Gần đây, có một người bạn tôi nói rằng trước kia bạn không thích Chopin lắm mặc dù cũng hay nghe, nhưng sau khi đến thăm Ba Lan (trong vài ngày ngắn ngủi), bạn mới hiểu Chopin hơn. Điều này có lẽ cũng lý giải cho lòng yêu mến Chopin của tôi, một người đã sống trong không gian này trong suốt hơn hai mươi năm, bầu trời này, mặt đất này. Bạn khiến tôi nhớ đến lời André Gide, người cũng yêu mến Chopin và đã dành cho ông nhiều thời gian hơn bất cứ nhạc sỹ nào khác, được ghi trong một cuốn sách nhỏ tôi đọc đã lâu: "Bởi một định mệnh lạ lùng nào đó, không tái diễn với bất kỳ ai khác, Chopin càng vuột đi khi càng có nhiều người ra sức tìm hiểu ông". Có lẽ phải thêm vào như thế này: "Chopin càng vuột đi khi càng có nhiều người ra sức tìm hiểu ông mà chưa đến Ba Lan":)
(Và chợt nhớ cái chạnh lòng khi đọc một câu nhỏ Claude Lévi-Strauss nhắc đến Chopin, hình như trong "Nhiệt đới buồn").
Cuốn sách được viết từ những năm 30, với những nhận xét tinh tế, nhiều khi bất ngờ, đến giờ vẫn đầy thuyết phục và không lạc hậu ấy, chính là "Những ghi chép về Chopin".
Tôi sẽ tranh thủ thời gian dịch cuốn sách này, như một sự chia sẻ với bè bạn và lưu giữ ở đây. Về dịch thuật, chắc chắn không tránh khỏi sai sót, nhất là về từ ngữ trong âm nhạc là lãnh vực mà tôi không chuyên, mong được mọi người thông cảm và góp ý.
Thái Linh
***
Tôi dự định cho ra đời „Những ghi chép về Chopin” của mình từ năm 1892. Từ đó, gần bốn mươi năm đã trôi qua. Đúng ra khi ấy tôi định sẽ viết „Những ghi chép về Schumann và Chopin”. Ngày hôm nay, việc so sánh hai tên tuổi này khơi lên trong tôi sự khó chịu như Nietzsche đã cảm thấy khi so sánh „Goethe và Schiller”. Thời ấy tôi ngỡ có thể nói nhiều về Schumann, nhưng rốt cuộc càng ngày tôi càng cảm thấy ông ít quan trọng hơn.
Schumann là nhà thơ. Chopin là nghệ sỹ, điều hoàn toàn khác biệt, nhưng tôi sẽ lý giải sau.
Bởi một định mệnh lạ lùng nào đó, không tái diễn với bất kỳ ai khác, Chopin càng vuột đi khi càng có nhiều người ra sức tìm hiểu ông. Người ta có thể chơi Bach, Scarlatti, Beethoven, Schumann, Liszt hay Faure với ít hay nhiều thành công hơn. Không thể xuyên tạc ý nghĩa những bản nhạc của họ khi hơi sai nhịp. Chỉ có thể phản bội Chopin, một cách sâu sắc, tại tâm và hoàn toàn tự nhiên.
Các bạn đã bao giờ từng nghe một diễn viên xướng Baudlaire như thể đó là Casimir Delavigne hay chưa? Người ta chơi Chopin như thể đó là Liszt. Họ không hiểu được sự khác biệt. Và như thế, Liszt đã được tôn lên cao hơn. Người trình diễn có thể bắt được điều gì đó và say sưa điều gì đó. Nhờ anh ta, có thể hợp nhất với Liszt. Chopin thì hoàn toàn vuột khỏi anh ta và điều đó tinh tế đến mức thính giả thậm chí còn chẳng đoán ra.
