Sunday, 12 June 2011

Bàn về bình đẳng (Leszek Kołakowski)

(Mẹ Teresa, ảnh lấy từ internet)


Thái Linh dịch



Chúng ta hãy suy ngẫm về câu nói – xưa kia vang lên như trái phá, về sau trở thành nhàm chán – rằng “tất cả mọi người đều bình đẳng”. Nó không biểu thị mệnh lệnh theo đó, tất cả mọi người phải được đối xử như nhau trước pháp luật, bởi vì ai đó có thể phản bác rằng bản thân mệnh lệnh này là tùy tiện: vì sao lại chính luật pháp phải đối xử với mọi người như nhau? Không, mệnh lệnh đó được đưa ra dựa trên khẳng định rằng mọi người bình đẳng và do đó, luật pháp phải như nhau cho tất cả mọi người. Như vậy, cơ sở của quy tắc này là một thực trạng nhất định. Nhưng thực trạng đó là gì và làm sao chúng ta có thể xác định được rằng thật sự có nó?

Khi nói rằng con người không bình đẳng bởi họ khác nhau về nhiều mặt – về sức khỏe, các khả năng, kiến thức và tính cách – những người phê phán đã phát biểu thiếu khôn ngoan. Bởi vì hiển nhiên và rõ ràng ai cũng biết rằng con người khác nhau về mặt này mặt khác, rằng không ai hoàn toàn giống ai, và những người đề xướng sự bình đẳng như một thực trạng cũng biết điều ấy, bất kể những khác biệt kia; do đó dựa vào sự khác biệt để khẳng định con người không bình đẳng là vô nghĩa, bởi như vậy là không nắm bắt được khái niệm bình đẳng mà những người đề xướng nó chủ tâm.

Nhưng tất nhiên vấn đề cũng không nằm ở cách nhìn nhận rằng con người thuộc cùng một loài, do đó họ có các trang bị sinh học giống nhau, các đặc điểm hình thái học và sinh lý giống nhau. Nếu vấn đề là ở đó thì chúng ta cũng có thể nói “tất cả các con ngỗng đề bình đẳng” hay “tất cả các con ruồi đều bình đẳng”, “tất cả các cây tầm ma đều bình đẳng”. Nhưng chúng ta không nói thế và cũng chẳng rõ những câu như vậy có thể mang nghĩa gì. Con người bình đẳng, nhưng ruồi thì không.

Xưa kia, các nhà tư tưởng thời Khai minh tin rằng mọi người sinh ra đều giống nhau, như những tấm bảng chưa bị viết lên, tất cả mọi khác biệt là nảy sinh từ giáo dục và ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Ngày nay đã không còn cách nào tin được vào điều đó, bởi chúng ta biết rằng con người sinh ra với những hành trang di truyền khác nhau, và mặc dù còn nhiều điều phải nghiên cứu về di truyền học con người, mặc dù không ai nghi ngờ rằng mỗi người chúng ta là vừa sản phẩm của các đặc điểm di truyền, vừa của giáo dục, thì cũng không ai nghi ngờ rằng chúng ta khác nhau bởi các đặc tính được thừa hưởng. Không ai có thể khẳng định toàn bộ sự nghiệp của Hitler đã được ghi sẵn trong các di tố, hay mọi hành động và tư tưởng của mẹ Teresa đều đã được ghi trong di tố của bà, nhưng được phép giả định rằng có những nhân tố di truyền đã khiến cho một người có thể – dù không nhất thiết – thiên về trở thành Hitler hơn hay mẹ Teresa hơn. Nhưng cả Hitler và mẹ Teresa đều không chỉ thuộc cùng một loài sinh vật, mà theo một nghĩa nào đó, nghĩa của chính điều đang được diễn giải, họ còn như nhau, như tất cả mọi người, họ bình đẳng, mặc dù họ khác nhau ở cấp độ cao nhất.  

Chắc chắn, có thể đề xướng sự bình đẳng của con người dựa trên truyền thống tôn giáo cơ đốc – và không chỉ cơ đốc. Theo nghĩa này, ta nói mọi người đều là con của một cha và đều bị Chúa phán xét theo các chuẩn mực như nhau – dù họ là bác học hay thất học, nghèo hay giàu, sinh ra ở nơi này hay nơi khác, thuộc tầng lớp này hay tầng lớp khác. Như vậy là họ bình đẳng như những đối tượng đạo đức, được Chúa truyền ra các mệnh lệnh nhất định của luật tự nhiên và ban cho khả năng để họ tùy ý nghe theo hoặc vi phạm các mệnh lệnh này.

