Saturday, 27 December 2008

Lapidarium VI




Lapidarium (tiếng latin – lapidarius) nghĩa là nơi trưng bày và cất giữ nhưng bộ sưu tập đá tự nhiên cũng như các tác phẩm điêu khắc bằng đá (tượng, bia mộ, tương đài) được khai quật từ các di tích.

Lapidarium cũng là tên một bộ sách 6 cuốn của Kapuściński bao gồm: Lapidarium (xuất bản năm 1990), Lapidarium II (1995), Lapidarium III (1997), Lapidarium IV (2000), Lapidarium V (2001) và Lapidarium VI (2007).
Lapidarium là một thể loại riêng do Kapuściński sáng tạo ra. Ông viết về nó như sau:
„Năm 1981, khi tình trạng thiết quân luật được ban hành, tôi đang làm việc tại tuần báo „Văn hóa. Vì toàn bộ tòa soạn thuộc Công Đoàn Đoàn Kết, tờ báo bị đóng cửa. Sau 3 tuần, người ta tiến hành các cuộc thẩm tra, nhưng tôi không tham gia. Chúng tôi cho rằng đó là việc bất hợp pháp, vì thế chúng tôi bị đuổi việc. Trong chứng minh thư của tôi vẫn luôn có mục ghi rằng tôi bị sa thải vào các năm 1981-1982. Lúc đó tôi thất nghiệp, tôi suy tính xem mình phải làm gì. Tôi từ chối các chuyến xuất ngoại vì khi ấy tôi không muốn xuất bản ở bất cứ đâu. Do đó, sự nghiệp phóng viên của tôi xem như kết thúc. Trước đó tôi đi nước ngoài, trở về, rồi lại một đề tài tiếp theo, lại một miền đất khác trên thế giới. Còn bây giờ không có gì cả, trống rỗng, kết thúc. Trong hoàn cảnh ấy tôi bắt đầu viết những ghi chép khác nhau, cho sự cân bằng tâm lý và sức khỏe của riêng mình. Điều này dần dần mang đến cho tôi một khái niệm – tôi thích nhất hình thức viết những đoạn ngắn. Con người không suy nghĩ bằng những câu chuyện. Tư duy của chúng ta bị phân ra. Trong giây phút này chúng ta nghĩ về một điều, vài giây sau chúng ta đã nghĩ về điều hoàn toàn khác. Tư duy của chúng ta là những đoạn ngắn. Các đoạn viết trong Lapidarium là biểu hiện của quá trình này. Lapidarium là những đoạn văn được viết một cách ngẫu nhiên trong các trường hợp rất khác nhau – đó là một thể loại văn ngẫu hứng. Loạt sách „Lapidarium” là một dòng chảy riêng, không liên hệ gì với các cuốn sách khác của tôi. Đôi khi đó là các trích dẫn, đôi khi là các mẩu đối thoại, phát ngôn của ai đó. Đây là một tập hợp tự do của những sự việc rất khác nhau, bởi vì như tôi đã nói, tư duy của chúng ta là thế - phong phú, không được sắp xếp, thường là rất rời rạc, không liên kết. Đó chính là kỹ thuật và hìnht hức của „Lapidarium” (...) „Lapidarium” có độc giả riêng của mình – những người yêu thích hình thức ghi chép này đôi khi giở cuốn sách ra – đó là cuốn sách có thể mở ra ở bất cứ trang nào và ngừng đọc ở bất cứ đâu.“

Một số trích đoạn trong Lapidarium VI:
Tôi đã mất nhiều công sức nhất khi miêu tả một bóng cây đổ xuống, miêu tả sự im lặng của dòng sông chảy qua sa mạc Sahara. Nhưng các nhà phê bình không chú ý đến những hình ảnh ấy. Họ chỉ quan tâm tới chính trị, xã hội, kinh tế.
*
Chúng ta thường không nhận thấy người khác, và những người khác không nhận thấy chúng ta. Chúng ta – như nhân vật chính trong tiểu thuyết của Ralph Ellison – là vô hình đối với nhau.
*
Qui trình luôn lặp lại: Cam-pu-chia, Sierra Leone, Congo, Sudan: trước tiên tội ác được phép xảy ra, rồi sau đó mới có các động thái của cộng đồng quốc tế. Không có trường hợp nào mà bên ngoài can thiệp vàp ngay trong lúc họ đang giết người, và người ta luôn dùng lý do „thiếu bằng chứng” để biện minh cho sự thờ ơ ấy.
*
Đề tài vô tận: truyền thông và chính trị. Eward Luce trong „Financial Time” số ra ngày 20.4.2002 đã lưu tâm đến ảnh hưởng của truyền thông lên cách hành xử của các nghị sỹ quốc hội ở Ấn Độ. Khi các camera TV đang quay – các nghị sỹ kêu gào, nổi giận, chặn họng nhau, tranh nhau nói, họ muốn tỏ ra mình đang đấu tranh cho quyền lợi của các cử tri. Khi các máy quay được tắt đi, không khí trong phòng trở lại bình thường, thậm chí là thân ái.
*
Trong „Tự truyện” của Jorge Borges (Adam Elbanowski dịch), Borges viết về những quyển sách tồi mà ông viết thời trẻ: „Hôm nay tôi đã không còn cảm thấy day dứt vì sự thiếu chừng mực ấy: những quyển sách ấy là do một người khác viết”. Và tiếp theo: „ Tôi không cảm thấy có mối liên hệ nào với gã trai trẻ tuổi kiêu ngạo và có phần cứng đầu cứng cổ là tôi ngày ấy”. „Dùng cách viết tinh vi rắc rối là sai lầm và cái lỗi này bắt nguồn từ sự hợm mình. Tôi tin chắc rằng viết hay đòi hỏi phải giản dị.”
*
Thời tiết đẹp. Bầu trời trong sáng. Đã có màu xanh lá, nhưng màu xanh ấy vẫn còn bẽn lẽn, mong manh, trong suốt, màu xanh trên những đôi chân mảnh mai.
*
Gặp nhà xuất bản Tây Ban Nha – Jordi Nadal. “Tôi thích nói nhiều thứ tiếng – ông nói – vì trong mỗi ngôn ngữ người ta suy nghĩ khác nhau về thế giới, nhìn và miêu tả thế giới khác đi. Khi đó bức tranh thế giới phong phú và giàu có hơn.”
Không biết là thời đại gì đây: người ta phát cho tôi tờ rơi quảng cáo học tiếng Tây Ban Nha. Un idioma para mercados en crecimento (ngôn ngữ dành cho các thị trường đang phát triển). Vậy là không phải ngôn ngữ của Cervantes, Garcia Lorka, Ortega y Gasset, mà là ngôn ngữ dành cho thị trường!
*
Ngay cả một chuyến đi ngắn, dù là đi đâu đó rất gần trong vài giờ cũng lay động trong tôi nhịp điệu của việc viết lách, nó như một viên đá ném xuống mặt nước lặng. Các vòng sóng trên mặt nước lắng xuống rất lâu, và biến mất còn lâu hơn nữa.
*
Cách mạng hủy diệt và làm thay đổi. Nhưng không bao giờ đến cùng, hoàn toàn, triệt để. Bởi vì cái cơ cấu trước thường tạo ra và để lại những kho tàng vật chất và văn hóa lớn đến mức hệ thống mới quá yếu để có thể xóa sổ và vô hiệu nó hoàn toàn.
*
Đặc điểm nền văn minh của chúng ta? Sự mong manh và quên lãng.
*
Có tồn tại một thứ như là nhu cầu, như là cái đói được nhìn thấy bức tranh thiên nhiên, đồng cỏ, khu rừng, ngọn đồi, con đường làng, hàng cây ven đường, trảng đất trống, tóm lại là những gì chúng ta không có ở thành phố. Tôi cảm nhận được điều này khi đi tàu từ Vác-sa-va xuống Cracow. Tôi mang theo một cuốn sách về Hy Lạp để đọc dọc đường, cuốn sách quan trọng mà tôi chỉ mượn được không lâu, nhưng nào có đọc được! Tôi ngồi bên cửa sổ và nhìn chăm chú những phong cảnh lướt qua. Không có chuyện gì xảy ra hết. Những cái cây lướt qua trước mặt tôi trong một chuỗi lặng im. Bức tranh được ánh nắng sớm gay gắt chiếu sáng. Đó là cuối tháng ba, vẫn còn băng giá, nhưng đã cảm thấy được mùa xuân đang đến gần.

(Thái Linh dịch và giới thiệu)

No comments: