Friday 19 June 2009

Hai mươi năm cuộc đời

Ngày này cách đây đúng hai mươi năm, 19.6.1989, tôi đặt chân đến Ba Lan.

Khi đó tôi mười bốn tuổi. Từ Hà Nội, tôi đi máy bay một mình sang Moscow, ở đó vài ngày chờ một đoàn công tác rồi cùng họ đi tàu sang Warszawa. Mẹ đón tôi ở sân ga trung tâm, khi đó gần như là ga tàu hoành tráng nhất Đông Âu. Tôi bước xuống tàu, bước vào một cuộc sống mới, một khúc ngoặt của đời mình.

Khi đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được những gì đang xảy ra quanh mình, để hiểu rằng những ngày ấy, đất nước Ba Lan đang trải qua những giờ phút lịch sử. Hai mươi năm sau, ngày tôi dự lễ khai mạc Hội nghị thế giới các dịch giả văn học Ba Lan ở Kraków cũng chính là ngày các nhân vật quan trọng của châu Âu đến đây, kỷ niệm 20 năm người dân Ba Lan giành được tự do: ngày 4.6. Đêm hôm đó, sau buổi gặp gỡ các dịch giả Kapuściński, chúng tôi nâng cốc uống mừng tự do, mừng Ba Lan, trong một niềm ngất ngây khó tả. Đó cũng chính là 20 năm kể từ ngày người ta xuất bản rộng rãi các tác phẩm của Kapuściński - nhà văn, nhà báo vĩ đại của thế kỷ.

Hai mươi năm qua, tôi chứng kiến những đổi thay bằng cặp mắt của một đứa trẻ, của một cô gái, rồi của một phụ nữ. Ngày tôi mới sang Ba Lan, người Việt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay: các nhân viên thương vụ, sứ quán, và vài sinh viên, nghiên cứu sinh. Có lần, mẹ tôi đi thăm một cơ sở ở tỉnh nọ, nhân viên của cả cơ quan đó kéo đến để nhìn xem... người Việt Nam đầu cua tai nheo ra sao! Bây giờ thì đồng bào tôi đã có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất nước này, với bao chuyện buồn có, vui có, cay đắng và tủi nhục cũng có...

Cộng đồng người Việt đã trải qua mấy thời kỳ, từ những ngày „đánh” quần bò, máy tính, đồng hồ... sang Nga, tạo nên một thế hệ các „tướng”, các „soái” đầu tiên. Đó cũng là thời kỳ mà những người Ba Lan tháo vát, nhanh nhẹn, biết nắm cơ hội của kinh tế thị trường... giàu lên nhanh chóng. Rồi đến thời kỳ khởi đầu bằng cuộc „xuống đường” bán hàng của các cô thợ may Việt Nam ở Łodź. Đây thực sự là một cuộc cách mạng. Từ đó, cộng đồng người Việt ở Ba Lan bắt đầu biết thế nào là bán hàng. Nhưng bán hàng thời đó cũng khác bây giờ. Chỉ cần có một tấm ni lông trải ra, đổ hổ lốn lên đấy linh tinh đủ các thứ hàng „quốc hồn quốc túy” như áo phông, áo xoa, áo pi-lot, tượng gỗ, áo ki-mô-nô, vòng ốc... những thứ mà bây giờ có cho người ta cũng còn phải suy nghĩ xem có lấy hay không, thế là người ta xúm lại, vòng trong vòng ngoài, tíu ta tíu tít, chỉ một buổi là bán hết cả túi hàng to, và mỗi buổi như thế người bán hàng có thể lãi được vài trăm đô la. Thời đó vẫn còn là cái thời của „cơn mưa vàng”. Rồi đến thời kỳ hoàng kim của chợ Sân Vận Động, người Việt bán hàng „có tổ chức” ở khu chợ trời lớn nhất Đông Âu. Từ ngày Sân Vận Động „tấc đất tấc vàng”, để có quyền thuê một cái ki ốt sắt bé tí cũng phải tốn cả chục, thậm chí cả trăm ngàn đô la, đến bây giờ đã gần như tan rã, chỉ còn sót lại những người nghèo nhất, chậm chân nhất. Những ai nhanh chân và có chút vốn đều đã chuyển vào các khu trung tâm thương mại. Khang trang, lịch sự, hiện đại, theo tiêu chuẩn châu Âu, so với nhưng tấm ni lông trải ngoài chợ năm xưa thì một trời một vực. Nhưng thị trường cũng đã thay đổi một trời một vực, khó khăn hơn rất nhiều, người ta kiếm tiền vất vả hơn rất nhiều, các tệ nạn, những chuyện lừa đảo, „bùng” nợ... cũng ngày một nhiều hơn. Những ngày này chính là thời điểm rất khó khăn của cộng đồng người Việt ở Ba Lan, trong bối cảnh khó khăn chung và khủng hoảng toàn cầu, dù không đến mức bi đát như ở các nước Đông Âu khác, hay như ở Nga, nhưng tôi cũng luôn nghe thấy những chuyện đau lòng.

