Wednesday 7 January 2009

Du hành cùng một quyển sách

Nhị Linh
*
Cuối cùng thì một nhân vật đặc biệt xuất sắc của thế giới báo chí quốc tế thế kỷ hai mươi đã đến được với Việt Nam thông qua một tác phẩm rất nổi tiếng: “Du hành cùng Herodotus” (Nguyễn Thái Linh dịch từ tiếng Ba Lan, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn). Nhân vật đó tên là Ryszard Kapuscinski, chắc hẳn là người Ba Lan được biết đến nhiều nhất trên toàn cầu cùng với Lech Walesa và Karol Woltyla (tức Giáo hoàng Jean-Paul II). Và khi đọc “Du hành cùng Herodotus”, người ta có thể hiểu tại sao một nhà văn khó tính như Salman Rushdie lại từng dùng sự ngưỡng mộ để miêu tả Kapuscinski: “Nếu nghe nói về một con đường không ai đi nổi mà sống sót, ông sẽ đi vào đó, chỉ để xem mình có vượt qua được hay không” và nữa: “Một Kapuscinski đáng giá bằng một nghìn nhà văn làng nhàng chuyên rên rỉ và mơ mộng hão huyền”.

Vào năm 1964, Kapuscinski (khi đó 32 tuổi), được Hãng Thông tấn Ba Lan (PAP) cử làm thông tín viên nước ngoài duy nhất của hãng, điều đó có nghĩa là trong mười năm liền ông phụ trách đưa tin từ 50 nước. “Sở trường” của Kapuscinski là viết về các nước thuộc Thế giới Thứ ba, và không bỏ qua vụ việc lớn nào trong đời sống chính trị của các nước ấy. Trong “Du hành cùng Herodotus” ông kể lại vụ đảo chính đầy kỳ lạ ở Algeria; đang ở Dar es-Salaam, bỗng nhiên ông được vị đại sứ Algeria mời đến gặp để nói ông nên đi sang đất nước Bắc Phi, dù chưa hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cuộc đảo chính lớn. Thế nhưng Kapuscinski, tuân theo sự nhạy cảm nhà nghề của một thông tín viên chuyên nghiệp, đã trở thành chứng nhân của cuộc đảo chính lật đổ “bạo chúa” Ben Bella để đưa Boumedienne lên nắm quyền tại Algiers, “thành phố lớn, đầy nắng, trải ra bên bờ vịnh rộng hình vòng cung” (tr. 286).

Rồi Iran của cuộc cách mạng Hồi giáo dưới sự đứng đầu của “ông già cứng rắn và nguy hiểm” Ayatollah Khomeini (tr. 189) năm 1979, khi mà Kapuscinski ở Tehran để theo dõi và viết về những tuần lễ cuối cùng của các vị Shah Hồi giáo. Tất nhiên không thể bỏ qua Uganda, Congo, Ấn Độ, Trung Quốc và rất nhiều nơi nữa, mà “Du hành cùng Herodotus” đã kể lại một phần (rất nhỏ so với hàng chục năm không dừng chân của một phóng viên quả cảm, dĩ nhiên!).

Theo tổng kết, khi quay về sống ở Ba Lan cuộc đời Kapuscinski đã trải qua 27 cuộc cách mạng hoặc đảo chính, 40 lần bị nhốt vào tù, và sống sót qua bốn án tử hình. Một cuộc đời phiêu lưu như vậy dĩ nhiên làm người ta cảm thấy bị cuốn hút, và quả thực là một điều vô cùng hiếm có của thời chúng ta sống ngày nay, khi mà phương tiện đi lại thuận tiện cũng đồng nghĩa với các hiểm họa trên con đường du hành giảm đi đáng kể. Nhưng không chỉ có vậy, con người văn hóa của Kapuscinski cũng khiến ông tìm thấy vẻ đẹp của sự nhiệt hứng ở những giọt mồ hôi đầm đìa trên cơ thể Louis Armstrong khi nhạc sĩ tài danh đến biểu diễn ở Khartoum (Sudan) năm 1960 trước một nhúm người cùng màu da với ông nhưng gần như không được hoan nghênh (tr. 159-161).

Thế nhưng, điều thực sự làm nên giá trị văn học cho “Du hành cùng Herodotus” nằm ở cái nhân vật vô hình nhưng lúc nào cũng ở bên cạnh nhà phóng viên kể từ đầu sự nghiệp quốc tế: sử gia Hy Lạp cổ đại Herodotus. Quyển “Sử ký” của Herodotus là món quà tặng của vị tổng biên tập cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Kapuscinski (sang Ấn Độ) và sẽ luôn ở bên cạnh ông. Trong “Du hành cùng Herodotus” ông đã viết như thế này: “Khi ấy ở Congo, những câu chuyện Herodotus kể cuốn hút tôi đến mức nhiều khi tôi sống trong nỗi kinh hoàng của trận chiến giữa Hy Lạp và Ba Tư nhiều hơn là của cuộc chiến tranh Congo đang diễn ra mà tôi là thông tín viên này” (tr. 212). Kapuscinski thuộc vào hạng người ấy: cuộc du hành thực tế trong cuộc đời luôn song song với một cuộc du hành vô hình, trong tâm trí, một bên thì đi xuôi thời gian, còn bên kia thì đi ngược. Kapuscinski đọc Herodotus để biết về lịch sử các miền đất mà mình đặt chân đến, nhưng đi kèm đó cũng là niềm khát khao được nhìn thấu đáo mọi điều, được mở rộng lòng mình cho những mới mẻ, được thông cảm với những con người không một chút giống mình.