Tương truyền Chopin khi ngồi xuống trước dương cầm luôn gây ấn tượng rằng ông đang ứng tác. Hồ như ông đang không ngừng tìm kiếm, sáng tác, dần dần khám phá tư tưởng của chính mình. Sự phân vân đầy quyến rũ ấy giờ đây đã là bất khả, khi bản nhạc được trình tấu không phải trong từng bước hình thành, mà đã như một tổng thể hoàn hảo, khách quan và khép kín. Tôi không thấy ý nghĩa nào khác trong các nhan đề Chopin đặt cho vài trong số những bản nhạc trang nhã nhất của ông: Impromptus. Không thể cho rằng Chopin ứng tác với nghĩa đen của từ này. Không. Nhưng quan trọng là chúng phải được chơi theo cách mang lại ấn tượng như thế, nghĩa là với một sự thiếu khẳng quyết nào đó – tôi không dám nói là với sự uể oải – nhưng dẫu sao cũng là thiếu cái khẳng quyết mang theo những nhịp nhanh. Đó là cuộc diễu hành của những khám phá, và người chơi không nên khơi khơi khiến mọi người hiểu rằng anh ta biết trước những điều mình sẽ nói, rằng mọi điều đã được xuống bút viết sẵn rồi. Tôi thích những khi một đoạn nhạc đang dần hình thành dưới nhưng ngón tay của người chơi tưởng như rời khỏi anh ta, khiến chính anh ta phải ngạc nhiên và mời chúng ta đến với niềm vui thích của mình. Thưa dương cầm thủ, anh muốn tôi phải trải nghiệm cảm xúc gì ngay cả trong một bản nhạc táo bạo như Etude op. 25 no 11 cung La thứ mãnh liệt và bão táp, nếu chính anh chẳng trải nghiệm một cảm xúc nào hết và cũng không khiến tôi cảm thấy anh đang trải nghiệm khi bất thần bước vào La giáng trưởng, ngay sau đó là Mi trưởng tựa tia nắng mặt trời đột nhiên kết thúc bão táp mưa sa, nếu bằng sự khẳng quyết của mình anh khiến tôi hiểu rằng anh biết trước điều đó, rằng rất cả đều đã được chuẩn bị sẵn? Mỗi sự chuyển điệu trong âm nhạc Chopin, không bao giờ nhàm chán và luôn luôn bất ngờ, đều phải ẩn chứa và giữ gìn cái tinh khôi ấy, thậm chí là cảm xúc e sợ đồng hành với điều mới mẻ kinh ngạc, với niềm bí ẩn của sự quyến rũ sét đánh, nơi tâm hồn được đặt trước những con đường chưa vết chân qua, nơi từ đó bức tranh phong cảnh sẽ dần hé lộ.
Bởi vậy, hầu như khi nào tôi cũng thích âm nhạc của Chopin nói với chúng ta bằng giọng khe khẽ, gần như thì thầm, không bùng nổ (tất nhiên ngoại trừ một vài tác phẩm, chủ yếu các bản scherzo và polonez), thiếu vắng sự khẳng quyết khó ưa của người biểu diễn, cái sự khẳng quyết sẽ cướp đi nét quyến rũ dễ thương. Những người từng được nghe Chopin đàn kể rằng ông đã chơi như thế. Dường như ông luôn luôn không đi hết tiếng đàn. Tôi muốn nói rằng ông hầu không bao giờ để cây đàn chắt ra âm thanh tròn đầy, do đó thính giả của ông thường cảm thấy thất vọng, họ nghĩ „mình không trả tiền để nghe như thế”.
Chopin đề nghị, giả thiết, gợi ý, thuyết phục; hầu như không bao giờ khẳng quyết.
Còn chúng ta, chúng ta càng chăm chú lắng nghe tư tưởng của ông, nó càng vuột mất. Tôi liên tưởng đến „sắc thái xưng tội” mà Laforgue đã ca ngợi ở Baudelaire.
Ai chỉ biết đến Chopin qua những người biểu diễn quá điêu luyện có thể xem ông như người cung cấp các bản nhạc chói sáng và hiệu quả mà có lẽ tôi sẽ chẳng thể chịu đựng nổi nếu chính tôi không đến được với ông sâu hơn, nếu ông đã không biết nói thầm với tôi: „Đừng nghe họ. Vì họ mà anh không còn có thể nói được điều gì nữa. Những gì mà họ đã gây ra còn khiến tôi đau khổ hơn anh. Tôi thà là một kẻ vô danh còn hơn bị nhìn nhận như người không phải là tôi.”
Tôi cảm thấy nực cười với những thính giả ngây ngất trước một số người chơi Chopin nổi tiếng. Có điều gì đáng thích thú trong cách chơi của họ? Chỉ còn lại những gì phổ biến và thế tục. Không còn gì nữa, như tiếng chim hót của Rimbaud, „lẽ ra phải bắt ngắt đi và điểm thêm một cái đỏ mặt”.
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 2
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần 3
Những ghi chép về Chopin (André Gide) - phần cuối
2 comments:
hay lắm bạn ơi, chờ phần tiếp :))
Tôi cũng mong phần tiếp và mong có dịp được trở lại Ba Lan nữa!
Post a Comment