Tuesday, 4 January 2011

Imperium (trích, R. Kapuściński)

Ở trường, chúng tôi học bảng chữ cái tiếng Nga ngay buổi học đầu tiên. Chúng tôi bắt đầu bằng chữ „s”. Sao lại bằng chữ „s”? Có bạn nào đó trong lớp hỏi. Phải bắt đầu từ “a” chứ! Các em, thầy giáo (người Ba Lan) nghiêm giọng nói, các em hãy nhìn vào bìa cuốn sách của chúng ta. Chữ đầu tiên trên đó là gì? Chữ “S”! Petrus người Bạch Nga có thể đọc cả dòng: Stalin. “Những câu hỏi của chủ nghĩa Lenin”. Đó là quyển sách duy nhất mà chúng tôi dùng để học tiếng Nga, bản duy nhất của cuốn sách ấy. Trên bìa cứng bọc vải xám có những chữ lớn mạ vàng óng ánh.

“Khi vĩnh biệt chúng ta, đồng chí Lenin đã dạy...” anh bạn Władysław nhỏ bé và ít lời ngồi bàn đầu lắp bắp đọc. Tốt hơn hết là không hỏi Lenin là ai. Các mẹ đã kịp dặn chúng tôi không được hỏi gì hết. Mà thực ra những lời đe nẹt ấy cũng chẳng cần thiết. Tôi không thể tả được, không biết là tại sao, nhưng trong không khí có một cái gì đó thật đáng sợ, thật căng thẳng và nặng nề, đến mức cái thành phố nơi chúng tôi vẫn quậy tưng bừng như quỷ sứ bỗng trở thành bãi mìn nguy hiểm và phản trắc. Ngay đến thở mạnh chúng tôi cũng sợ sẽ làm mọi thứ nổ tung.

Mọi trẻ em đều sẽ vào Đội! Một hôm, chiếc xe con của trường đỗ vào sân, có mấy ông mặc quân phục màu xanh lam bước ra. Ai đó nói rằng họ là NKVD. NKVD là gì thì không rõ lắm, nhưng có điều chắc chắn rằng một khi người lớn hạ giọng thì thầm lúc nhắc đến cái tên ấy, thì NKVD hẳn phải là quan trọng nhất, vì quân phục của họ lịch lãm, mới tinh, y như vừa được may xong. Bộ đội bình thường luôn ăn mặc rách rưới, họ đeo túi vải thay vì ba lô, thường là những chiếc túi rỗng, buộc túm buộc tó lại, còn giày thì hình như cả đời không đánh, nhưng nếu có ai đó là người của NKVD đang đến thì từ xa cả cây số đã thấy ánh đèn báo hiệu màu xanh nhấp nháy trên xe ông ta.

Những người của NKVD ấy mang cho chúng tôi áo sơ mi trắng và khăn quàng đỏ. Nếu có buổi lễ quan trọng, thầy giáo nói với giọng sợ sệt và buồn rầu, mỗi học sinh sẽ mặc áo trắng và đeo khăn quàng đến trường. Họ cũng đem đến và phát cho chúng tôi rất nhiều huy hiệu. Trên mỗi huy hiệu là hình một ông khác nhau. Một số người có ria, những người khác thì không. Một ông có râu, còn hai ông khác thì hói. Hai hay ba ông đeo kính. Một người của NKVD đi xuống các bàn và phát huy hiệu. Các em, thầy giáo nói, đây là các lãnh tụ của các em. Có chín lãnh tụ. Họ tên là: Andreyev, Voroshilov, Zhdanov, Kaganovich, Kalinin, Mikoyan, Molotov, Krushchev. Lãnh tụ thứ chín là Stalin. Huy hiệu hình ông to gấp đôi các ông khác. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu thôi. Cái ông đã viết quyển sách “Những câu hỏi của chủ nghĩa Lenin” dày như thế (mà chúng tôi dùng để học đọc) ắt phải có huy hiệu to hơn các ông khác rồi.

Phải đeo huy hiệu lên ngực áo, phía bên trái, nơi người lớn hay đeo huy chương. Nhưng chẳng mấy chốc thì bắt đầu có chuyện: thiếu huy hiệu. Lý tưởng nhất, thậm chí gần như bắt buộc, là đeo hết các lãnh tụ, bắt đầu bằng huy hiệu to của Stalin. Các ông ở NKVD cũng bắt thế: phải đeo hết! Trong khi đó, hóa ra người có Zhdanov thì không có Mikoyan, hoặc có người có hai Kaganovich mà không có Molotov. Một hôm Janek mang đến những bốn Krushchev để đổi lấy một Stalin (trước đó có người đã lấy cắp mất Stalin của cậu).Trong bọn chúng tôi, Petrus thực sự là một tay giàu sụ - cậu có những ba Stalin. Cậu thường lôi chúng ra khỏi túi, giơ lên khoe.

Có lần, Chaim - cậu bạn ngồi bàn bên cạnh – lôi tôi ra một góc. Cậu muốn đổi hai Andreyev lấy Mikoyan, nhưng tôi bảo cậu là Andreyev rẻ lắm (sự thật là thế, vì chẳng ai biết ông Andreyev này là ai) và không đồng ý. Hôm sau Chaim lại lôi tôi ra một góc. Câu lôi từ trong túi ra Voroshilov. Tôi run lên. Voroshilov là mơ ước của tôi! Ông mặc quân phục, nghĩa là đầy vẻ chinh chiến, mà tôi đã biết mùi chiến tranh rồi, nên tôi cảm thấy ông có vẻ gần gũi. Tôi đổi cho cậu Zhdanov, Kaganovich và cho thêm Mikoyan nữa. Nói chung Voroshilov rất chạy. Molotov cũng thế. Một Molotov có thể đổi được ba ông khác, vì người lớn nói rằng Molotov quan trọng. Kalinin cũng có giá, vì trông giống một ông lão Ba Lan. Ông có chòm râu bạc và chỉ có ông là có cái gì đó như thể nụ cười.

(Thái Linh dịch)


2 comments:

NNVan said...

Chào chị Thái Linh. Lâu lắm em mới thấy chị viết. Mặc dù em hay vào blog chị nhưng đây mới là comment đầu tiên :). Em thích đọc sách lắm nhưng văn học Ba Lan thì em chưa đọc nhiều. Năm mới chúc chị và gia đình mạnh khỏe, nhiều niềm vui.

Thái Linh said...

Cảm ơn NNVan và chúc em một năm mới tốt lành! :)