Một điều đặc biệt nữa là trong “Du hành cùng Herodotus”, Kapuscinski đã thực hiện một phân tích hết sức tỉ mỉ phương pháp làm việc và bản thân con người của Herodotus, như ông cảm nhận khi đọc đi đọc lại các đoạn trong tác phẩm bất hủ về những sự kiện và con người xa xăm. Không chỉ học được thái độ làm việc nghiêm túc từ sử gia, Kapuscinski còn có thể đưa ra một hình dung về nhân vật rất ít được biết tới ngày nay, hay nói chính xác là viết một “hư cấu” về nhân cách Herodotus và đặt nó vào một cuốn sách phi hư cấu như “Du hành cùng Herodotus”. Tác phẩm của Kapuscinski, ngay lập tức, trở nên đa dạng và vươn lên một tầm cao của thể loại du ký rất thường xuyên bị biến thành những bản ghi chép phong tục rườm rà không mấy có ích cho sự hiểu của chúng ta với thế giới.

8 comments:

long said...

Cam on ban da dich cuon sach ra tieng Viet.
Xin cho biet lam the nao de co cuon sach do.
Pozdrawiam.
Long
ntlongn@yahoo.com

Thái Linh said...

Cảm ơn bạn Long. Chắc bạn cũng đang ở Ba Lan phải không?

Sách phát hành ở Việt Nam bạn ạ, mình nghĩ ở các hiệu sách đều có.

HoanLe said...

[VNSA]- Thai Linh oi :), cam on nghen, nghe gioi thieu ve quyen sach that la hay qua.

Linh cho biet lam sao de mua duoc quyen sach va co chu ky cua tac gia di :).


Hoan Le
hoanlev@gmail.com

Thái Linh said...

Cảm ơn HoanLe :)

Sách có thể mua ở VN bạn ạ. Tác giả qua đời rồi, nên không thể ký tặng bạn được. Còn dịch giả thì rất hân hạnh được ký tặng, nhưng mình đang ở Ba Lan. Bạn có ở Ba Lan không? :)

HoanLe said...

Chi. Thai Linh oi,

Hoan o Virginia! Vay lam sao de duoc chu ky cua dich gia :).

Chi. cho biet cach de mua duoc sa'ch va co' chu~ ky cua chi nghen.
Cam on chi. truoc.

d/c email cua Hoan: hoanlev@gmail.com

ihnnav said...

Em đang đọc dở quyển sách này. Thấy rất thích vì, có lẽ, ước mơ du hành không có điều kiện thực hiện.

Cám ơn chị đã dịch.

Thái Linh said...

@ihnnav: cảm ơn bạn đã đọc và đã thích :)

Anonymous said...

Mình đã vừa nghiền ngẫm xong cuốn sách thú vị này, ấn tượng nhất câu "Con người ngừng ngạc nhiên là người trống rỗng, trái tim đã lụi tàn. Người cho rằng mọi thứ đã xảy ra và không gì có thể làm anh ta kinh ngạc được nữa, trong anh ta điều đẹp đẽ nhất đã chết - lòng say mê cuộc sống..."
Cuốn sách này mình tò mò đọc cũng phần nào vì những địa danh được nêu ở những trang giới thiệu, và ngay ở vỏ bìa sách như Ấn Độ, Trung Quốc, Phi châu đều là những nơi mình từng ghé thăm vài lần... mình từng ghé vào những đền đài cung điện lộng lẫy nhất, và cũng từng ra bờ sông, bờ biển tận mắt chứng kiến những người dân nghèo vật lộn, mưu sinh, oằn lưng kéo lưới, cũng vào tận trong lều những gia đình nghèo, có cả người nhiễm HIV.. v.v.. mình thấy hơi tiếc là tác giả dường như chưa lột tả hết được sự phức tạp của những nền văn hoá đó... có lẽ ông chủ ý giữ lại một phần nào đó sâu kín cho riêng ông... :-)
cảm ơn dịch giả Thái Linh đã dành nhiều công sức giới thiệu cho bạn đọc ko biết tiếng Ba Lan tác phẩm đặc sắc này....
vừa lúc đọc xong, mình lại mới có kế hoạch thăm lại Ấn Độ, lần này ngoài một vài địa danh đã tới, mình dự định ghé thăm một ngôi làng nhỏ... ôi, cuộc đời xê dịch...
chúc TL dồi dào sức khoẻ....để đem về cho người đọc thêm nhiều bất ngờ nữa nhỉ ?