Saturday, 18 June 2011

Nhân chuyện ông Zhiguo Gao, nói đôi lời về Tòa án Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea)

(thẩm phán Zhiguo Gao, ảnh lấy từ trang web của ITLOS)

Tin ông Zhiguo Gao (Cao Chí Quốc) người TQ tái đắc cử thẩm phán Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) làm một số bạn "hoang mang", nên mình muốn viết đôi lời để nói rằng chuyện này "chẳng có gì mà phải rộn".

Thứ nhất, TQ từ trước đến nay luôn có thẩm phán ở ITLOS, việc ông Zhiguo Gao tái cử chẳng làm thay đổi tình hình thành xấu hơn.

Thứ 2, ITLOS có 21 thẩm phán, khi phán quyết tất cả các thẩm phán đều phải tham gia. Như vậy, tuy TQ có thẩm phán, nhưng 1/21 không phải là 1 tỷ lệ quá đáng sợ. Ngoài ra, nếu 1 trong 2 bên tranh chấp có thẩm phán mang quốc tịch của mình thì bên kia có thể chỉ định một thẩm phán ad hoc thay mặt cho quốc gia mình tham gia vào hội đồng xét xử, thẩm phán ad hoc này có tư cách ngang với các thẩm phán của ITLOS.

Thứ 3, thẩm quyền xét xử (jurisdiction) của ITLOS là các vụ việc liên quan đến diễn giải và thực hiện UNCLOS. Các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ như Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc thẩm quyền của ITLOS. Theo nguyên tắc thông thường, khi TQ vi phạm UNCLOS như vụ Bình Minh hay Viking vừa rồi, mình nhấn mạnh lại là không liên quan gì đến tranh chấp HS-TS nhé, thì VN có thể kiện TQ trước  ITLOS, vì cả 2 nước đều tham gia UNCLOS. (Tất nhiên là TQ không chủ động đưa ra tòa rồi, vì họ sai rành rành).

Nhưng.... TQ lại bảo lưu quyền không chấp nhận đưa ra tòa ITLOS! (theo điều 298 UNCLOS)

"The Government of the People’s Republic of China does not accept any of the procedures provided for in Section 2 of Part XV of the Convention with respect to all the categories of disputes referred to in paragraph 1 (a) (b) and (c) of Article 298 of the Convention. "

(http://www.itlos.org/procedings/competence/298.e.pdf)

Vậy là VN có muốn kiện TQ ra ITLOS cũng chẳng được. Thế nên ông Zhiguo Gao chẳng ảnh hưởng gì đến bất hòa bình thế giới. Sự kiện TQ có thẩm phán ở ITLOS, và trước đây từ những năm 30 từng có thẩm phán ở Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) chỉ cho thấy họ đã đi trước chúng ta bao xa, chúng ta phải làm gì và làm thế nào để rút ngắn bớt khoảng cách, mà thôi.

3 comments:

Rem said...

Chậc, nghe chị bảo thế cũng thấy yên tâm.

Liliana said...

Co Linh cho phep chau share link bai viet nay ve facebook cua minh nhe :)

Thái Linh said...

OK, Liliana cứ share, nhưng nhớ ghi nguồn