Có thể đề xướng sự bình đẳng – như một thực trạng chứ không chỉ như một mệnh lệnh – độc lập với niềm tin vào sự hợp nhất của con người trong hình ảnh Chúa hay không? Tôi nghĩ rằng có thể, nhưng điều này đòi hỏi các nền tảng mang tính đạo đức nhất định, cũng như các nền tảng liên quan đến bản thân thể chất con người. Khi nói “mọi người đều bình đẳng”, ý chúng ta là họ bình đẳng về nhân phẩm mà mỗi người đều có và không ai được quyền xâm phạm. Nhưng nhân phẩm là gì, điều mà một số triết gia cho rằng không thể tách rời khỏi khả năng sử dụng lý trí và thực hiện các lựa chọn tự do của chúng ta, đặc biệt là sự lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu? Chắc chắn nhân phẩm không phải là thứ chúng ta có thể nhìn thấy, và khi nó bị xâm phạm thì dễ nói đến hơn là phát biểu thực chất nó là gì. Nhưng nếu chúng ta giới hạn vào một vấn đề, cụ thể là vào chính khái niệm con người như một bản thể có thể bằng chính sức mạnh của mình, không bị hoàn cảnh xung quanh áp đặt, lựa chọn giữa cái tốt và cái xấu, ta sẽ đi đến được một sự sáng sủa nhất định. Ta hãy đặt sang một bên vấn đề riêng của những người bất hạnh bị thiệt thòi sâu sắc, không đủ năng lực để có bất cứ tham gia nào vào văn hóa và hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Không có gì dị thường khi tin rằng con người có khả năng lựa chọn, rằng họ chịu trách nhiệm về những việc mình làm – tốt hay xấu – rằng chính khả năng này chứ không phải phương pháp mà họ sử dụng khiến họ bình đẳng về nhân phẩm, và rằng chính nhân tính được xác định như vậy là điều đáng tôn trọng, và do đó mỗi người riêng biệt đều cần được tôn trọng. Từ đây có thể kết luận điều gì cụ thể về việc chúng ta phải có thái độ ra sao với những kẻ sử dụng tự do của mình để giết, hiếp, hành hạ người khác, để trừng phạt và chà đạp nhân phẩm họ, hay không? Có lẽ chỉ có thể kết luận rằng, thậm chí với những kẻ tồi tệ nhất cần bị trừng trị và bỏ tù vì tội ác cũng không được phép cư xử theo cách hạ thấp nhân phẩm. Nhân phẩm không phụ thuộc vào tất cả những điều khiến con người khác biệt, nghĩa là vào giới tính, chủng tộc, dân tộc, trình độ, nghề nghiệp, tính cách.

Nếu tin rằng chúng ta là các cơ chế mà hành động và tư duy đều hoàn toàn bị các nguồn lực của môi trường xung quanh và vũ trụ vật lý thúc đẩy, thì bản thân khái niệm phẩm cách sẽ trở nên rỗng tuếch, và do đó khái niệm bình đẳng sẽ không còn ý nghĩa.  

Từ việc chúng ta bình đẳng theo nghĩa này chắc chắn dẫn đến rằng sự bất bình đẳng trước pháp luật là một công cụ chống lại nhân phẩm. Nhưng nó không dẫn đến việc chúng ta cần phải đòi hỏi sự bình đẳng theo nghĩa chia đều của cải cho tất cả mọi người. Sự bình đẳng hiểu theo nghĩa đó, bình đẳng trong phân chia của cải, hiển nhiên đã được đề xướng nhiều lần – bởi một số hội kín thời Trung cổ, sau đó bởi phe cánh tả Jacobin thời cách mạng Pháp, còn trong thế kỷ XIX và về sau thì bởi một số mảnh lẻ của phong trào xã hội chủ nghĩa. Lý luận trong các trường hợp này rất đơn giản: một khi mọi người đều bình đẳng thì mỗi người phải được hưởng của cải của trái đất như nhau. Nhưng đây không phải là lý luận tốt. Ở một số biến thể của chủ nghĩa quân bình, người ta cho rằng bình đẳng là giá trị cao nhất, do đó cần phần đấu để đạt được nó ngay cả khi hậu quả của việc đem lại bình đẳng khiến cho mọi người đều tồi tệ hơn, kể cả những người nghèo khổ nhất; không hề chi, hãy cứ để những người nghèo nhất trở nên nghèo hơn nữa, miễn sao không ai giàu hơn ai. 

Trong tư tưởng này, điều quan trọng không phải là làm sao cho mọi người có được cuộc sống tốt hơn, mà chỉ là để không ai có cuộc sống tốt hơn người khác; như vậy đây không phải là tư tưởng xuất phát từ cảm thức về sự công bằng, mà chỉ là từ lòng đố kỵ (có một giai thoại Nga như sau: Chúa hỏi một nông dân Nga: “Ngươi sẽ nhận được mọi thứ mình muốn, nhưng hãy biết rằng bất cứ ngươi nhận được gì thì hàng xóm của ngươi sẽ được gấp đôi. Ngươi muốn gì?” Người nông dân đáp: „Lạy Chúa, xin Người hãy móc một mắt con đi.” Chủ nghĩa quân bình thực thụ là vậy đó). Nhưng sự bình đẳng kiểu này lại là một lý tưởng không thể dập tắt. Để thực hiện nó, sẽ phải đặt toàn bộ nền kinh tế dưới sự cưỡng bức toàn trị, tất cả sẽ đều phải do nhà nước hoạch định, không ai có quyền làm khác lệnh nhà nước, sẽ không ai có lý do để gắng sức hay làm việc nhiều hơn mức cưỡng bức. Hậu quả là không chỉ toàn bộ nền kinh tế rách nát, mà bình đẳng cũng chẳng có, vì trong chế độ toàn trị sự bất bình đẳng là không thể tránh khỏi và kinh nghiệm cho thấy rõ điều đó, bởi những kẻ cầm quyền không có sự kiểm soát của xã hội sẽ luôn chia chác lợi ích vật chất ở tầm cỡ rất lớn, thêm vào đó là cả các lợi ích phi vật chất nhưng vô cùng quan trọng, ví dụ như quyền tiếp cận thông tin và tham gia vào quyền lực mà phần lớn người dân bị tước đoạt. Như vậy là sẽ có cả nghèo khổ lẫn áp bức.

Đương nhiên có thể đặt câu hỏi: sự bình đẳng trong việc phân chia tất cả các lợi ích trên nguyên tắc tự nguyện, ví dụ như trong tu viện hay ki-bus1, phải chăng là bất khả? Câu trả lời rất đơn giản: đó là điều khả thi theo nghĩa nó không đối nghịch với bất cứ một định luật vật lý hay hóa học nào. Nhưng tiếc thay, nó trái ngược với tất cả những điều chúng ta biết về hành xử của con người, ít nhất là các hành xử điển hình.

Điều này không dẫn đến kết luận rằng sự bất bình đẳng trong phân chia lợi ích hoàn toàn không phải là vấn đề, nhất là ở những nơi có lãnh địa rộng lớn của sự nghèo khổ khủng khiếp. Sự bất bình đẳng có thể được xoa dịu nhờ việc đánh thuế lũy tiến, công cụ hiệu quả nhất cho đến nay, nhưng chúng ta cũng biết rằng thuế lũy tiến vượt quá giới hạn nhất định sẽ trở thành thứ thuế phá hoại kinh tế và không chỉ người giàu mà cả người nghèo cũng sẽ bị thiệt thòi. Ta phải công nhận rằng có những quy luật nhất định của đời sống kinh tế mà chúng ta không thể xóa bỏ. Tất nhiên, điều vô cùng quan trọng là làm sao để tất cả mọi người có thể được hưởng cái gọi là cuộc sống xứng đáng, có nghĩa là cuộc sống không bị đói, có đồ để mặc, có nơi để ở, có thể hưởng sự chăm sóc sức khỏe và cho con cái đi học. Đây là những nguyên tắc được công nhận nói chung ở các nước văn minh, mặc dù chúng chưa được thực thi một cách hoàn hảo. Ngược lại, đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối trong phân chia lợi ích là công thức dẫn đến bất hạnh cho tất cả mọi người. Thị trường không công bằng, song loại bỏ thị trường có nghĩa là nghèo đói và áp bức. Thế nhưng bình đẳng về nhân phẩm và sự bình đẳng quyển lợi và nghĩa vụ nảy sinh từ đó là yêu cầu mà thiếu nó, chúng ta sẽ sa vào man rợ. Thiếu yêu cầu này, ví dụ, chúng ta sẽ có thể cho rằng được phép hủy diệt các dân tộc và chủng tộc khác một cách vô tội vạ, rằng không có lý gì để phụ nữ có các quyền công dân như nam giới, rằng được phép giết người già yếu bệnh tật, những người chẳng ích lợi gì cho xã hội v.v. Niềm tin vào sự bình đẳng này không chỉ bảo vệ nền văn minh chúng ta, mà còn khiến chúng ta là những con người.


Trích từ tập "Các thuyết trình mini về những vấn đề maxi" (Mini wykłady o maxi sprawach), NXB Znak, Kraków 2008
--------------
Chú thích:

1 Một kiểu hợp tác xã rất phát triền của người Do thái ở Israel, nơi nguyên tắc chủ yếu là không có sở hữu cá nhân, toàn bộ tài sản là của chung, trẻ em là của chung, hoàn toàn bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.




No comments: