 100.000 Euro, năm ngoái được trao cho Anna Polikowska cho các phóng sự từ Chechen. Năm nay, tôi sẽ trao giải lần thứ hai. Và tôi khẳng định rằng trong số các ứng cử viên cho Lettre Ulysses Award không có một nhà báo nào đang làm việc ăn lương cho một tờ báo hay hãng thông tấn nào.

KM: Tất cả họ đều hoạt động độc lập?

RK: Đúng vậy. Họ có những nhà xuất bản riêng, chu cấp kinh phí cho những chuyến đi của họ, hoặc là họ tự tìm được các nhà tài trợ. Họ đi khắp thế giới và viết sách, đăng các trích đoạn lên các tạp chí. Nhưng không ai làm công ăn lương cả, mặc dù rất nhiều người trong số họ bắt đầu sự nghiệp bằng công việc ở các toà soạn, nhưng họ chạy trốn khỏi đó ngay khi được đôc lập về tài chính. Thể loại mà chúng ta gọi là „văn học phóng sự”, trong tiếng Anh là „letter journalism” hay „new journalism” đã hoàn toàn thoát ly khỏi nguồn gốc ban đầu của nó là báo chí.
(Thái Linh lược dịch)

2 comments:

Anonymous said...

Mình mới đọc xong cuốn sách này thôi. Lục Google thì thấy bài dịch này (do bạn dịch?). Cảm ơn rất nhiều.

Thái Linh said...

Đúng là mình dịch :) Rất cảm ơn bạn đã thích quyển sách.