Saturday 27 December 2008

Kapuściński, sứ mệnh - phóng viên

Paolo Rumiz

Kapuściński không phải là khách trọ của các khách sạn lớn, ông du hành cùng với những người nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ. Ông chia sẻ với họ nỗi sợ hãi và cái đói. Ông bị đe dọa thiêu sống, ném đá, bắn chết. Ông đã chiến thắng căn bệnh sốt rét não hiểm nghèo và bệnh lao phổi. Bất cứ nơi nào ông đến, ông đều trở thành một phần của cái thế giới mà ông viết về nó.


Ở ngay trên tuyến đầu.


Nhưng ông yếu ớt thế kia mà! Khi gặp ông lần đầu tiên vào tháng 1 năm 1999 ở sân bay Zurich, tôi cứ ngỡ mình lầm người. Sau khi đọc các phóng sự của ông, tôi hình dung ông phải to lớn như Indiana Jones. Lúc nhìn thấy cái người có ánh mắt ngơ ngác bước những bước không vững đang tách ra khỏi đám đông, để chắc chắn rằng đó là ông và để không đón nhầm người, tôi phải kín đáo liếc nhìn bức ảnh bìa sau cuốn sách tôi mang theo bên mình. Đây không thể nào là vị anh hùng đã trải qua cái lạnh bắc cực và bệnh sốt rét nhiệt đới - tôi nghĩ thầm – là con người đã tham gia vào hai mươi bảy cuộc cách mạng, đã đi hết châu Phi và Nam Mỹ chìm đắm trong chiến tranh, người đã trải qua băng giá của nước Nga xô viết và cuộc hồi sinh nóng bỏng của Hồi giáo.


Vậy mà đó chính là ông. Ryszard Kapuściński, tác giả „Gỗ mun” – cuốn sách về sức mạnh và những điểm yếu của lục địa châu Phi, tác phẩm được hình thành qua suốt 40 năm chu du. Tác giả của „Đế quốc” – chứng tích phi thường về sự tan rã của Liên Bang Xô Viết. Chính là ông, người đã ghi lại một cách vô tiền khoáng hậu thất bại của Sa Ba Tư và quá trình lên nắm quyền của ayatollah Chomeini, nhà báo đã biết được những bí mật hoàng cung của vị vua Ethiopia cuối cùng. Kể được những câu chuyện hai ngàn năm của Herodotus người Hy Lạp và đưa nó vào thời nay. Kapuściński, một trong những nhà báo hiếm hoi trên thế giới còn có thể đến được các nơi không được ánh chớp đèn pha chiếu rọi, xa rời khỏi những thông tin chỉ nhằm gây sự chú ý của công chúng. Một con quỷ chứ không phải là người – tôi nghĩ khi ông đứng trước mặt lúc làm thủ tục hải quan. Sức mạnh của ông ẩn giấu ở đâu? Làm thế nào mà người đàn ông quê mùa này đã đến được những nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh và trở về với những cuốn sổ ghi chép đầy ắp các câu chuyện? Trong chuyến bay từ Zurich đến Milan tôi để ý thấy ông cảm ơn các cô chiêu đãi viên sau mỗi việc làm nhỏ nhặt nhất.


„Nghề của chúng ta phụ thuộc vào những người khác – ông cười, gần như xin lỗi vì sự lễ độ của mình. – Nếu anh không tôn trọng người khác, mọi cánh cửa sẽ đóng lại trước mặt anh.” Ông rất thoải mái vui vẻ, không hề thấy sự mệt mỏi sau hàng chục ngàn giờ bay mà ông có sau lưng. Ông không có khả năng chỉ trích người khác, một cách bẩm sinh. Ở Ba Lan người ta nói rằng thậm chí khi được hỏi „Ông nghĩ gì về Hitler?”, ông đã trả lời: „Đó không phải là một người tốt”.


Tôi còn gặp ông thêm ba lần nữa ở Vác-sa-va. Chúng tôi dạo bộ, lội trong tuyết ở một getto cũ, sau đó chúng tôi trò chuyện rất lâu trong căn gác đầy sách của ông, mỗi giá sách dành cho một châu lục. Tháng mười năm ngoái, khi ông thăm Ý lần cuối, tôi cùng ông đến Renon và Bolzano trong chuyến đi đến căn nhà nhỏ của Bronisław Malinowski, nhà nhân chủng học người Ba Lan đã đi chu du trên khắp các đại dương, các công trình của ông đã mang đến nền tảng cho phóng sự hiện đại.


Kapuściński muốn nhìn thấy nơi ấy, ông còn dự định lặp lại hành trình của Malinowski trên Thái Bình Dương. Đại dương là giấc mơ cuối cùng, là chân trời mong ước của ông. Ông khao khát một lần nữa được đốt những chiếc cầu sau lưng. Đi thật xa, xa tuyệt đối, nơi không ai biết ông, nơi không có các hội nghị và những cuốn sách đang chờ ông ký tên. Ông nghiêng người nhìn xuống đồi Isarco, ngắm dòng sông đang cuộn sóng ở tám trăm mét phía dưới. (...) Ông quan sát tất cả với sự chăm chú đặc biệt, nhìn thấy những điều mà người khác không nhận ra. Ông hạnh phúc vì thoát khỏi những cuộc gặp gỡ trang trọng và sự nổi tiếng. Những thứ ấy đối với ông là nhà tù.


Đồng cỏ, những chiếc lá đỏ tía, những cây táo, cây dẻ, ngôi nhà thờ xinh xinh của Đức Mẹ Xuống Tuyết.


Phía xa là những căn nhà nhỏ từ những năm hai mươi và toàn cảnh Thụy Sỹ.


Xung quanh là dấu ấn của những nhân vật tên tuổi đã đến nghỉ ở đây – Mahler, Kafka, Freud.