Hai mươi năm, xã hội Ba Lan cũng đã thay đổi rất nhiều. Và tôi cảm thấy mình may mắn vì được làm chứng nhân cho những thay đổi ấy, điều mà không phải ai cũng có được. Hai mươi năm cuộc đời, không phải là quá dài nhưng cũng thừa đủ để một đứa trẻ sơ sinh trở thành người lớn. Hai mươi năm trưởng thành của tôi, những năm tháng quan trọng nhất trong đời mình, tôi đã trải qua ở đây, trên mảnh đất Ba Lan thân yêu này, đất nước của Chopin, của Szymborska và Kapuściński. Ở đây tôi đã có những tình yêu, một gia đình, một mái ấm, những công việc mình yêu thích và những người bạn. Có cả những dại khờ, va vấp. Nhưng nếu phải nói gọn lại trong một câu, thì tôi sẽ nói rằng: đó là hai mươi năm hạnh phúc của đời tôi.

(Vài dòng lộn xộn, để ghi nhớ một ngày quan trọng trong đời.)

16 comments:

Marcus Vu said...

Viết hay thế này, lộn xộn gì. Một bài ngắn mà dẫn người ta đi qua cả 20 năm lịch sử.

Thẹn thùng đề nghị là nên có 1 serie ảnh 20 năm ạ, xem là Lilia đi qua thời thiếu nữ như thế nào. ;)

NgocLan said...

Lan cũng thấy như Marcus, đọc bài thấy cảm động quá chừng.
Hy vọng 20 năm tiếp theo cũng sẽ đầy những kỷ niệm đẹp đẽ và hạnh phúc như vậy nữa, Linh há

ANH said...

Chà, thế là mình xa nhau cũng 20 năm rùi cơ đấy

Thái Linh said...

@Marcus: Mấy cải ảnh thời xưa bây giờ phải đem ra scan, hơi lười, nhưng sẽ cố gắng :)

@Ngọc Lan: Cảm ơn Ngọc Lan nhiều!

@Ánh: Một cái chớp mắt 20 năm nữa là bọn nhóc lớn hết rồi nhỉ, lúc đó chúng ta sẽ tha hồ làm những việc mà mình muốn :)

Anonymous said...

chi oi, em cung thay bai viet rat cam dong, chan that. Trong 20 nam ay co bao gio chi nghi lieu chi song o Vn se the nao ko a?

em chuc chi luon hanh phuc nhu 20 nam qua. em M.Hoa

Thái Linh said...

@Mai Hoa: chị đã từng suy nghĩ rất nhiều chứ, có lần đã về VN hẳn 5 tháng để xem xét tình hình, nhưng rồi thấy mình ko đủ bản lĩnh để sống ở VN. Bên này chị thông thạo mọi thứ, còn về VN thì chị lơ ngơ như một con gà. Chị sợ nhất là đi mua gì, làm gì cũng cứ phải lo người ta có lừa mình ko, sống thế căng thẳng lắm, chị ko chịu được :)


Bây giờ có con rồi thì chẳng phải suy nghĩ gì nữa, vì điều kiện phát triển toàn diện cho bọn trẻ con thì VN ko thể nào bằng bên này được, có những cái dù ở VN có tiền tỉ cũng chẳng mua nổi.

Anonymous said...

chi, dung la ve Vn, so nhat la luc nao minh cung nhu ga con. Em cung thay the.
em tin la 20 nam qua chi ma o vn, thi ko co dk de mo mang va lam duoc nhieu thu nhu o BL duoc.Thai Linh se la nguoi khac hihi
Chi hom nao post anh Bonbon va sonny len nhe. dung la co con roi thi khoi suy nghi luon hihi.em MH

M said...

Mẹ Sony bao giờ nhận được sách thì báo lại với cô Moonie nhé. Hi vọng sách sớm tới nơi :D

Thái Linh said...

Cảm ơn cô Moonie ạ! :)
(Vào blog cô Moonie ko thấy có chỗ nào để nhắn nhủ cả, phải nhắn vào đây vậy)

phinstar said...

Em thích câu túm gọn của chị "hai mươi năm hạnh phúc của cuộc đời" vì em cũng nghĩ mình thế dù tuổi đời của em cũng chỉ gói gọn trong con số 20 ấy thôi.

Bài viết rất hay chị ạ, từ sau khi biết chị và Kapuściński, bỗng dưng em cũng yêu mến Ba Lan.

Thái Linh said...

Cảm ơn Phin :)

sunshinemanh said...

Chi oi, em Mai Anh day, em khong co account o day, thu leave comment xem co duoc khong:) Bai viet hay qua chi, nhu em da noi voi chi, chi phai la nha van moi dung.

Cá Voi said...

Đọc bài của bạn mà trong lòng thấy bồi hồi. Tôi cũng tầm tuổi bạn. Sang War học sau ĐH và làm việc ở chợ trời. Mấy năm trời đầy những ái ố hỉ nộ bên đó. Bây giờ đã về Việt Nam gần 10 vẫn thỉnh thoảng mơ thấy mình đang ở Ba Lan, vẫn thấy bồi hồi khi nghe đến nó, và thỉnh thoảng vẫn còn nói nhầm tiếng Ba Lan với người nước ngoài. Ba lan là thế, đầy bi tráng và không dễ quên đi được.

Anonymous said...

bạn có thể viết gì về Hà Nội không?

Piotr G said...

Przypadkiem zupełnie, szukając serbskich tłumaczeń Janusza Szubera, udało mi się trafić na Pani blog. Jakiś czas temu przeczytałem o Pani pracy nad Kapuścińskim, natomiast o istnieniu bloga nie wiedziałem. Szkoda, że nie prowadzi Pani podobnego bloga po polsku, miałaby Pani we mnie stałego czytelnika. Pozdrawiam serdecznie

Thái Linh said...

Dziekuję za ciepłe słowa i pozdrawiam :)