Sunday 4 January 2009

Nước Nga buồn thảm

Richard Pipes (nhà sử học, chính trị học, Xô-viết học người Mỹ, cố vấn của tổng thống Ronald Reagan. Bài đăng trên tuần báo Wprost (Ba Lan) số ra ngày 21-28/12/2008. Thái Linh dịch)

Xưa kia, Gogol đọc những chương đầu tiên của „Những linh hồn chết” cho Pushkin nghe. Nhà thơ thường ngày hay cười, khi nghe tác phẩm của Gogol, trở nên mỗi lúc một buồn bã hơn. Khi nhà văn ngừng đọc, Pushkin thở dài và thốt lên: „Lạy Chúa, nước Nga của chúng ta mới buồn thảm làm sao!”

Tôi nghĩ đến cảnh tượng từ đầu thế kỷ XIX ấy khi theo dõi các sự kiện ở Nga. Vì đâu một dân tộc như dân tộc Nga, tài năng trong văn học, nghệ thuật và khoa học, lại không thể tổ chức được cuộc sống xã hội để bảo đảm cho mình sự ổn định và một nhà nước pháp quyền? Tại sao người Nga che giấu hết cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, bù đắp cho điều đó bằng sự khinh mạn và khủng bố các nước láng giềng? Thật là một vở kịch thương tâm. Đã 17 năm trôi qua từ khi Liên Xô sụp đổ. Các nước Đông Âu, sau khi thoát khỏi sự kìm kẹp của Nga, đã xây dựng được những nhà nước dân chủ dù ít dù nhiều và hòa nhập vào cộng đồng châu Âu. Họ biết họ thuộc về cái gì. Chỉ có nước Nga là vẫn không biết.

Theo các điều tra dư luận, người Nga chối bỏ lối sống và các giá trị phương Tây. Trên phương diện chủng tộc và tôn giáo, họ không thuộc thế giới Hồi giáo hay Phật giáo phương Đông, họ khẳng định rằng họ muốn đi theo con đường riêng của mình, mặc dù họ không xác định được con đường đó là gì. Vì vậy họ rơi vào tình trạng tự cô lập, không biết tìm cho mình một chỗ đứng trong gia đình các dân tộc toàn thế giới.

Những người lãnh đạo nước Nga – phần lớn là các cựu quân nhân cảnh sát chính trị xô viết – ý thức được sự vô vọng của nền kinh tế cộng sản và đã quay sang chủ nghĩa tư bản. Nhưng đấy là chủ nghĩa tư bản trong đó nhà nước kiểm soát các ngành kinh tế mang lại nhiều lợi nhuận, như dầu lửa và khí đốt, đồng thời tỏ ra không tôn trọng sở hữu tư nhân. Ví dụ như các hợp đồng với British Petroleum và Shell, bị cắt đứt với lý do không tuân thủ việc bảo vệ môi trường. Tài sản của Michail Chodorkovsky, chủ hãng Yukos, bị tịch thu trên cơ sở các cáo buộc gian dối về tội trốn thuế. Thực chất là các lý do chính trị.

Cả Putin lẫn Medvedev đều không được chuẩn bị cho các hậu quả của khủng hoảng tài chính thế giới. Cả hai đều cho rằng nước Nga được cách ly khỏi kinh tế thế giới như Liên Xô trước kia. Vì vậy họ cam đoan rằng họ kiểm soát được cuộc khủng hoảng là hậu quả sự thiếu thận trọng của người Mỹ. Nhưng họ không giải thích được cho nhân dân tại sao thị trường chứng khoán Nga sụt giảm 85%, mất nhiều hơn bất cứ thị trường chứng khoán nào khác trên thế giới. Họ không thể giải thích tại sao đồng Rúp mất giá. Nền kinh tế của họ, phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, đang bị đe dọa, khi mà trên thị trường quốc tế giá một thùng dầu tụt xuống dưới 70 USD. Các nhà lãnh đạo Nga đến bây giờ mới nhận thức được họ đã trả cái giá đắt như thế nào cho cuộc xâm lược Georgia, khi sau đó các nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Nga một số vốn trị giá gần 100 tỉ USD.

Trong lãnh vực chính trị tình hình cũng không khá hơn. Người Nga hoài nghi cho rằng mọi chính phủ đều do các chính khách chỉ biết chăm lo đến quyền lợi cá nhân lãnh đạo. Bởi vậy phần lớn dân Nga không quan tâm đến chuyện bầu những người lãnh đạo. Họ thấy các chính phủ chuyên quyền là phù hợp với mình. Những người lãnh đạo phải „mạnh mẽ, cương quyết và không khoan nhượng”. Putin và Medvedev đều tỏ rõ cho mọi người hiểu rằng họ không định xây dựng nước Nga thành một nước dân chủ. Họ lặp lại quan điểm của nữ hoàng Catherine II và Aleksandr II, rằng dân chủ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của nước Nga. Trong bài giảng ở Đại học Columbia, Mỹ vào năm 2003 Putin phản đối lại lời chỉ trích rằng ở nước ông ta không có tự do ngôn luận, viện lý lẽ là trong lịch sử của mình, nước Nga chưa từng biết đến thứ tự do này. Việc chính quyền hiện nay không ưa tự do ngôn luận đã khiến cho mười ba nhà báo dũng cảm dám chỉ trích chế độ phải trả giá bằng mạng sống. Cho tới nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Lệ chuyên quyền, đối với truyền thống phương Tây là cá biệt, lại được 2/3 dân Nga ủng hộ. Hậu quả của nó là sự tách biệt dân chúng khỏi các vấn đề của quốc gia. Có thể đặt câu hỏi nếu khủng hoảng chính trị nổ ra, người dân Nga có đứng lên giúp đỡ chính phủ hay không? Trong các thời điểm như vậy dân chúng rút lui vào cuộc sống riêng, để kệ cho chính phủ tự bảo vệ mình. Người ta đã có thái độ như thế ở Nga vào năm 1917 và năm 1991, khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, trong sự thờ ơ của nhân dân.

Khi người Nga nói họ muốn chính phủ phải „mạnh mẽ, cương quyết và không khoan nhượng”, ý họ cũng muốn nói đến chính sách ngoại giao. Khi hỏi rằng nước họ nên được nhìn nhận như thế nào trên trường quốc tế, gần một nửa số người được hỏi trả lời là „một nước hùng mạnh, bất khả chiến bại, một cường quốc của thế giới”. Chỉ có 3% trả lời là „nước yêu hòa bình và thân thiện”, và 1% là „nước pháp quyền và dân chủ”. Thái độ ấy của phần lớn xã hội lý giải sự nỗ lực đến mức ám ảnh của người Nga để xây dựng địa vị „cường quốc lớn” mà họ đạt tới đỉnh điểm trong chế độ Xô viết và đã đánh mất. Cũng chính vì lý do này mà phần lớn người Nga coi Stalin là lãnh tụ lớn nhất, và coi thường Kerensky và Yeltsin, những người đã cố gắng mang tự do đến cho họ. Tham vọng lớn nhất của các lãnh tụ là xây dựng cho nước Nga khả năng gây khiếp sợ và bắt người khác phải vì nể.

Mỗi năm chính sách ngoại giao của Nga một trở nên hung hãn hơn. Chính quyền phản ứng một cách giận dữ khi cảm thấy các mong muốn của mình bị lờ đi, như trong trường hợp Kosovo, Georgia hay các vấn đề hệ thống phòng chống tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Séc. (...) Có vẻ như mục đích chính của sự can thiệp vào Georgia là để quấy rối và làm mất thể diện nước Mỹ. Moscow muốn cho thấy – và họ đã thành công – rằng Mỹ không có khả năng cứu bất cứ một đồng minh nào trong „vùng ảnh hưởng đặc biệt” của Nga. Các nỗ lực của Nga để chia rẽ châu Âu và Mỹ cũng phục vụ cho mục đích này. Moscow thực hiện chính sách này thành công. Một phần là do sự phụ thuộc của châu Âu vào việc cung cấp năng lượng của Nga, phần khác vì sự ghen tị với vai trò chủ đạo của Mỹ trên thế giới mà các chính khách châu Âu – Berlusconi, Sarkozy và Merkel – đã chọn sự trung lập trong căng thẳng của Washington – Moscow. Nước Nga cảm ơn Liên Hiệp châu Âu vì đã không áp dụng với nước này các hình phạt cho cuộc xâm lược Georgia.

Chuẩn bị cho dân chúng trước sự sụp đổ giả tưởng của Hoa Kỳ, truyền thông Nga vẽ ra những bức tranh vui tươi cho nước mình, mà đến năm 2020 phải vượt qua Hoa Kỳ trong kinh tế và quân sự và có thể - cùng với Trung Quốc - thay thế siêu cường quốc đáng căm ghét này. Đồng Rúp sẽ phải trở thành ngoại tệ dự trữ chính, còn Moscow – thành thủ đô tài chính của thế giới. Khi đọc các dự báo như vậy, người ta có thể đặt câu hỏi liệu các tác giả có tin vào chúng không, hay là họ đang có mưu đồ. (...)

Tôi tin rằng để nước Nga không còn là một khó khăn cho chính mình và cho phần còn lại của thế giới, nó phải chọn ra được một chính phủ biết xóa bỏ những mộng tưởng siêu cường quốc, dồn công sức cho việc phát triển nền kinh tế quốc dân hiệu quả và nhà nước pháp quyền. Chính phủ ấy cũng phải từ bỏ sự tự cô lập và tiếp nhận một tiến trình theo phương Tây mạnh mẽ. Chính sách này không có cơ hội dưới trướng chính phủ của Putin – Medvedev. Có thể nước Nga cần một cú sốc mới để đương đầu với hiện thực.

7 comments:

Huecity Group said...

Bài viết thật tuyệt. Dân Nga đã quá tự mãn với thời kỳ XHCN coi mình là vô địch. Họ muốn người khác phải quỳ lạy và xin họ, chứ họ không muốn tự do dân chủ tiên tiến. Coi bộ dân Nga trong tương lai sẽ thua xa dân Việt Nam mình... Đúng là nước Nga buồn thảm thật.

Thay doi73 said...

Không phải bây giờ, mà ngay trong quá khứ nước Nga chưa boa giờ khuất phục các nước châu âu, mĩ.
Bác viết bài có lẽ mâu thuẫn với nước Nga bị kìm kẹp quá lâu nên đâm ra, mới bình luận với lời lẽ nhiều võ đoán như vậy.

Anonymous said...

Bài phân tích này có phần không khách quan. Tuy lời văn có vẻ thương cảm với người dân Nga "lầm đường lạc lối", nhưng lại không đả động gì tới việc chính người Nga lựa chọn và tranh đấu cho nền dân chủ.
Chuyển đổi từ một nước xhcn thì chính trị gia đương nhiên số đông xuất thân từ quan chức cs.
Thực chất, Mỹ đã thất bại trong việc lèo lái Nga theo quỹ đạo của mình khi Yeltsin trao quyền cho Putin.

drdung72 said...

một bài viết của 1 kẻ bài xích nước Nga rất rõ, người dân Nga không cần những kẻ giả ân, giả nghĩa khóc hộ. Người viết bài là cựu trợ lý cho cựu tổng thống Mỹ thì đích thị là đố kỵ về sức mạnh Của nước Nga trên mặt trận ngoại giao gần đây, siêu cường Mỹ đang bị méo mó, lo sự 2 cường quốc đang lên là Nga và Trung cộng.

bht said...

Nước Nga đã từng muốn xích lại gần với Phương Tây thời Gorbachev, Yeltsin và cả thời Putin mới nhận cương vị TT từ Yeltsin. Chính Putin khi đó, thậm chí còn phát biểu rằng không loại trừ khả năng Nga gia nhập NATO. Nga giải trừ quân bị hạt nhân (trong khuôn khổ START3) nhiều hơn Mỹ. Vậy là lãnh đạo Nga, người được số đông dân Nga trao quyền, đã mong muốn chấm dứt thực sự 'chiến tranh lạnh'. Nga cũng đã giúp Mỹ trong cuộc chiến Afganistan.
Nhưng khi NATO mở đến sát biên giới, dự án tên lửa đánh chặn chặn chuẩn bị triển khai tại các nước Đông Âu thì nước Nga (lãnh đạo và dân chúng) không thể làm ngơ là chuyện dễ hiểu.
Vậy cuối cùng, nước Nga sau bao thăng trầm có thực sự mạnh không ?
Chỉ biết rằng, Nga là một trong tám nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, Nga luôn là đối tác trong tất cả các cuộc họp chính của NATO, ý kiến của Nga luôn quan trọng tại Trung Đông dù Mỹ là đồng minh thân cận của Israel nhưng Nga lại có tiếng nói với chính nước này...
Là nước xhcn chuyển đổi thành tbcn, đâu phải ngày một ngày hai mà các doanh nghiệp nhà nước quan trọng có thể tư nhân hóa ngay. Ngay tại các nước tbcn, trong cuộc khủng hoảng kinh tế này, cũng phải chyển các doanh nghiệp quan trọng cho chính phủ quản lý và trả nợ thay.
Grobachev và Yeltsin thay đổi nước Nga, nhưng dưới thời Putin và Medvedev thì kinh tế Nga mạnh hẳn, dân Nga sung túc hơn, các băng đảng dân tộc cực đoan bị triệt phá... thế thì nếu là người Nga, bạn sẽ bầu cho ai ? Cho Putin, Medvedev hay cho một lãnh đạo của một đảng chưa chứng tỏ được khả năng lãnh đạo từ các cấp vùng /cấp chủ thể ?
Qua lời người viết thì, nước Nga sắp sụp đổ đến nơi !(?) Nước Nga không làm theo Phương Tây ngay thì không thể tồn tại được lâu nữa !(?)

hoalan said...

Đồng ý với bht said và các bạn hiểu nước Nga

Nguyễn Hoàng said...

"Nước Nga buồn thảm" hay "Nước Nga và buổi ban đầu của chủ nghĩa tư bản hoang dã với những ông trùm như Putin"?
Đã có cò quay Nga, chúng ta lại sắp chứng kiến dân chủ kiểu Nga?
Tự nhiên nhớ bài "The motherland hears, the motherland knows".