Phong cảnh không cho người ta viết, ông nói. Cái đẹp làm mất tập trung. „Tốt hơn là nhốt kín mình trong bốn bức tường, như các thầy tu. Không có phong cảnh nào hết. Không có sự mời gọi nào. Một mình với những hồi tưởng của mình. Cervantes viết Don Quixote trong tù, phải không? Tôi thì cố thủ trong căn gác xép của mình ở Vác-sa-va.” (...)


Ông bước đi và nói: “Bach đi bộ qua một nửa nước Đức để gặp thầy của mình. Herodotus đi sáu ngàn ki lô mét để kiểm nghiệm một chi tiết của lịch sử. Ngày nay chẳng ai làm những việc tương tự nữa. Vì sao? Cái sự trống rỗng này, chính các bạn cũng cảm thấy nó. Các bạn có internet, phải không? Nhưng cái đó không đủ cho các bạn, vì các bạn biết rõ rằng mình đang bị lừa phỉnh. Các bạn tìm những công cụ truyền thống. Các bạn cần những nhân chứng của lịch sử như tôi.”


Ryszard quan sát từng sự vật. Cái vựa đựng táo khô, những cái bao đựng hạt dẻ vừa thu hoạch, thậm chí cả đám phân bón. Ông di chuyển thận trọng, ông có cách kỳ diệu để giày không bị bẩn, như một chú bé khi đi đôi giày đầu tiên của mình. Tôi nhớ đến đôi dép ông đi trong căn gác xép của mình, rồi đến đôi giày dầm trong tuyết ở Vác-sa-va của ông. Những chiếc tàu điện với đèn nháy màu đỏ, những bước nhỏ của ông trong đám đông, những mảnh của cuộc sống đường phố, những quầy bán hoa, quảng trường.

“Tôi mua đôi giày đầu tiên cho mình năm hai mươi lăm tuổi – ông kể - Ở Pińsk hồi còn nhỏ tôi chỉ có dép rọ làm bằng sợi liễu.”


Đôi giày! Có gì tuyệt diệu hơn là được xỏ chân vào một đôi giày tốt, chọn một cái nghề để đi hàng ngàn ki lô mét với đôi giày ấy. Ước mơ này sinh ra từ mảnh đất quê hương ông,vùng mê cung sông nước Polesia nằm giữa Bạch Nga và Ukraine. Ông muốn trở lại nơi ấy, đi bộ, trở lại thế giới đã mất, kể về nó, để ký ức không biến mất. Một vùng nghèo khổ nhất châu Âu, toàn là sông và những làng nhỏ chỉ có thể đến được bằng thuyền. “Chúng tôi sống bằng cá, nấm, các loại dâu rừng. Nhưng chúng tôi là một cộng đồng lớn: người Do Thái, Litva, Ba Lan, Bạch Nga, Ukraine, Đức và Tắc-ta. Chính là ở đó tôi đã học được cách giao tiếp với Người Khác”.


Chúng tôi trở lại thung lũng. Ông nhìn qua cửa sổ, giở sổ ra và ghi chép, có Trời mới biết được ông viết gì. Tôi hỏi ông có muốn lên núi Alps nghỉ không. “Không – ông trả lời – tôi sẽ chán ngay sau ngày nghỉ đầu tiên”. Thế ở Vác-sa-va thì sao? “Vác-sa-va chỉ là nơi tôi nghỉ lấy sức và chuẩn bị cho chuyến đi mới”. Tôi gặng hỏi: những chắc ông cũng có một hòn đảo Ithaca nào đó của mình chứ? “Không, Odysseus lang thang khắp thế giới, nhưng mơ ước được trở về. Tôi thì không thể như vậy được. Định mệnh của tôi là lang thang. Tôi không có nơi trú ngụ. Tôi hành một nghề phá sức, nếu tâm huyết với nó thì không sống được lâu. Cần phải tự biết dừng lại. Nhưng không thể dứt nó ra được.” Chúng tôi đến nhà người bạn Francesco Comina ăn tối, bên kia dòng Talver chia Bolzano ra phần Ý và phần Đức, hơi giống như sông Netreva của Mostar. Trên bàn có rượu vang đỏ thơm ngon, tiếng nhạc nền, những tiếng trải bàn ăn vọng đến qua cửa sổ từ các căn nhà đặc trưng kiểu Ý lân cận. Phần Bozen của Đức hồ như xa xôi lắm. Phía trên mảnh sân nhỏ trước nhà là hình ngọn núi đen thẫm và ánh sáng đô thành, còn cao hơn nữa là các vì sao.


Chúng tôi đi bộ về qua sông. Ông mệt mỏi tựa vào thành cầu. Tin tức mới nhất nói về một cuộc tấn công quân đội Mỹ ở Iraq, nhưng nó không có ý nghĩa gì đối với ông. Ông nhìn xuống giày, cười một cách bất an: “Herodotus đã biết về Cận Đông cái điều mà người Mỹ ngoan cố không muốn hiểu. Ở đó không có một chiến tuyến, ở đó người ta tấn công rồi chạy trốn. Hai ngàn năm rưỡi trước vua Darius tin mình có thể chiến thắng người Scythia. Ông ta đứng trên thảo nguyên vô tận cùng với đạo quân vô dụng của mình trước kẻ thù bất khả lường. Bush vẫn chưa lĩnh hội được điều này.” Chúng tôi chậm rãi rời bước trong một đêm không trăng.


(Bài báo cảm động "Kapuściński - misione reporter" của nhà báo người Ý Paolo Rumiz đăng trên La Repubblica ngày 24.1.2007, một ngày sau khi Kapuściński mất. Thái Linh lược dịch từ bản tiếng Ba Lan.)

No comments: